MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà còn đang nợ ngân hàng 700 triệu nhưng chồng vẫn cất quỹ riêng để sắm ô tô: Có ích kỷ không nếu yêu cầu chồng góp hết vào quỹ chung?

24-07-2024 - 22:40 PM | Lifestyle

Tình cảm mà dính đến "tiền nong" có thể dễ dàng hình thành tranh cãi giữa hai bên.

Gia đình nào khi sống chung cũng ít nhiều xảy ra tình trạng cãi vã, không đồng nhất quan điểm giữa hai vợ chồng. Một trong số những nguyên nhân phổ biến là do xích mích liên quan đến tiền bạc. Dễ hiểu thôi, khi trong bất kỳ mối quan hệ nào chỉ cần dính đến yếu tố tiền nong cũng có thể trở nên nhạy cảm. Nếu vợ chồng không tìm được tiếng nói chung thì tình cảm có thể bị sứt mẻ, thậm chí "toang" lúc nào cũng không hay.

Mới đây, trên MXH, một chị vợ cũng bày tỏ nỗi băn khoăn về câu chuyện tài chính của gia đình, là nguyên nhân khiến cô và chồng xảy ra tranh cãi những ngày gần đây. Bài đăng hiện vẫn nhận được nhiều quan tâm từ cư dân mạng.

Nhà còn đang nợ ngân hàng 700 triệu nhưng chồng vẫn cất quỹ riêng để sắm ô tô: Có ích kỷ không nếu yêu cầu chồng góp hết vào quỹ chung?- Ảnh 1.

Vợ chồng xảy ra tranh cãi vì chồng dù tăng lương song vẫn không muốn đóng góp thêm vào quỹ chung

Tóm tắt là: Thu nhập của vợ 6-7 triệu/tháng. Trước đây, thu nhập của chồng gần 17 triệu/tháng thì tháng anh cũng đều đặn gửi vợ 11 triệu. Nay lương chồng tăng lên gần 22 triệu/tháng nhưng vẫn kiên quyết chỉ đưa vợ 11 triệu với lý do muốn giữ tiền để mua ô tô.

Vợ không đồng tình với cách làm của chồng vì cho rằng hiện nay gia đình còn nhiều gánh nặng tài chính cần lo. Bao gồm trả lãi ngân hàng 4 triệu/tháng từ khi vay ngân hàng 700 triệu để mua đất; đưa cho bà ngoại 4 triệu tháng tiền mua thức ăn; đóng bảo hiểm 35 triệu/năm; dành 10 triệu/năm để đi du lịch; chưa kể còn nuôi 2 đứa con học lớp 1 và lớp 3,...

Khi nói chuyện thì hai vợ chồng "mỗi người một ý" dẫn đến chưa tìm thấy phương hướng giải quyết tài chính. Cuối cùng, cô vợ đành phải nhờ cộng đồng mạng cho lời khuyên.

Khi vợ chồng chênh lệch thu nhập thì rất khó tìm được tiếng nói chung

Hiện bài đăng đã thu về nhiều bình luận trái chiều từ cư dân mạng. Phía dưới bài đăng, nhiều người bày tỏ rằng khi cả hai vợ chồng có chênh lệch thu nhập thì rất khó để chồng giao hết tiền lương kiếm được. Nhiều người cũng khuyên cô vợ nên cố gắng gia tăng thu nhập, như thế sẽ gia tăng sức ảnh hưởng đến quyết định tài chính của chồng.

Một số bình luận nổi bật bên dưới bài viết:

- Chị ơi, thế chị tự kiếm, tự đóng góp vào quỹ gia đình bằng với số tiền 11 triệu anh nhà đóng vào đi chị. Không biết chị có đóng vào quỹ gia đình từ tiền lương 6-7 triệu của chị không, hay chị tự dùng cá nhân, xong lại đòi thu hết lương của chồng. Tiền lương của người ta, người ta được quyền quyết. Sao chị lại lôi danh nghĩa vợ ra để tịch thu bao nhiêu theo ý của mình?

- Thu nhập của vợ 6-7 triệu. Chồng 1 tháng đưa hẳn 11 triệu rồi còn muốn gì nữa. Chồng góp vào quỹ chung gần gấp đôi luôn còn gì. Lấy vợ chứ lấy chủ nợ đâu. Theo mình, vợ góp bao nhiêu chồng góp bấy nhiêu. Chồng có lòng thì góp hơn chút là được. Số còn lại ông chồng kiếm ra, tiêu hay dành dụm thì kệ ý họ chứ. Bản thân mình cũng có 6-7 triệu đồng mà đòi hỏi người khác đóng góp hơn là như nào nhỉ?

- Thế sao chị không tự tăng lương đi, xem có dễ không ạ? Nếu chị tăng lương lên 15-16 triệu/tháng thì lúc đấy mọi chuyện lại đơn giản ạ.

- Mình nghĩ bạn nên tìm cách tăng lương vì thu nhập 2 bên chênh lệch thì khó nói chuyện tiền nong lắm. Vì thu nhập của chồng tăng lên, cũng có nghĩa là khoản chi của họ cũng tăng theo (chẳng hạn chi cho công việc, quần áo,...) nên mình thấy việc chồng bạn yêu cầu cầm thêm tiền cũng không quá đáng. Ngoài ra, anh chồng cũng bảo giữ lại để góp tiền mua ô tô còn gì? Mua ô tô là mua tài sản chung, nên cũng tính là chi tiêu cho quỹ chung rồi.

Nhà còn đang nợ ngân hàng 700 triệu nhưng chồng vẫn cất quỹ riêng để sắm ô tô: Có ích kỷ không nếu yêu cầu chồng góp hết vào quỹ chung?- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Điều quan trọng là nên ngồi xuống cùng nhau giải quyết vấn đề

Ở diễn biến ngược lại, nhiều ý kiến lại cho rằng hành động yêu cầu chồng đưa thêm tiền vào quỹ chung khi tăng lương của vợ là đúng đắn. Bởi lẽ gia đình còn đang có nhiều gánh nặng tài chính, mà cần giải quyết sớm nhất là tiền nợ vay ngân hàng.

Bên cạnh đó, có người nhận định vấn đề của hai vợ chồng hiện nay là chưa thể bình tĩnh cùng nhau ngồi xuống giải quyết vấn đề và tìm ra tiếng nói chung.

Họ đưa ra một số gợi ý để chị vợ có thể giải quyết khúc mắc vài chồng. Chẳng hạn như vợ vẫn vẫn chấp nhận để chồng giữ nguyên mức tiền đưa vào quỹ chung là 11 triệu, song sẽ nhờ chồng san sẻ một vài khoản chi tiêu trong gia đình. Hoặc cả hai ngồi xuống để cùng nhau thảo luận về cách sử dụng 5 triệu đồng tiền lương gia tăng nói riêng và kế hoạch tài chính tương lai nói chung.

Dưới đây là một số bình luận nổi bật từ cư dân mạng:

- Bạn quản lý chi tiêu hết như thế là bạn đang gánh phần lo toan và trách nhiệm về mình đấy. Muốn chồng biết lo toan và trách nhiệm hơn thì bạn chia ra khoản nào chồng lo, khoản nào bạn lo. Ví dụ chồng lương cao hơn thì bạn cho ông trả lãi ngân hàng, đóng tiền ăn, tiền bảo hiểm,... Bạn thử nghĩ xem, ông được giữ tiền để tiêu, thế bạn có được giữ tiền để tiêu không hay đem ra lo cho gia đình tất?

- Nhiều bạn cứ nói chồng đưa 11 triệu vào quỹ chung  là được rồi. Nhưng các bạn nên nhớ là gia đình này có nhiều khoản cần chi, mà cái quan trọng nhất cần giải quyết là khoản nợ. Chồng có tiết kiệm thì cần gom chúng để mang đi trả nợ ngân hàng, tránh trường hợp lãi chồng lãi thì càng mệt hơn.

- Mình thấy bạn yêu cầu không quá đáng đâu. Anh ấy không đưa thêm lương cho bạn thì bạn cũng chỉ nên góp một phần lương vào quỹ chung thôi. Còn chi phí sinh hoạt thì bạn bảo chồng cùng tính toán, chi tiêu để đỡ nhọc thân.

- Nếu anh không đưa thêm thì nhà có việc gì cần sắm, chị bảo anh trả hoặc chia đôi mỗi người một nửa. Nhà mình đã nợ ngân hàng mà chồng còn muốn giữ để tiêu riêng! Đến chịu!

Nhà còn đang nợ ngân hàng 700 triệu nhưng chồng vẫn cất quỹ riêng để sắm ô tô: Có ích kỷ không nếu yêu cầu chồng góp hết vào quỹ chung?- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

- Em đoán mâu thuẫn này do thiếu sự trao đổi thông tin từ trước khi việc tăng lương diễn ra. Thành thử chồng chị đã tự lên kế hoạch tài chính riêng cho khoản tiền được tăng thêm đó. Nếu anh thật sự dành tiền để mua xe, có thể anh đang muốn nâng cấp cuộc sống của gia đình mình. Kiểu như anh muốn chủ động đưa đón, tránh gió tránh nắng cho gia đình.

Nhưng khi thực hiện song song 2 mục tiêu tài chính là mua xe và trả nợ thì sẽ gây gánh nặng lên đôi bên. Vì khả năng cao chi phí tiêu dùng tăng vọt ngay sau khi tăng lương.

Bây giờ sự đã lỡ rồi thì vợ chồng nên bàn bạc lại với nhau. Thỉnh thoảng chị nói nhỏ là giá cái này cái kia tăng gấp đôi gấp ba nên quỹ chung cũ không đủ tiêu anh ạ. Rồi vài bữa chị cho ăn rau đạm bạc, bảo là cùng số tiền này ngày trước mình có thịt để ăn rồi đó anh. Nói chung là chị nên cho anh thấy thực tế cuộc sống không thể được như trước thời điểm tăng lương với cùng số tiền chi tiêu đó.

Tiếp theo là chuyện mua xe, chị cứ dắt anh đi xem coi muốn mua xe gì đã. Sau đó, vợ chồng tính ra cụ thể số tiền phải trả hàng tháng, bảo số này mà dùng để trả nợ thì mình đỡ khổ nhiều rồi anh ạ. Rồi bảo xe này em thấy chưa xứng anh, đi xem chỗ này chỗ kia nữa đi anh. Chị nên kiếm cớ trì hoãn, khiến anh do dự thì anh sẽ không muốn mua xe liền.

Tóm lại là em nghĩ chồng chị vẫn là con người tốt. Nhưng lâu nay chị lo toan hết việc nhà hết nên anh bị kém nhạy cảm với chuyện chi tiêu. Có gì mình từ từ trao đổi với nhau nè, rồi vợ chồng lại thắm thiết ngay.

Còn bạn, bạn nghĩ sao về cách giải quyết cho khúc mắc tài chính của vợ chông này?

Theo Nguyệt

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên