MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguyên nhân bất ngờ khiến các thí sinh Trung Quốc có tỷ lệ đỗ cao nhất trong CFA - kỳ thi khó nhằn nhất của giới tài chính

26-11-2019 - 12:35 PM | Tài chính quốc tế

Trong mấy năm gần đây, số liệu thống kê cho thấy một xu hướng rõ nét: số thí sinh đến từ châu Á, mà đặc biệt là Trung Quốc, đã tăng rất mạnh, vượt qua tất cả các khu vực khác. Và tỷ lệ đỗ cũng tăng nhanh.

Trong suốt 3 năm, đều đặn mỗi ngày Ranger Yu đều ra khỏi giường lúc 6h sáng và ngồi học cho tới tận nửa đêm để chuẩn bị cho kỳ thi đại học nổi tiếng là khó nhằn ở Trung Quốc (hay còn gọi là Gaokao). Sau khi đã trải qua quãng thời gian đó, anh khẳng định 3 bài thi để đạt được cấp độ cao nhất trong kỳ thi về phân tích tài chính CFA dễ chịu hơn nhiều.

Chàng trai gốc Thượng Hải đã sử dụng những kỹ năng luyện thi đại học để ôn thi CFA trên đường đi làm, sau giờ làm và vào các cuối tuần. Anh vượt qua tất cả 3 cấp độ ngay trong lần thi đầu tiên, vui vẻ thêm 3 chữ cái đáng giá CFA vào hồ sơ.

Những người như Yu chính là câu trả lời cho câu hỏi mà nhiều người đặt ra trong thời gian gần đây: làm thế nào mà tỷ lệ đỗ CFA ở Trung Quốc lại cao đến vậy, khi mà các thí sinh Trung Quốc còn phải gặp khó khăn về rào cản ngôn ngữ?

Lâu nay CFA vẫn được coi là kỳ thi khó nhằn nhất của phố Wall với những câu hỏi trải rộng nhiều lĩnh vực từ kinh tế học đến các hợp đồng phái sinh, các mô hình định giá phức tạp và cả về các chuẩn mực đạo đức. Các câu hỏi chứa toàn các thuật ngữ tài chính hóc búa đến nỗi có thể "đánh gục" bất kỳ sinh viên đại học Mỹ nào có học lực ở mức trung bình.

Theo khuyến cáo từ Viện CFA, đơn vị tổ chức các kỳ thi, mỗi level yêu cầu người học phải dành ra ít nhất 300 giờ học để có thể thi đỗ. Không ít người đã bỏ ra rất nhiều công sức và tiền bạc để thi đi thi lại. Có cả 1 "ngành công nghiệp" cung cấp tài liệu học, các khóa học và những website như 300hours.com nơi những người theo đuổi CFA trao đổi các mẹo học, thậm chí cả những thuyết âm mưu về chuyện thi CFA.

Trong mấy năm gần đây, số liệu thống kê cho thấy một xu hướng rõ nét: số thí sinh đến từ châu Á, mà đặc biệt là Trung Quốc, đã tăng rất mạnh, vượt qua tất cả các khu vực khác. Và tỷ lệ đỗ trên toàn thế giới cũng tăng nhanh.

Những thí sinh và những CFA holders (tức đã vượt qua cả 3 cấp) cho biết so với việc đã "dành cả thanh xuân" để luyện thi đại học thì thi CFA dễ nhằn hơn. Và nhiều người không hề cảm thấy lo lắng trước lời cảnh báo về con số 300 giờ học, bởi họ sẵn sàng dành ra nhiều thời gian hơn thế để ôn thi.

Yu cho rằng "cần cù chính là chìa khóa" để vươn lên trong ngành dịch vụ tài chính đang nở rộ ở Trung Quốc. Anh tận dụng thời gian ít ỏi trước và sau giờ làm việc để ôn thi, cuối tuần cũng tới thư viện hoặc tham gia lớp học kéo dài cả ngày tại Golden Education – một trong những trung tâm luyện thi CFA lớn nhất nước. Các trung tâm này quảng cáo tỷ lệ đỗ của học viên lên tới 70 – 80%, vượt xa mức 45% của toàn thế giới trong đợt thi tháng 6 vừa qua.

Golden Education và các đối thủ cố gắng tăng hiệu quả đào tạo bằng cách ôn luyện kỹ càng các tài liệu để tối đa hóa khả năng thi đỗ. Một khóa học có giá hơn 1.500 USD tại website của Golden Education sẽ khởi đầu với những bài học cấp tốc và tiếng Anh chuyên ngành tài chính. Ngoài rào cản ngôn ngữ, các thí sinh Trung Quốc còn phải đối mặt với những khó khăn khác: đề thi CFA dựa trên các quy tắc kế toán và mô hình định giá khác biệt so với những gì được dạy tại các trường đại học của Trung Quốc.

Theo Jason Pi, giáo viên tại trung tâm luyện thi ZBG Education ở Quảng Châu, thí sinh cần trải qua ít nhất 400 giờ ôn luyện chứ không phải 300 như khuyến nghị của viện CFA. Trung tâm này cung cấp các khóa trại hè kéo dài 15 ngày, ngoài ra còn có các lớp học cuối tuần và các khóa học trực tuyến. Trung tâm quảng cáo tỷ lệ đỗ của học viên lên tới 70%.

Pi cho rằng hầu hết những người thi CFA đều là các sinh viên top đầu, và đối với họ thì vài trăm giờ học không phải thứ gì quá to tát, thậm chí không là gì so với nỗ lực họ đã bỏ ra để có thể lọt vào các trường đại học top đầu.

Sự khác nghiệt của kỳ thi đại học ở Trung Quốc đã được phản ánh trong một số bộ phim tài liệu phác họa những người trẻ tuổi phải chịu đựng những năm tháng học hành áp lực, đôi khi là phải đi ở trọ xa nhà để có thể học ở nơi tốt hơn. Không ít học sinh đã bị suy nhược cơ thể, thậm chí có cả trường hợp tự tử vì không chịu được áp lực từ kỳ thi.

Tất nhiên những chia sẻ nói trên không đồng nghĩa các thí sinh châu Á miễn nhiễm với những căng thẳng mà kỳ thi CFA gây ra. Priscilla Wang, người đang làm việc tại 1 công ty xếp hạng tín nhiệm ở Hồng Kông, chia sẻ cô không có thời gian để giải trí vì chuẩn bị cho kỳ thi. Ngày nào cô cũng phải trở về nhà ngay lập tức sau khi tan làm và cố gắng tìm 1 chỗ yên tĩnh để học vào cuối tuần. "Tôi phải từ chối mọi cuộc vui, thậm chí khi quyết định dành chút thời gian để thư giãn thì trong tim vẫn nặng trĩu vì suy nghĩ đáng ra giờ này mình nên ôn luyện", cô nói.

Một trong những lý do khiến CFA nhận được sự quan tâm lớn ở châu Á là cung cấp lợi thế lớn cho những người không có được tấm bằng cử nhân hay thạc sĩ từ các trường tầm cỡ quốc tế. Trường kinh doanh Harvard hay Wharton School của ĐH Pennsylvania có mức học phí rất đắt đỏ và ở ngoài tầm với phần lớn mọi người.

Tham khảo Bloomberg

Thu Hương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên