Nguyên tắc của gần 1 triệu tỷ đồng kết dư các quỹ bảo hiểm xã hội
Nguyên tắc của nguồn quỹ này là không được dùng cho việc khác ngoài quy định, các quốc gia trên thế giới cũng chặt chẽ ở điểm này...
- 11-11-2021'Vật lộn' với tình trạng thiếu urê khi Trung Quốc siết chặt xuất khẩu, Hàn Quốc nhập khẩn cấp 200 tấn urê từ Việt Nam
- 11-11-2021PGS.TS Trần Đình Thiên: Gói hỗ trợ không thể cứ mãi ‘bơm sữa’ tiếp tế từng ngày được nữa!
- 11-11-2021Pháp cho vay ưu đãi 1.900 tỷ đồng mở rộng dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình
Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội chiều 10/11, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã có những chia sẻ về các vấn đề liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), quỹ BHXH.
Lấy quỹ BHXH để xây nhà cho công nhân là không đúng nguyên tắc
Liên quan đến việc sao không dùng gần 1 triệu tỷ đồng số kết dư từ các quỹ BHXH để đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, đại biểu Lê Hoàng Hải (Đồng Nai) đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Đồng thời, đại biểu cho rằng cần tung ra nhiều hơn các gói hỗ trợ nhằm chia sẻ với người dân.
Trả lời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết các quỹ BHXH thời gian qua phát triển tương đối lành mạnh, vừa đảm bảo thực hiện đầy đủ chính sách theo quy định của bảo hiểm, vừa kết dư tương đối bền vững.
Thời gian qua, Chính phủ đã sử dụng một số kết dư và giảm một số quỹ bảo hiểm ngắn hạn cho người lao động, người sử dụng lao động. Cụ thể, Chính phủ đã giảm quỹ về nghề nghiệp, tai nạn lao động từ đóng 1% xuống còn 0,5% cho người sử dụng lao động, để lấy tiền đó hỗ trợ người lao động với khoảng 5.000 tỷ đồng.
Chính phủ cũng đã quyết định trích ra 38.000 tỷ đồng từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp và bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp. Tổng cộng, Chính phủ đã sử dụng khoảng trên 50.000 tỷ từ các quỹ bảo hiểm ngắn hạn để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động.
Hiện nay, quỹ còn xấp xỉ 1 triệu tỷ đồng, nhưng trong số này, gần 900.000 tỷ của quỹ hưu trí tử tuất, mà quỹ này là dài hạn. Về nguyên tắc, quỹ này không thể sử dụng cho việc khác được, các nước cũng không cho phép điều này.
“Quỹ hưu trí tử tuất là quỹ ngoài ngân sách, của những người tham gia bảo hiểm đóng ngược, phải thực hiện theo nguyên tắc có đóng thì mới có hưởng, tức là đóng ít thì hưởng ít, đóng nhiều thì hưởng nhiều. Chúng ta không thể lấy quỹ sử dụng cho đối tượng khác được”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Về việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, Bộ trưởng đề xuất sử dụng ngân sách Nhà nước, các nguồn khác để thực hiện điều này. Việc lấy quỹ BHXH để xây nhà cho công nhân là không đúng nguyên tắc, không đúng quy định và không đảm bảo tính bền vững của quỹ.
Giải pháp nào giúp giảm việc bán sổ BHXH?
Tại phiên họp, đặt câu hỏi chất vấn từ điểm cầu TP.HCM, đại biểu Nguyễn Thị Lệ chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về giải pháp nào để người lao động không bán sổ BHXH, chính sách thu hút người lao động tham gia BHXH và tạo động lực cho người lao động?
Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Lệ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải thích khái niệm bán sổ BHXH thực chất là người lao động đang tham gia BHXH nhưng sau đó rút ra để hưởng chính sách một lần, hoặc do ngại đi làm thủ tục hay vì một số lý do khác nên nhượng lại sổ BHXH đó cho người khác để đi lĩnh hưởng.
Bản chất của vấn đề, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung là làm sao giảm việc rút bảo hiểm xã hội một lần.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết từ đầu năm 2021 đến nay đã có khoảng 870.000 người rút BHXH một lần, nếu so với 2020, con số này tăng lên rất nhiều.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết nhiệm vụ căn cơ lúc này là phải chăm lo cho đời sống người lao động. Bởi lẽ, đa phần người rút BHXH một lần và bán sổ BHXH đều là công nhân lao động, người khó khăn, có hoàn cảnh éo le.
“Để giải quyết từ gốc phải nâng cao đời sống người lao động. Khi có đời sống tốt rồi thì chắc chắn không bao giờ họ bán sổ BHXH”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Thứ hai, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh đến việc tăng cường tuyên truyền để người lao động hiểu về sự cần thiết và lợi ích lâu dài của BHXH, rằng BHXH chính là khoản lương hưu của người lao động khi về già.
Thứ ba, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết giải pháp căn cơ là sửa Luật Bảo hiểm xã hội, tập trung vào điều 63 của Luật về thực hiện chính sách BHXH một lần.
“Bộ Lao động đã hoàn thiện hồ sơ và phấn đấu năm 2022 trình Quốc hội xem xét. Trong đó, bên cạnh cho hưởng chính sách một lần sẽ tăng cường lợi ích khác đối với người lao động”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
BizLive