MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh: Tăng tốc thương mại thần kỳ

25 năm trước khi cùng lúc gia nhập ASEAN và thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ là cơ hội cho Việt Nam hội nhập toàn diện. Đó là nhận định của ông Phạm Quang Vinh - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam (2007-2014), Đại sứ Việt Nam tại Mỹ (2014-2018) - khi trả lời phỏng vấn Báo Người Lao Động

Phóng viên: Trước năm 1995, các quốc gia Đông Nam Á phân tuyến với nhiều nghi kị và đối nghịch. Tương tự, Mỹ và Việt Nam khi đó phải đối diện với câu chuyện vượt qua quá khứ không hề dễ dàng. Ông nghĩ sao về thời điểm hội nhập chiến lược này?

- Ông PHẠM QUANG VINH: Năm 1994, khi phía ASEAN bày tỏ mong muốn Việt Nam gia nhập cộng đồng này, chúng ta đã phải bàn bạc rất kỹ để đi đến quyết định xúc tiến rồi gia nhập vào 1995. Tôi đánh giá đó thực sự là đối sách chiến lược, mặc dù không dễ dàng để đưa ra. Nó xuất phát từ nhận thức đã đến lúc phải vượt qua những nghi kỵ, đối đầu trong quá khứ. Mặt khác, Việt Nam muốn phát triển thì phải có khu vực chung duy trì được ổn định, hòa bình và hữu nghị. Sau gần 10 năm đầu của công cuộc Đổi mới và mở cửa, rất cần có những bước đi tạo đà để Việt Nam khởi động và hình thành được tiến trình hội nhập sâu rộng.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh: Tăng tốc thương mại thần kỳ - Ảnh 1.

Ông Phạm Quang Vinh - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam (2007-2014), Đại sứ Việt Nam tại Mỹ (2014-2018)

Câu chuyện với Mỹ là nỗ lực vượt qua quá khứ để hướng tới quan hệ lâu dài, bắt đầu từ tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh đến hợp tác toàn diện với 9 trụ cột, trong đó kinh tế là trụ cột quan trọng. Ý nghĩa của mối quan hệ này còn ở chỗ Việt Nam đã tháo gỡ được rào cản từ Mỹ để 10 năm sau có thể gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Chính bởi vậy mà ASEAN và Mỹ đã trở thành hai thị trường thương mại, đầu tư quan trọng hàng đầu của Việt Nam?

- Làm bạn với các quốc gia ASEAN, Việt Nam lần đầu tiên có những cam kết về ưu đãi thuế quan. Tổng thương mại của Việt Nam với nội khối ASEAN những năm 1994-1996 chưa đầy 6 tỉ USD, hiện nay đã tăng gấp 10 lần. Quan hệ này còn tạo ra những bước phát triển đột biến, giúp ích cho quá trình 10 năm tiếp theo của thời kỳ đổi mới và hội nhập. Mối quan hệ song phương của Việt Nam với từng nước trong khối như Singapore, Thái Lan… cùng việc thí điểm phát triển hạ tầng, thí điểm chính sách thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đã là cơ sở cho Việt Nam phát triển toàn diện sau này.

Quan trọng hơn, những quy định của ASEAN về Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) chính là cơ sở quan trọng thúc đẩy quan hệ thương mại tiến gần đến kinh tế thị trường. Đó còn là ý nghĩa bản lề cho những hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới sau này, bởi khi nhìn vào những FTA chất lượng cao của Việt Nam, thế giới thừa nhận đó là "chứng chỉ" cho một môi trường kinh doanh đáng để đầu tư.

Với Mỹ, con số tăng trưởng thương mại song phương từ 500 triệu USD vào những năm 1994-1995 và hiện nay là gần 50 tỉ USD, tức gấp 100 lần, đã nói lên tất cả. Mỹ đứng thứ 11 trong số các nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam và tiềm năng còn nhiều. Nhưng quan trọng hơn con số là việc hầu hết các tập đoàn, nhà đầu tư lớn ở nhiều lĩnh vực của Mỹ đã có mặt tại Việt Nam. Ngay từ những năm đầu 1990, khi Coca-Cola và Intel vào Việt Nam, ý nghĩa không nằm ở đầu tư bao nhiêu mà là sự xác nhận Việt Nam đang vận hành nền kinh tế hướng tới thị trường; là môi trường mà các tập đoàn lớn trên thế giới, kể cả châu Âu (EU), có thể đầu tư.

Việt Nam tiến tới nhiều hiệp định thế hệ mới. Liệu ASEAN có trở thành một thị trường nội khối "cũ mòn" và Mỹ có còn nhiều dư địa để khai thác?

- Đương nhiên vẫn còn. ASEAN đang là khu vực nổi trội và khác biệt với tất cả. Trong 2-3 năm qua, tăng trưởng toàn cầu giảm tốc do cạnh tranh thương mại, bất ổn chính trị - xã hội… còn khối này vẫn giữ được tăng trưởng quanh mức 5,5%-5,9%. Ngay cả khi các nước có xu hướng hướng nội như Mỹ có khẩu hiệu American First (nước Mỹ trước tiên), Anh thông qua Brexit (rời EU)… thì ASEAN vẫn tự do hóa thương mại. Nhìn ra thế giới, Mỹ - Trung tuy cạnh tranh nhau gay gắt nhưng cả 2 đều muốn quan hệ với ASEAN. Ngoài ra, hàng loạt cường quốc kinh tế khác như Nhật, EU, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ… cũng đều coi trọng ASEAN.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh: Tăng tốc thương mại thần kỳ - Ảnh 2.

Xoài ở ĐBSCL đã được xuất khẩu sang Mỹ Ảnh: NGỌC TRINH

Đó là những cơ hội rất tốt cho ASEAN cũng như từng quốc gia, trong đó có Việt Nam, đưa ra quyết sách để khai thác.

Với Mỹ, trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump nắm quyền với quan điểm mới về bảo hộ, chúng ta "cài đặt" lại quan hệ như thế nào cũng là việc cần bàn. Trong đó, có câu chuyện về thặng dư thương mại lớn của Việt Nam với Mỹ, thuế chống bán phá giá và phía Mỹ mong muốn Việt Nam thúc đẩy cải cách, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp Mỹ.

Với những "quan tâm mới" từ chính quyền của Tổng thống Donald Trump, Việt Nam cần sẵn sàng trao đổi, bàn bạc để tháo gỡ.

Chúng ta đã khởi động lại cơ chế đàm phán nhằm phục vụ cho nhu cầu mới này thông qua Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Mỹ (TIFA). Trên thực tế, hai bên đã tháo gỡ được nhiều vấn đề, nhất là về nông nghiệp. Chẳng hạn, một số loại trái cây Việt như xoài, vải, nhãn… vào được Mỹ cũng thông qua cơ chế này.

Thời điểm hội nhập song trùng với hai đối tác kinh tế lớn đã mang lại ý nghĩa chung như thế nào với Việt Nam, thưa ông?

- Tôi nhắc lại, đó là thời điểm có tính chiến lược đặc biệt khi Việt Nam bắt đầu bình thường hóa quan hệ với một số nước có khúc mắc trong quá khứ. Bản thân Việt Nam cũng chủ trương mở cửa, đa dạng hóa quan hệ, bước ra thế giới với tâm thế là bạn với các nước. Sự song trùng là tiền đề thúc đẩy Việt Nam chập chững gia nhập khu vực, hòa nhập thế giới và hội nhập sâu rộng theo hướng phát triển vững bền.

Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết ngày 11-1, ngày làm việc thứ ba của chuỗi hội nghị thuộc khuôn khổ kênh hợp tác kinh tế ASEAN 2020, Hội nghị lần thứ 10 của Ủy ban Toàn thể về Cộng đồng Kinh tế ASEAN (CoW 10), được tổ chức tại Hà Nội. Nội dung chính của CoW 10 tập trung thảo luận các ưu tiên chính thuộc trụ cột kinh tế của ASEAN năm 2020 do Việt Nam - với tư cách Chủ tịch ASEAN 2020 - đề xuất; cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và số hóa nền kinh tế; các lĩnh vực chuyên ngành như thương mại, đầu tư, dịch vụ...

Theo Phương Nhung thực hiện

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên