MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà báo Thu Hà: "Ở Hàn Quốc, tỷ lệ chết do tự tử ở thanh thiếu niên đứng hàng đầu cao hơn tai nạn giao thông, ung thư"

15-10-2019 - 14:43 PM | Sống

Đó là những cảnh báo thực sự mạnh mẽ, để chúng ta phải sống khác đi!

Ca sĩ kiêm diễn viên nổi tiếng Hàn Quốc Sulli vừa tự tử ở tuổi 25. Showbiz Hàn cứ thỉnh thoảng lại thêm người trên đỉnh cao tự chọn cái chết .

"Hẳn lại sẽ có những người chép miệng, bảo, trẻ thế, đẹp thế, lắm tiền thế, thiếu gì nữa mà lại treo mình.

Chẳng lẽ trẻ thế, đẹp thế, lắm tiền thế... thì tâm hồn không bao giờ rạn vỡ, rồi nát vụn?

Có những nỗi buồn, với người như là lá, còn ta hóa rừng cây" (Fuyu).

Nhà báo Thu Hà: Ở Hàn Quốc, tỷ lệ chết do tự tử ở thanh thiếu niên đứng hàng đầu cao hơn tai nạn giao thông, ung thư - Ảnh 1.

Nhà báo Thu Hà

Đúng là có những gánh nặng, nhìn bên ngoài, chúng ta không bao giờ biết chính xác được là nó nặng bao nhiêu.

Đối lập với giàu là nghèo, với đói là no, với khoẻ là ốm. Còn đối lập với trầm cảm, không phải là vui vẻ đâu bạn ạ, mà là "sự sống"!

Mình cũng đã từng viết nhiều bài về trầm cảm. Có bài tới hơn 1 triệu lượt đọc. Sau những bài đó, mình nhận hàng trăm tin nhắn và comment tâm sự. Nhưng mình không phải là chuyên gia, không phải là bác sỹ. Chỉ là một người không may đã từng trải qua việc đó.

Nhớ năm 2015, cơ phó Lubitz trầm cảm, đã chiếm buồng lái, rồi cố tình lao máy bay xuống núi, khiến 149 người thiệt mạng.

Tổ chức Y tế xếp loại, trầm cảm là một trong những nguyên nhân dẫn đến gánh nặng ngân sách bệnh tật toàn cầu, đứng sau ung thư, tim mạch, đái tháo đường. Bệnh chiếm tỷ lệ cao tại nhiều nước trên thế giới. Mỗi ngày ở Mỹ có khoảng 129 người tự kết liễu đời mình.

Bác sĩ Aaron T. Beck nói: "Không có độ tuổi, cấp bậc xã hội hay ngành nghề nào là ngoại lệ của tình trạng tự tử".

Tuy nhiên, việc một cô gái vùng cao vào rừng ăn lá ngón thì không ồn ào trên trang nhất các tờ báo như một minh tinh tự tử.

Việt Nam mình, theo PGS.TS Cao Tiến Đức - Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103, một năm số người tự tử do trầm cảm ở Việt Nam lên đến 36.000-40.000 người. Hiện có khoảng 30% dân số bị rối loạn tâm thần, trong đó trầm cảm chiếm tới 15-25%.

Và khổ thay, người thành công trong sự nghiệp cũng có nguy cơ trầm cảm cao hơn. Bởi người thành công cũng thường là người thông minh, nhạy cảm, tinh tế, nỗ lực, và cũng chịu nhiều áp lực, nhiều lo toan và nhiều thị phi hơn.

Nhà báo Thu Hà: Ở Hàn Quốc, tỷ lệ chết do tự tử ở thanh thiếu niên đứng hàng đầu cao hơn tai nạn giao thông, ung thư - Ảnh 2.

Ba mẹ ơi,

Đừng chỉ nhìn vào lượng cháo ở trong chén, số điểm trên bài kiểm tra hay thời gian con ngồi cắm cúi trên bàn học. Hãy nhìn vào phía sau tất cả những điều đó.

Bởi rồi thì cuối cùng học giỏi hơn vài điểm cũng không quan trọng, cao lớn hơn người ta vài cm cũng chẳng quan trọng, làm ra tiền nhiều hơn ai đó vài triệu cũng chẳng quan trọng, nếu mà trong người không thấy bình an, không thấy hạnh phúc.

Thực ra thì, có những người bẩm sinh bình an, có người thì không. Có người dễ ngủ, có người không. Có người dễ dàng vượt qua áp lực, có người không. Chẳng phải do họ thiếu cố gắng. Có thể là do gen của họ, có thể do chất dẫn truyền thần kinh, do cơ chế sinh hóa trong não bộ của họ khác những người khác mà.

Nhưng, khi nghe tin một ai đó tự tử, hầu hết mọi người đều trách móc: "Sao mà dại thế?". "Sao không cố gắng lên?", "Sao mà yếu đuối! Sao mà vô trách nhiệm với con cái…".

Những trường hợp mẹ tự tử cùng con, ai đó tự tử cùng người yêu luôn bị nhận rất nhiều lời chửi mắng "Độc ác, nhẫn tâm"...

Có lẽ bởi vì người ta đang gọi bệnh nhân bị bệnh tâm lý bằng những từ: khùng, điên, chập mạch, ẩm IC, tâm thần, ma nhập… làm cho bệnh nhân và gia đình có người bệnh trầm cảm càng phải giấu.

Nghĩ coi, với một người bệnh bị đau chân, đau tay, ung thư, cao máu… thường thì đều có số đo và nhìn thấy được. Người nhà cũng chăm sóc chu đáo, với rất nhiều tình thương. Còn với người trầm cảm, có vẻ khó thông cảm hơn rất nhiều, khi nhìn thì thấy họ vẫn đủ chân đủ tay, vẫn ăn được làm được, thậm chí có nhiều người còn giàu có, thành đạt, ở trên đỉnh danh vọng bao người mơ không tới, duy chỉ có cái là tính tình khó chịu, nóng nảy, như khùng như điên... Người bị bệnh trầm cảm ít được người thân bạn bè thông cảm và chăm sóc đúng cách.

Tôi cũng thế, tôi cũng từng không biết chăm sóc người trầm cảm đúng cách. Nhiều năm đã qua nhưng tôi vẫn luôn có cảm giác còn nợ một người bạn. Sau khi bạn đi rồi, tôi đọc sách và tài liệu về trầm cảm, tôi mới hiểu chính những khó tính, nóng nảy của bạn hồi đó là những thông điệp thống thiết "Hãy cứu tôi!" mà tôi, và mọi người, đã điếc, đã mù không nghe thấy.

Người Việt mình thường sống vì nghĩa vụ, trách nhiệm với người khác mà không biết sống cho mình.

Ghét nhất là khi đang buồn bã, bế tắc trầm cảm, người xung quanh còn lên giọng kẻ cả bảo "Cố gắng lên", hay "Phải bớt cái tôi đi!".

Chả biết ai sao, chứ tôi thì thoát bệnh chỉ từ khi biết ích kỷ hơn, lo cho bản thân hơn, quẳng bớt trách nhiệm gia đình đi, buông tay, và mặc kệ nó... Việc gì xảy ra là do nó cần phải xảy ra! Mặc kệ nó!

Theo tôi thì ai cũng phải lo sống cho chính mình! Khi mình được sống cho mình, thấy vui vẻ và hạnh phúc thì mình mới có thể có ích cho người khác.

Ở Hàn Quốc, Nhật Bản, tỷ lệ chết do tự tử ở thanh thiếu niên đã đứng hàng đầu trong các lý do tử vong, cao hơn tai nạn giao thông, cao hơn ung thư. Ở Úc thanh thiếu niên chết vì tự tử cũng cao hơn tai nạn giao thông. Ở Việt Nam cũng đứng thứ 2 rồi đó.

Đó là những cảnh báo thực sự mạnh mẽ, để chúng ta phải sống khác đi!

Mọi người ơi, hãy công bằng với trầm cảm. Đó là một căn bệnh, có thể chữa được, và cần chăm sóc. Và quan trọng là đâu có người bệnh nào lại muốn mình bị mắc bệnh!

Theo Thu Hà

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên