MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà băng và ứng xử với nhà đầu tư ngoại

05-03-2018 - 13:32 PM | Tài chính - ngân hàng

Hệ thống NH Việt Nam đang ngày càng có sự vận hành tốt hơn từ những bước đi quyết liệt trong xử lý nợ xấu, các quy định chặt chẽ về sở hữu chéo, quy định về hoạt động, sắp tới là triển khai áp dụng Basel 2…

Thị trường sẽ còn sôi động hơn…

Hơn 350 triệu cổ phiếu (tương đương 10% cổ phần) là con số dự kiến bán cho nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài của Vietcombank trong 6 tháng đầu năm 2018 sau khi được chấp thuận từ Chính phủ. Không chỉ Vietcombank, nhiều NH khác tại Việt Nam cũng đang tìm cách bán cổ phần cho NĐT nước ngoài.

Như cuối năm 2017, HDBank cho biết đã lên kế hoạch chào bán cổ phần cho NĐT nước ngoài khoảng 20% vốn điều lệ nhà băng; hay Techcombank sau khi mua lại cổ phiếu từ cổ đông HSBC vào năm ngoái cũng đang lên kế hoạch bán tối đa 158,4 triệu cổ phiếu cho NĐT nước ngoài. Với cổ phiếu tăng điểm thuận lợi như hiện tại, dự báo việc NH Việt có đối tác ngoại trong thời gian tới chắc chắn sẽ nhiều hơn.

Nhà băng và ứng xử với nhà đầu tư ngoại - Ảnh 1.
Vietcombank kỳ vọng sẽ bán hơn 10% cổ phần cho NĐT ngoại trong 6 tháng đầu năm 2018

Trường hợp của Vietcombank, vào cuối tháng 8/2016, Quỹ đầu tư quốc gia Singapore (GIC) và Vietcombank đã ký kết bản thoả thuận ghi nhớ, theo đó GIC sẽ mua 7,73% cổ phần tính trên toàn bộ cổ phần của Vietcombank, nhưng thương vụ chưa ngã ngũ và GIC vẫn được xem là một trong những NĐT tiềm năng. NH Mizuho (Nhật Bản) - cổ đông chiến lược của Vietcombank đang nắm giữ 15% vốn điều lệ cũng có thể sẽ được mua thêm cổ phần. Chuyện cổ phần hóa (CPH), bán vốn cho NĐT nước ngoài là chủ trương đúng đắn, phù hợp.

Thời gian gần đây, các NĐT nước ngoài đã chú ý hơn tới các NH Việt Nam. Theo chia sẻ của một chuyên gia, xu hướng này thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh bởi hệ thống NH Việt Nam đang ngày càng có sự vận hành tốt hơn từ những bước đi quyết liệt trong xử lý nợ xấu, các quy định chặt chẽ về sở hữu chéo, quy định về hoạt động, sắp tới là triển khai áp dụng Basel 2… Với những thuận lợi như vậy, hệ thống NH có thể chờ đợi sự đầu tư mạnh mẽ hơn của các NĐT nước ngoài.

TS-LS. Bùi Quang Tín cho rằng, thị trường năm nay dự báo sẽ còn rất nhiều thay đổi. Quá trình từ khi xin chủ trương, tìm đối tác và tiến hành chào bán thành công… tất cả phải làm sao để rút ngắn lại thì mới mong có hiệu quả. Bởi nếu "thủ tục" cứ kéo dài như một số năm trước thì nguyện vọng bán vốn cho NĐT nước ngoài vẫn không tìm được lời giải. Vị này cũng chia sẻ thêm, thời điểm này đang có nhiều thuận lợi khi thị trường chứng khoán năm nay sẽ tiếp tục tăng trưởng theo xu hướng tốt, đặc biệt là nhóm cổ phiếu NH. Gần đây, giá cổ phiếu của nhiều NH có sự tăng mạnh.

Trong phiên giao dịch cuối tháng 2 mới đây, cổ phiếu BIDV, VietinBank, MB, VPBank… đều đồng loạt tăng giá mạnh, giúp duy trì sắc xanh của hai chỉ số. Nhóm cổ phiếu NH vẫn được nhiều chuyên gia khuyến nghị NĐT nên quan tâm trong năm nay. Tuy vậy, phần lớn các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, từ khi xin chủ trương tới khi bán và có được tiếng nói chung, đồng điệu về mục tiêu kinh doanh mà vẫn phát huy vai trò và vị trí của mỗi bên… không phải là điều dễ dàng.

