MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà băng nào có tỷ lệ nợ xấu dưới 1%?

25-11-2019 - 13:01 PM | Tài chính - ngân hàng

Hầu hết các ngân hàng giữ được tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 2%. Trong đó, đang có 5 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu chỉ trên dưới mức 1%.

Trong nhóm ngân hàng lớn, ACB đang là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hiện nay.

Cuối tháng 9/2019, nợ xấu của ngân hàng chỉ ở mức 1.704 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,7% so với đầu năm. Trong khi đó, dư nợ cho vay của ACB tăng 11,2% lên 254.303 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng chỉ ở mức 0,67%, giảm so với mức 0,73% hồi đầu năm.

ACB cũng cho biết, tỷ lệ dự phòng/ nợ xấu  của ngân hàng là khoảng 159% - đây cũng là mức cao so với mặt bằng chung của hệ thống. Đáng chú ý, ACB đã tất toán xong toàn bộ trái phiếu của VAMC. Và cũng với tỷ lệ nợ xấu thấp, tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro của ngân hàng trong 9 tháng đầu năm chỉ là 162 tỷ đồng.

Một ngân hàng khác lớn khác có tỷ lệ nợ xấu thấp hơn hẳn các ngân hàng khác là Vietcombank. Cuối tháng 9, nợ xấu nội bảng của ngân hàng là 7.625 tỷ đồng, tăng 22,5% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng theo đó tăng từ 0,98% cuối năm 2018 lên 1,08% cuối tháng 9/2019. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu của ngân hàng đang ở mức cao nhất hệ thống, đạt 185% vào cuối quý 3. Vietcombank cho biết, mục tiêu đến cuối năm 2019 sẽ đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 1%.

Tương tự ACB, Vietcombank cũng đã xử lý xong nợ xấu tại VAMC, và điều này hỗ trợ rất nhiều trong việc giảm gánh nặng trích lập dự phòng hàng năm của ngân hàng.

Hai ngân hàng khác cũng có nợ xấu ở mặt bằng thấp so với toàn ngành và chỉ nhỉnh hơn 1% chút xíu là HDBank và TPBank. Nợ xấu của ngân hàng riêng lẻ HDBank cuối tháng 9 chỉ ở mức 1,1%, trong khi những quý trước cũng ở dưới 1% còn TPBank là 1,12%.

Ở nhóm ngân hàng nhỏ, BacABank đang là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhật. Nợ xấu nội bảng cuối tháng 9 của ngân hàng là 504 tỷ đồng, chỉ chiếm 0,72% trong tổng dư nợ cho vay. Tỷ lệ này giảm nhẹ so với mức 0,76% hồi đầu năm.

Hay tại Kienlongbank, tỷ lệ nợ xấu cuối tháng 9/2019 của nhà băng cũng chỉ xấp xỉ 1%, cụ thể là 1,07%. Tuy nhiên, so với cuối năm 2018 thì tỷ lệ này có xu hướng tăng (cuối năm 2018: 0,94%).

Đáng chú ý, SCB đang là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu nội bảng thấp nhất hệ thống, chỉ 0,46% vào cuối tháng 9/2019. Con số nợ xấu nội bảng lại chưa phản ánh chính xác chất lượng tài sản của nhà băng này. Bởi SCB còn có tới 28.000 trái phiếu đặc biệt của VAMC (chỉ sau Sacombank). Lãi dự thu, các khoản phải thu cuối tháng 9 là hơn 60.000 tỷ đồng (cao nhất hệ thống).

Trước đó, theo thông tin của NHNN, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 8/2019 là 1,98%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống TCTD tính đến tháng 8/2019 ở mức 4,84%, giảm mạnh so với mức 10,08% cuối năm 2016, mức 7,36% cuối năm 2017 và mức 5,85% cuối năm 2018. Được biết, mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước trong năm nay là giữ tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở dưới mức 2%.

Ngọc Bích

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên