Nguyên nhân khiến các bang Mỹ ngày càng gia tăng sức ép lên TikTok
Biểu tượng mạng xã hội TikTok . Ảnh: AFP/TTXVN
Hai năm sau khi tránh được một lệnh cấm trên phạm vi toàn quốc ở Mỹ, giờ đây ứng dụng chia sẻ video phổ biến TikTok lại đang phải đối mặt với sự phản đối ngày càng tăng ở cấp tiểu bang.
- 21-12-2022Dịch vụ vệ tinh Internet Starlink của Elon Musk cán mốc 1 triệu người dùng
- 21-12-2022Khoảng 100.000 nhân viên CNTT đã rời Nga từ đầu năm 2022
Theo đài truyền hình CNN, chỉ trong hơn 2 tuần qua, ít nhất 18 bang tại Mỹ đã có những biện pháp hạn chế chính thức đối với ứng dụng TikTok, dưới dạng lệnh cấm sử dụng trong các thiết bị của chính phủ và kiện tụng.
Các bang cấm công chức sử dụng TikTok trên các thiết bị của chính phủ bao gồm Alabama, Maryland, Oklahoma, South Carolina, South Dakota, Utah và Texas. Trong khi đó, bang Indiana tuần trước tiến hành khởi kiện TikTok, cáo buộc nền tảng chia sẻ video trực tuyến này không có chính sách bảo mật dữ liệu và hạn chế về độ tuổi phù hợp.
Ngày 13/12, một nhóm gồm 15 luật sư đã viết thư cho Apple và Google kêu gọi các chủ cửa hàng ứng dụng ngừng cung cấp ứng dụng TikTok cho thanh thiếu niên.
Tại các bang do các thống đốc đảng Cộng hòa lãnh đạo, sức ép lên TikTok ngày càng gia tăng. Giới chức tại những bang này nêu rõ lo ngại thông tin cá nhân của người dùng TikTok có thể lọt vào tay chính phủ Trung Quốc.
“Bang Nam Dakota sẽ không dính dáng vào các hoạt động thu thập thông tin tình báo của các quốc gia thù địch với chúng tôi”, Thống đốc Kristi Noem cho biết khi công bố chính sách mới của tiểu bang.
Một loạt các thông báo khác đã tạo ra sự tương phản rõ rệt với hoạt động ở cấp liên bang. Kể từ năm 2020, khi chính quyền Tổng thống Donald Trump đe dọa cấm TikTok vì lo ngại an ninh quốc gia, những người điều hành ứng dụng này và chính phủ Mỹ đã đàm phán một thỏa thuận cho phép người dùng ở Mỹ tiếp tục dùng TikTok.
Suốt mấy năm qua, TikTok và Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), một hội đồng gồm nhiều cơ quan chịu trách nhiệm xem xét các thỏa thuận đầu tư nước ngoài vì rủi ro an ninh quốc gia, đã tổ chức nhiều cuộc họp kín. Một quan chức Mỹ đã đề nghị CFIUS cấm hoàn toàn TikTok trên thị trường Mỹ.
Việc chính phủ liên bang tiếp tục không có động thái cứng rắn đối với TikTok cũng như những báo cáo gần đây về sự chậm trễ trong các cuộc đàm phán đã để ngỏ cơ hội cho các bang tham gia hạn chế ứng dụng này phổ biến đối với người sử dụng Mỹ.
Mặc dù với các lệnh hạn chế mới, các tiểu bang không có khả năng ngăn cấm người Mỹ truy cập ứng dụng hàng ngày. Tuy nhiên, điều này có thể gây thêm sức ép chính trị, đòi hỏi một hành động cứng rắn hơn ở cấp liên bang.
“Tôi không thấy lệnh cấm mới sẽ ảnh hưởng nhiều đến TikTok nhưng nó có thể gia tăng sức ép lên chính phủ hãy làm một điều gì đó đối với nền tảng này”, Paul Gallant, nhà phân tích chính sách tại công ty nghiên cứu đầu tư Cowen, cho hay.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio, đảng viên Cộng hòa cấp cao trong Ủy ban Tình báo Thượng viện, bày tỏ: “Chính phủ liên bang vẫn chưa thực hiện một hành động đáng kể nào để bảo vệ người dùng Mỹ khỏi mối đe dọa từ TikTok. Không còn thời gian để lãng phí vào những cuộc đàm phán vô nghĩa. Đã đến lúc cấm vĩnh viễn TikTok do Bắc Kinh kiểm soát”.
Trong một tuyên bố mới đây, Bộ Tài chính, cơ quan quản lý CFIUS, cho biết hội đồng “cam kết thực hiện tất cả các hành động cần thiết trong thẩm quyền của mình để bảo vệ an ninh quốc gia của Mỹ” song từ chối bình luận cụ thể về TikTok. Phía Nhà Trắng cũng từ chối đưa ra bất kỳ phát ngôn nào liên quan đến vụ việc.
Về phần mình, người phát ngôn của TikTok Hilary McQuaide bày tỏ: “Chúng tôi thất vọng vì rất nhiều bang đang ban hành các chính sách dựa trên những thông tin sai lệch vô căn cứ, mang tính chính trị về TikTok. Thật không may là nhiều cơ quan nhà nước, văn phòng và trường đại học ở các bang đó sẽ không thể sử dụng TikTok để xây dựng cộng đồng và kết nối với các cử tri nữa”.
Trước đây, các nhà lập pháp lưỡng đảng của Mỹ đều đưa ra lo ngại luật an ninh quốc gia của Trung Quốc có thể buộc TikTok – hoặc công ty mẹ ByteDance – cung cấp dữ liệu cá nhân của người dùng Mỹ. Các chuyên gia bảo mật nói rằng dữ liệu có thể cho phép Trung Quốc khai thách cho hoạt động tình báo hoặc tìm cách gây ảnh hưởng đến người dùng Mỹ thông qua các chiến dịch thông tin sai lệch.
TikTok cho biết họ đang hợp tác với chính phủ Mỹ để giải quyết tất cả các mối lo ngại hợp lý về an ninh quốc gia. Nền tảng này cũng đã thực hiện các bước độc lập để tách dữ liệu người dùng Mỹ ra khỏi các bộ phận khác trong hoạt động kinh doanh. Tuần trước, trong bối cảnh bị các bang phản đối, TikTok cho biết họ sẽ cơ cấu lại các nhóm kiểm duyệt nội dung, chính sách và pháp lý tại thị trường Mỹ.
Báo Tin tức