"Nhà đầu tư bất động sản đã mạnh tay xuống tiền khi nhận thấy bình minh thị trường dần ló rạng"
Đó là nhận định của TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trong Báo cáo nghiên cứu thị trường Bất động sản Việt Nam: Hành trình “vượt bão” và động lực phục hồi.
Theo TS. Lê Xuân Sang, sau hơn 1 năm chống chịu với những khó khăn chưa từng có, những doanh nghiệp bất động sản vượt qua được sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới, bền vững và lành mạnh hơn. Đây cũng chính là thế hệ doanh nghiệp có tầm vóc và sức chống chịu cao hơn trong một môi trường cạnh tranh với nhiều thách thức và cơ hội đan xen…
TS. Lê Xuân Sang cũng nhấn mạnh: “Bình minh dần ló rạng” trên thị trường bất động sản.
Theo chuyên gia, câu tục ngữ “Lửa thử vàng, gian nan thử sức” rất phù hợp để nói về thị trường bất động sản trong hơn một năm vừa qua.
Kể từ khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi chính sách tiền tệ thắt chặt giữa năm 2022 và các sự cố liên quan đến phát hành trái phiếu bất động sản riêng lẻ, nhiều doanh nghiệp bất động sản thực sự phải đối mặt với nhiều khó khăn kéo dài.
Cùng với đó, nhiều vụ vỡ nợ trái phiếu bất động sản, các vụ chiếm đoạt tài sản quy mô lớn diễn ra trong năm 2022 đã làm ảnh hưởng nặng nề đến niềm tin trên thị trường, dẫn đến một số phân khúc thị trường và địa phương bị đẩy vào tình trạng giảm giá mạnh, hiếm có từ trước đến nay.
TS. Lê Xuân Sang dẫn số liệu thống kê đã công bố, cụ thể, số lượng doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể từ cuối năm 2022 đến nửa đầu năm 2023 tăng một cách chóng mặt, trong khi số doanh nghiệp thành lập mới lại sụt giảm nghiêm trọng.
Theo ông Sang, nhìn vào lực lượng môi giới, thời gian qua họ cũng phải hứng chịu không ít thách thức khi thanh khoản sụt giảm, doanh nghiệp đầu tư bất động sản khó khăn, giao dịch ngưng trệ… Trong khi đó, hiệu quả kinh doanh của lực lượng môi giới bất động sản phụ thuộc lớn vào thanh khoản (mức độ giao dịch) thị trường, nhờ vào các doanh nghiệp bất động sản làm ăn tốt hay không.
“Đến thời điểm hiện tại, hình thái một số phân khúc thị trường tại một số vùng, địa phương đang có xu hướng tốt lên, tâm lý “chim sợ cành cong”, hành vi nghe ngóng, chờ đợi đã ít đi đáng kể. Trong nửa đầu năm 2023, kỳ vọng giá bất động sản “còn xuống nữa, chờ đi” tương đối phổ biến, song tới thời điểm hiện tại, giao dịch và mức giá bất động sản một số khu vực, phân khúc thị trường đã tăng trở lại. Lúc này, nhiều nhà đầu tư đã mạnh dạn xuống tiền và trong một số trường hợp kích thích tâm lý sợ nhỡ cơ hội đầu tư (FOMO – Fear of Missing out)”, TS. Lê Xuân Sang nhận định.
Một điểm sáng khác trong bức tranh thị trường bất động sản là số lượng, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đang có dấu hiệu ấm dần. Chẳng hạn, trong tháng 8 (tính đến ngày 29/8), có 7 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với tổng giá trị lên tới 22.905 tỷ đồng, con số này gần bằng một nửa tổng giá trị phát hành của nhóm bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2023 62.512 tỷ đồng).
Vị chuyên gia này cũng đưa ra dự báo: “Thị trường bất động sản hiện nay vẫn chưa thể hồi phục như thời điểm cuối năm 2021 hay đầu năm 2022, nhưng ít nhất nó đỡ hơn rất nhiều so với cuối năm 2022. Và thời gian tới sẽ là lúc bất động sản tiếp tục phục hồi, nhất là khi những rào cản pháp lý dần được gỡ bỏ, một số quy định thắt chặt trước kia nay tạm thời chưa áp dụng, trong khi nguồn vốn giá rẻ ngày càng nhiều và kết cấu hạ tầng tiếp tục được cải thiện với tâm lý đầu tư đã đỡ bị “ức chế” so với những tháng đầu năm 2023 và quý cuối 2022”.
Nhịp sống thị trường