Nguyên GĐ Sở Địa chính và đồng phạm hầu tòa vì gây thiệt hại 131 tỉ
Ngày 8.5, TAND tỉnh Bình Dương đưa ra xét xử vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ đối với 3 nguyên cán bộ Sở Địa chính, nay là Sở TNMT tỉnh Bình Dương.
Vụ án do Bộ Công an điều tra và VKSND Tối cao ra cáo trạng truy tố, sau đó ủy quyền cho VKSND tỉnh Bình Dương thực hành quyền công tố trước TAND tỉnh này.
Các bị cáo bị truy tố trước tòa tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” theo khoản 3 điều 281 Bộ luật Hình sự năm 1999, gồm: Cao Minh Huệ (65 tuổi, nguyên Giám đốc Sở Địa chính), Phan Văn Trung (55 tuổi, nguyên Trưởng Phòng NNPTNT thị xã Bến Cát và Đỗ Văn Sâm (61 tuổi nguyên là cán bộ cấp dưới ông Trung).
Các bị cáo bị bắt tạm giam hơn 1 năm (29.10.2009), sau đó cho tại ngoại (từ 2.2011) cấm đi khỏi nơi cư trú.
Ông Cao Minh Huệ (ngoài cùng bên phải) cùng đồng phạm tại phiên tòa.
Một bị can đã chết năm 2010 được đình chỉ điều tra là ông Nguyễn Thanh Hải (nguyên giám đốc Công ty Chế biến cây công nông nghiệp xuất khẩu-Sobexco).
Đây là vụ án gây xôn xao dư luận trong thời gian dài vì diện tích đất rất lớn của nhà nước quản lý bị cấp trái quy định pháp luật cho nhiều đối tượng gây thất thoát tài sản. Đáng chú ý, các bị cáo là người đứng đầu và cán bộ trong ngành quản lý đất đai cấp tỉnh.
Lẽ ra chỉ được bán cây cao su thì các bị cáo lại hợp thức hóa để chuyển nhượng đất và sau đó cấp GCNQSDĐ cho người mua.
Theo cáo trạng, hành vi trái quy định pháp luật vì mục đích vụ lợi của các bị cáo xảy ra đến nay đã gần 20 năm (từ 2000, tại xã An Tây, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương) bắt nguồn từ việc thanh lý vườn cây caosu có diện tích 658ha của công ty nhà nước (Sobexco) được giao.
Theo tờ trình được phê duyệt, lẽ ra chỉ được bán tài sản trên đất là cây caosu thì các bị cáo lại thực hiện chuyển nhượng cả quyền sử dụng đất, đồng thời cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho người mua cây caosu.
Đáng chú ý, người thân của các bị cáo trên đều được cấp nhiều GNQSDĐ với hàng chục ha đất. Trong số này, vợ và con ông Huệ được cấp nhiều GCNQSDĐ với tổng diện tích là 78ha.
Năm 2007, khi mở khu công nghiệp tại đây, nhà nước lại phải bồi thường giải phóng mặt bằng gây thiệt hại kép.
Năm 2007, khi giải phóng mặt bằng thành lập khu công nghiệp tại đây, nhà nước lại phải bồi thường cho những người đã được cấp GCNQSDĐ trái quy định gây thiệt hại kép cho nhà nước.
Như vậy nhà nước vừa mất tiền cho thuê đất (658ha) trong nhiều năm, vừa mất tiền bồi thường để giải phóng mặt bằng. Tổng số tiền nhà nước bị thiệt hại được xác định là 131,4 tỉ đồng.
Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 3 ngày. Sáng 8.5, TAND tỉnh Bình Dương tiến hành khai mạc phiên tòa và phần xét hỏi nhân thân.
Tiền Phong