Nỗ lực tìm tiếng nói chung

Chủ trương thì vẫn là như vậy, nhưng nếu có khác thì sẽ khác ở cách thức triển khai thực hiện. Những thương vụ trong quá khứ cũng là bài học và kinh nghiệm để các NH tự đúc kết và tìm ra phương thức hợp lý, hiệu quả nhất trong việc bán cổ phần cho các đối tác ngoại, ít nhất về góc độ giá cả và thủ tục. Bàn về thủ tục, một chuyên gia nhận thấy phải làm sao để không khiến các vấn đề thủ tục trở lại lối mòn cũ, mà nên rút gọn lại.

“Đồng ý là quá trình mua bán cổ phiếu không thể diễn ra nhanh được, vì mua với số lượng cổ phiếu lớn. Nhưng những thủ tục nào làm trước được thì nên khẩn trương chuẩn bị, hoặc những thủ tục nào làm cùng lúc được với nhau thì tiến hành cùng làm”, vị này cho hay.

Ông này cũng dẫn ra ví dụ, quá trình xin chủ trương tới khi thực hiện chi tiết phải thông qua nhiều bộ, ngành như cơ quan quản lý là NHNN, Bộ Kế hoạch & Đầu tư phê duyệt về các NĐT nước ngoài, Bộ Công thương liên quan tới vấn đề xúc tiến tìm các NĐT ngoại, hay Bộ Tư pháp về kiểm tra pháp lý. Nếu được thì quá trình trình lên các bộ chúng ta có thể nghiên cứu có cần phải trình riêng lẻ từng bộ hay không hay có thể thành lập một hội đồng (do Thủ tướng phê duyệt) thì thời gian sẽ được rút ngắn hơn nhiều. Ở góc độ NH tất yếu phải có sự chuẩn bị chi tiết, kỹ lưỡng để hạn chế tối đa những vấn đề sai sót, đặc biệt về vấn đề pháp lý cũng như góc độ chọn các NĐT.

Nhìn sâu xa hơn, hiện nay đối tác ngoại quan tâm nhiều tới thị trường Việt Nam vẫn chủ yếu tới từ châu Á, chưa có sự xuất hiện nhiều của các NĐT truyền thống phương Tây. Đối với các NH, không phủ nhận điểm lợi khi bắt tay với các NĐT ngoại là tiềm lực tài chính được cải thiện.

Song chuyên gia cũng khuyến nghị, NH nên “chọn mặt gửi vàng” để hiểu được các đối tác của mình, đặc biệt lựa chọn những đối tác cùng song hành với mình trong việc phát triển NH, tránh những chuyện đầu tư chỉ để chiếm thị phần. Vì thực tế, có những NĐT nước ngoài mà ý đồ của họ chỉ là có được phần vốn đó, khi đã đạt được mục đích có thể có những kế hoạch không được công khai ngay từ ban đầu.

Thêm nữa, ngành NH Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển mình về mặt công nghệ, cách quản lý so với hệ thống NH quốc tế cũng vẫn còn khoảng cách, nên bất lợi cho một số NH là chưa kịp chuẩn bị để có thể đáp ứng đòi hỏi, nhu cầu của các NĐT. Chính vì thế, NĐT thường lựa chọn những NH có quy mô và tiềm lực lớn mạnh. Còn phía mình lại mong muốn họ đóng góp đầu tư vào những NH có năng lực tài chính vừa phải, để phát triển ngành NH toàn diện hơn...

Thêm nữa, một khó khăn cho NH trong nước là về mặt quản lý. Ngay cả với Basel thì hệ thống NH Việt Nam cơ bản vẫn đang ở trong Base I, bởi vậy tìm được sự đồng điệu khá nan giải. Đó là chưa kể, tư duy lãnh đạo NHTM Việt đâu đó vẫn mang tính cục bộ, đi tìm lợi ích riêng. Trong khi những NH lớn trên thế giới, họ hiểu nghĩa vụ của mình với ngành NH, và hiểu nhiệm vụ của họ với khách hàng và xã hội. Về giá cả, thông thường NĐT sẽ chú ý vào hai chỉ tiêu P/E (Price Earning ratio - hệ số giá trên thu nhập) và P/B (Price to Book ratio - Giá/giá trị sổ sách) để đánh giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, các NĐT cũng quan tâm nhiều tới chỉ số sinh lời, nợ xấu, thanh khoản…

“Những NH nào có tỷ lệ tốt, đồng thời báo cáo tài chính được kiểm toán độc lập, có ý kiến trung lập của các công ty kiểm toán thường được đánh giá cao và khả năng các NĐT sẵn sàng trả giá cao sẽ nhiều hơn”, một chuyên gia cho biết.

Theo Minh Khuê

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên