Nhà đầu tư 25 tuổi quyết “nói không” với cổ phiếu Mỹ và lý do khiến nhiều người tranh cãi
Liệu cổ phiếu Mỹ đã hết thời hay nhà đầu tư này quá “dại dột”?
- 06-07-2020Chứng khoán Trung Quốc tăng phi mã khi nhà đầu tư kỳ vọng vào một đợt sóng tiếp theo
- 05-07-2020Mua túi xách hạng sang là khoản đầu tư 'siêu lợi nhuận' của người giàu
- 01-07-2020Nhiều năm trước Warren Buffett từng lo sợ về kiểu đầu tư có thể "huỷ hoại" thị trường và bây giờ điều đó đã thành sự thật
Mới đây, một nhà đầu tư 25 tuổi chia sẻ trên diễn đàn chứng khoán về danh mục đầu tư của mình và lý do anh chọn cổ phiếu Nhật Bản và châu Âu thay vì cổ phiếu Mỹ khiến nhiều nhà đầu tư và cả các chuyên gia tư vấn tài chính tranh cãi.
Cụ thể bài chia sẻ như sau:
Tôi 25 tuổi và bắt đầu thực hiện đầu tư cho hưu trí và những mục tiêu dài hạn khác. Kế hoạch đầu tư của tôi dự kiến kéo dài ít nhất 20 năm. Với danh mục đầu tư dài hạn này, tôi chỉ nắm giữ cổ phiếu, đầu tư trái phiếu tôi thực hiện ở một tài khoản khác.
Mục tiêu của tôi là duy trì mọi thứ thực sự đơn giản và đa dạng hoá danh mục đầu tư của mình. Tôi thực hiện đầu tư thụ động với quỹ chỉ số Vanguard bởi chi phí thấp và hâm mộ phong cách đầu tư của bố già "Bolge". Ngân sách đầu tư của tôi khoảng 500 đô la mỗi tháng.
Dưới đây là cách phân bố tài sản đầu tư của tôi:
40% vào các cổ phiếu toàn cầu
10% vào cổ phiếu châu Âu
10% vào cổ phiếu Nhật Bản
20% vào cổ phiếu của các thị trường mới nổi
20% vào các cổ phiếu toàn cầu có vốn hoá nhỏ
Tôi nhắm đến mục tiêu tăng trưởng dài hạn nên cố gắng đa dạng hoá danh mục đầu tư trên toàn cầu; thay vì chỉ theo đuổi những công ty có lợi nhuận cao trong quá khứ. Chẳng hạn, các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ có lợi nhuận tăng cao nhất trong 10 năm qua và vượt nhiều so với cổ phiếu của Nhật Bản, nhưng tôi đã không lựa chọn cổ phiếu Mỹ. Các quỹ chứng khoán toàn cầu, bao gồm cả vốn hoá lớn và nhỏ chiếm gần 50% ngân quỹ được phân bổ cho thị trường chứng khoán Hoa Kỳ. Đó là lý do tại sao tôi đặt cược thêm nhiều quỹ khác và chưa rót khoản tiền nào vào quỹ chỉ số S&P 500.
Các bạn có thể đưa cho tôi thêm lời khuyên hoặc cải tiến gì với danh mục đầu tư trên không?
Đây là một bài đăng gây nhiều tranh cãi trong giới đầu tư bởi thông thường sự khôn ngoan trên thị trường chứng khoán gắn liền với việc đặt cược vào các quỹ chỉ số Mỹ hoặc ít nhất là các thị trường mới nổi. Thậm chí nhiều nhà đầu tư đặt toàn bộ tiền vào quỹ chỉ số S&P 500 với 45% đóng góp của các cổ phiếu Mỹ có giá trị lớn nhất.
"Việc đánh giá thấp cổ phiếu Mỹ nghe khá hài hước. Về cơ bản, nền kinh tế Mỹ vẫn giữ chìa khoá vàng vào tăng trưởng và đổi mới trên toàn cầu", Chris Chen – nhà hoạch định chiến lược tại Insight Financial Strategists chia sẻ.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này còn đặt dấu hỏi rằng tại sao nhà đầu tư trẻ có thể đánh giá quá cao thị trường Nhật Bản và châu Âu. Tuy vậy, ông cũng đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng của các thị trường mới nổi. Đây được coi là nguồn tăng trưởng dài hạn và 20 năm là đủ để sinh lời.
"Cá nhân tôi coi đó là một danh mục đầu tư tích cực. Để tối ưu hoá dòng vốn đầu tư, một nhà đầu tư có thể đặt cược 20% vào cổ phiếu Nhật Bản, 25% vào cổ phiếu châu Âu và 30% vào các thị trường mới nổi. Trong bối cảnh đồng USD suy yếu, Nhật Bản đang có tiềm năng tăng trưởng và phát triển lâu dài, tại sao chúng ta không chọn chứ?", Leslie Beck – cố vấn tài chính tại Wealth Management đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư trẻ.
Trong khi đó, Larry Luxenberg – chiến lược gia trưởng tại quỹ Lexington Avenue Wealth Management đến từ New York cho rằng đó là một danh mục phân bổ đầu tư "bất thường và không phù hợp với hầu hết các nhà đầu tư hiện nay". "Không xét đến vấn đề cá nhân, tôi cho rằng hồ sơ đầu tư của chàng trai 25 tuổi này không phù hợp với chiến lược rủi ro của bất cứ nhà đầu tư nào", ông nói.
"Trong suốt một thập kỷ qua, thị trường chứng khoán Mỹ đã ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội hơn bất cứ thị trường nào khác với ít biến động. Với tư cách là một cố vấn tài chính, tôi hoàn toàn phản đối danh mục đầu tư trên. Việc đa dạng quá có thể dẫn đến bão hoà và thực tế là bạn đang tự tạo thêm rủi ro cho chính mình mà không thấy tiềm năng tăng trường đâu cả", Monica Dwyer - cố vấn tài chính tại Harvest Financial Advisors có trụ sở tại Ohio (Hoa Kỳ) chia sẻ.
Tuy vậy, những thành tựu đã đạt được trong quá khứ không đồng nghĩa với việc thị trường chứng khoán Mỹ sẽ tiếp tục "thăng hoa" trong tương lai. Trong 10 năm tới, không ai có thể chắc chắn rằng liệu chứng khoán Mỹ có vượt trội hơn so với các thị trường khác như 10 năm trước hay không? Chứng khoán Mỹ từng đánh bại các thị trường nước ngoài trong nhiều thập kỷ, song điều ngược lại cũng đã diễn ra.
Có thể nói, ở thời điểm hiện tại chứng khoán Mỹ đang ở một mức độ đáng lo ngại so với mức tăng trưởng GDP của quốc gia này. Lần cuối cùng các cổ phiếu lớn của Hoa Kỳ chiếm ưu thế trong quỹ chỉ số toàn cầu là cách đây 20 năm, vào năm 2000!
Và tất nhiên, đối với những nhà đầu tư từng trải qua nhiều thăng trầm trên thị trường chứng khoán chắc hẳn không ai quên được những thời điểm mà họ buộc phải "đánh cược" trên thị trường và lựa chọn bước đi thông minh nhất khi phân bổ dòng tiền khắp thế giới. Sau tất cả, vấn đề ở đây chính là cơ hội và thị trường. Bạn trả tiền cho thị trường, do đó bạn được quyền lựa chọn cơ hội nào phù hợp cho mình.