MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà đất ven trung tâm Hà Nội: “Nóng” cục bộ, rục rịch tăng, cẩn trọng với hiện tượng “thổi giá”

18-07-2017 - 10:54 AM | Bất động sản

Hàng loạt dự án hạ tầng giao thông nghìn tỷ, dự án hạ tầng xã hội đang được đầu tư mạnh ở một số khu vực ven đô khiến nhà đất ở một số khu vực quận, huyện vùng ven đang rục rịch tăng giá, giao dịch trở lại.

Nhà đất “nóng” cục bộ ở vùng ven

Tại một số quận huyện ngoại thành Hà Nội các dự án giao thông, hạ tầng xã hội được đầu tư xây dựng kéo theo thị trường nhà đất nơi đây cũng “nóng” theo dự án.

Tại khu vực huyện Đan Phượng, mặt bằng giá đất đã tăng cao hơn khoảng 30% so với cách đây 2 năm, đã có những tín hiệu giao dịch trở lại. Hiện những lô đất ở trục đường lớn có mặt bằng giá khoảng trên 50 triệu đồng/m2, đi sâu vào bên trong các khu dân cư mặt bằng giá dao động từ khoảng 20-30 triệu đồng/m2.

Theo giới chuyên môn, lý do thị trường khu vực này giá đất có phần nhích lên do tác động từ yếu tố hạ tầng: tuyến đường sắt trên cao metro Nhổn – Ga Hà Nội đang đẩy nhanh hoàn thiện, hơn nữa mới đây Thủ tướng đã chấp thuận chủ trương để Hà Nội đầu tư dự án tuyến hướng tâm Tây Thăng Long kết nối giữa khu Tây Hồ Tây chạy qua Đan Phượng với Phúc Thọ và Sơn Tây. Doanh nghiệp BĐS lớn như Vingroup cũng đã có ý định xây một khu đô thị VinCity ở khu vực này.

Bên cạnh Đan Phượng, thị trường nhà đất Đông Anh cũng đang có biến động tăng giá. Ở một số khu vực như Tiên Dương, Nguyên Khê, Vĩnh Ngọc với sự xuất hiện của dự án Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia đang triển khai xây dựng hay thông tin BRG ký kết hợp tác quy hoạch đô thị hai bên đường Nhật Tân – Nội Bài, Sungroup xây dựng công viên Kim Quy… khiến nhà đất khu vực này được quan tâm, và giá tăng trở lại.

Khu vực quận Hà Đông, sự cải thiện về hạ tầng giao thông cũng như một số dự án hạ tầng xã hội mới được đầu tư xây dựng như trường quốc tế Nhật Bản trên đường Tố Hữu, tạp đoàn Aeon (Nhật) chốt địa điểm xây Aeon Mall Hà Đông, tuyến metro Cát Linh – Hà Đông sắp vận hành…đã khiến nhiều dự án khu đô thị mới đây mở bán rất được quan tâm, thậm chí có dự án bán rất nhanh và giá tăng lên như khu đô thị Phú Lương, Thanh Hà. Mới đây, tập đoàn Nam Cường cũng đã chào bán chào bán 550 căn hộ Anland, gần 250 nhà phố thương mại ra thị trường…

Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố hạ tầng và quy hoạch, giới chuyên môn nhận định nhiều khả năng giá nhà đất ở một số nơi có biến động tăng giá cao, có dấu hiệu tăng ảo do giới “cò đất” thổi giá. Người mua, nhà đầu tư cần cẩn trọng với những khu vực, dự án có dấu hiệu tăng giá chóng mặt trong thời gian ngắn, bởi nhiều khả năng đó là hiện tượng “làm giá” của giới đầu cơ.


Quy hoạch hệ thống hạ tầng giao thông, cùng nhiều dự án đã đang và sẽ xây dựng khiến nhiều khu vực vùng ven trung tâm đang được hưởng lợi, mặt bằng giá đất rục rịch tăng so với trước.

Quy hoạch hệ thống hạ tầng giao thông, cùng nhiều dự án đã đang và sẽ xây dựng khiến nhiều khu vực vùng ven trung tâm đang được hưởng lợi, mặt bằng giá đất rục rịch tăng so với trước.

BĐS nghỉ dưỡng vùng ven hưởng lợi

Với BĐS nghỉ dưỡng, trước đây, khi thị trường địa ốc bùng nổ, vùng ven Hà Nội là địa điểm lý tưởng của nhiều đại gia “cắm cờ” các dự án nghỉ dưỡng hoành tráng. Những vùng như Ba Vì, Thạch Thất (Hà Nội) thậm chí là Lương Sơn (Hòa Bình) hay Vĩnh Phúc đều có những dự án tầm cỡ.

Tuy nhiên, do không được đầu tư mạnh mẽ và xứng tầm nên nguồn cung BĐS nghỉ dưỡng cao cấp, chuẩn 5 sao ở vùng ven Thủ đô vẫn là một hạn chế mà nhiều chuyên gia trong ngành đã chỉ ra.

Nhưng với những thay đổi về hạ tầng giao thông, đặc biệt là những tuyến đường lớn kết nối trung tâm Hà Nội với khu vực vùng núi phía Tây, thị trường nghỉ dưỡng vùng ven đang được chú ý, nhiều khu nghỉ 4-5 sao luôn kín phòng vào cuối tuần.

Cụ thể, dự án mở rộng tuyến quốc lộ 6 kết nối từ quận Hà Đông (Hà Nội) với Hòa Bình và khu Xuân Mai được mở rộng gấp đôi (chiều rộng khoảng 50-60m). Năm 2010, Thành phố Hà Nội đã chấp thuận điều kiện bố trí kế hoạch chuẩn bị đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến là 5.885 tỷ đồng. Con đường mở rộng sẽ là động lực phát triển kinh tế - xã hội rất lớn cho khu Tây Bắc, đặc biệt là sẽ tạo sức hút đầu tư cho các khu nghỉ dưỡng sinh thái ở khu vực này.

Bên cạnh đó, Hà Nội mới đây cũng đã có quyết định quan trọng khác đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ cho khu vực này, đó là sẽ đầu tư dự án mở rộng Quốc lộ 21 dài hơn 29km theo hình thức đối tác công tư (PPP) với tổng vốn đầu tư trên 7500 tỷ, tuyến đường này có quy mô từ 4-6 làn xe được xây dựng theo 2 giai đoạn, giai đoạn 1 sẽ hoàn thành vào 2019 và giai đoạn 2 vào 2023. Tuyến đường sẽ nâng cấp hạ tầng cho chuỗi đô thị Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai. Đây sẽ là một “cú hích” quan trọng cho các dự án BĐS ở khu vực này phát triển.

Một số đại gia trong ngành cũng đã bắt đầu hướng tới những khu vực vùng ven như Ecopark đã có ý định cùng với 2 nhà đầu tư khác lập quy hoạch và và xúc tiến đầu tư một khu đô thị sinh thái ở khu Hòa Lạc, Vingroup đang triển khai xây dựng hoàn thiện Vinhomes Thăng Long, FLC đầu tư khu resort quy mô lớn ở Vĩnh Phúc…

Nhật Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên