Nhà đầu tư bất ngờ dọa 'đóng cửa' cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình
Tin từ doanh nghiệp dự án đầu tư tuyến đường Hòa Lạc- Hòa Bình cho hay, nếu vẫn chưa được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chấp thuận cho thu phí, họ sẽ 'đóng cửa' đường từ ngày 15/4 tới.
- 16-03-2019Làm cao tốc Bắc - Nam: Trung Quốc dễ thắng thầu?
- 11-03-2019Chân dung tỷ phú Trung Quốc muốn đầu tư vào cao tốc Bắc Nam: Cái đói khắc ghim trong ký ức đầu đời, trở thành giáo viên lúc trai trẻ trước khi bùng nổ với ngành xây dựng
- 09-03-2019Xem xét đề xuất làm cao tốc Bắc – Nam của tập đoàn Trung Quốc
Theo Công ty TNHH BOT QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình, dù thông xe từ ngày 10/10/2018, nhưng tới nay doanh nghiệp chưa được Bộ GTVT đồng ý cho thu phí. Theo hợp đồng BOT, nhà đầu tư được thu phí từ ngày 1/11/2018. Tuy nhiên hiện nay dự án này chưa được Bộ GTVT chấp thuận cho thu phí.
Trong khi đó, do tuyến đường Hòa Lạc – Hòa Bình mới chưa thu phí, nên phương tiện dồn qua đây, làm doanh thu thu phí tại trạm thu phí trên QL6 Xuân Mai - Hòa Bình sụt giảm, ảnh hưởng đến phương án tài chính của nhà đầu tư.
Tính đến tháng 2/2019, doanh thu thu phí thực tế trên tuyến QL6 giảm 28,9 tỷ đồng so với phương án tài chính trong hợp đồng BOT đã ký giữa nhà đầu tư và Bộ GTVT.
Do tuyến đường Hòa Lạc – Hòa Bình chưa được thu phí, nên ngân hàng dừng giải ngân vốn. Dẫn tới, doanh nghiệp dự án không có đủ nguồn kinh phí để thực hiện công tác quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng tuyến đường.
Để đảm bảo an toàn, đợi Bộ GTVT cho phép thu phí, nhà đầu tư sẽ tạm dừng phục vụ đối với các phương tiện vào tuyến Hòa Lạc-Hòa Bình từ 0h ngày 15/4/2019.
Dự án BOT đường Hòa Lạc-Hòa Bình là một phần của hợp đồng BOT nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai-Hòa Bình. Dự án có tổng mức 2.723 tỷ đồng. Thời gian thu phí thu hồi vốn dự án tuyến Hòa Lạc-Hòa Bình là 27 năm 6 tháng 9 ngày.
Đường Hòa Lạc-Hòa Bình có điểm đầu tại nút giao Đại lộ Thăng Long và QL21. Điểm cuối tại xã Trung Minh, TP Hòa Bình. Tổng chiều dài 25,6km.
Một số chuyên gia giao thông cho rằng, việc nhà đầu tư “dọa đóng cửa đường” chỉ là cách để gây sức ép lên Bộ GTVT để được thu phí. Tuy nhiên, đường bộ là công sản, được quy định và quản lý theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017. Do đó, nhà đầu tư không thể “đóng đường” nếu chưa được cơ quan nhà nước chấp thuận.
Trước đó, cũng vì vấn đề thu phí, một số chủ đầu tư dự án BOT giao thông cũng “dọa đóng cửa” đường, hoặc trả lại dự án, vì Bộ GTVT chưa giải quyết được các kiến nghị của doanh nghiệp liên quan tới thu phí, hoặc Bộ GTVT thực hiện không đúng cam kết trong hợp đồng ký với nhà đầu tư.
Điển hình phải kể tới các dự án BOT như: Hầm đường bộ Hải Vân, hầm đường bộ Đèo Cả, cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới.
Được biết, về lý do Bộ GTVT chưa đồng ý cho nhà đầu tư BOT thu phí đường Hòa Lạc - Hòa Bình do nhà đầu tư chưa thanh toán số tiền hơn 7,8 tỷ đồng, mà trước đó tỉnh Hòa Bình đã ứng trước để đền bù cho các hộ dân nhường đất cho dự án.
Tiền phong