Nhà đầu tư chán nản khi cắt lỗ nhưng cũng không ai hỏi mua đất
Mọi dự tính và kì vọng của một số nhà đầu tư đã chệch hướng khi ngay cả sau thời điểm Hà Nội hết giãn cách, những lô đất vẫn nằm án binh bất động, thậm chí dù cắt lỗ nhưng cũng không có người hỏi mua.
9 tháng trước, khi thị trường Bắc Giang trở thành tâm điểm của các nhà đầu tư, giá đất tăng chóng mặt, chị T.V đã mạnh tay xuống tiền mua lô đất dự án với mức giá hơn 1 tỷ đồng. Số tiền này chị và một người bạn cùng hùn vốn mua. Song, để đủ một nửa vốn góp, chị V. vay ngân hàng tới 80% với mức lãi suất 8,9%/năm đầu và 10,8% những năm sau đó.
Thời điểm xuống tiền, nhờ quen biết, chị V. đã mua với mức giá thấp hơn so với thị trường 3 giá.
"Vì thị trường lúc đó sôi động lắm, lại mua được mức giá thấp nên tôi chắc mẩm nếu lướt trong vòng 1 tháng thì chắc chắn kiếm lời được vài trăm triệu. Mà tâm lý mua được giá thấp hơn so với thị trường, tôi càng an tâm rằng: Chỉ cần bán bằng thị trường, tôi đã có lời. Chấp nhận nếu cắt lỗ so với thị trường, tôi vẫn thu hồi đủ vốn".
Thế nhưng, dự tính của chị V. không như kỳ vọng. Sau khi xuống tiền mua được 3 tuần, Bắc Giang bùng dịch và thực hiện chính sách giãn cách xã hội toàn tỉnh. Đến khi việc kiểm soát dịch tại Bắc Giang cơ bản ổn định thì đến lượt Hà Nội thực hiện chính sách giãn cách xã hội, kéo dài tới khoảng 3 tháng.
"Cũng trong suốt thời gian Hà Nội thực hiện chính sách giãn cách xã hội, tôi thấp thỏm đứng ngồi không yên. Khoản lãi mỗi tháng phải gánh khiến tôi càng sốt ruột, chỉ mong đẩy hàng sớm. Khi đó, phía môi giới tôi gửi bán khuyên: "Phải đợi hết dịch mới có thể rao bán được". Tôi cũng hi vọng và mong Hà Nội nhanh kết thúc chính sách giãn cách xã hội thì thị trường bất động sản sẽ vào guồng trở lại. Tôi còn kì vọng thị trường sẽ ấm lên và mảnh đất tôi mua sẽ bán được lời".
Lại một lần nữa, kỳ vọng của chị V. bị đập tắt khi hơn 2 tháng qua, thị trường khu vực mà chị mua ảm đạm. "Muốn bán mà không bán được. Ngay cả người hỏi cũng không có. Rao cắt lỗ tới 3 giá nhưng cũng chẳng có ai hỏi mua", chị V. tâm sự.
(Ảnh minh hoạ)
Trong tình trạng tương tự như chị V, anh Ngọc cũng đang phải đối mặt với khoản tiền lãi ngân hàng mỗi tháng lên tới gần 10 triệu đồng để vay mua đất. 1 năm trước, anh dồn tiền vào mua lô đất thổ cư tại Hưng Yên. Đến thời điểm hiện tại, lô đất của anh vẫn "án binh bất động".
"Cứ nghĩ sau dịch, thị trường sẽ sốt nóng như thời điểm sau Tết Nguyên đán năm 2021. Nhưng hiện tại, khu vực chỗ tôi im ắng. Hoạt động giao dịch gần như không có. Từ hôm Hà Nội hết giãn cách tới nay, người ta chỉ kí công chứng, chốt giao dịch hoàn thành trước đó. Giao dịch mới phát sinh rất hiếm, có chăng rơi vào các lô đất đẹp, giá rẻ. Tôi thấy người ta cứ đồn thị trường đang tốt lên nhưng một số bạn của tôi cũng chật vật, cắt lỗ mới thanh khoản được hàng", anh Ngọc chia sẻ.
Theo chia sẻ của anh N.M, một nhà đầu tư lâu năm tại Hà Nội, "Thị trường địa ốc đang xảy ra tình trạng nơi nóng, nơi lạnh. Đa phần ở các khu vực đã từng xảy ra sốt đất, từng được các nhà đầu tư đổ xô về sẽ gần như chững lại. Như đợt vừa qua, tôi đi khảo sát các thị trường. Một số khu vực từng nóng như Từ Sơn (Bắc Ninh), Bắc Giang hay Vĩnh Phúc, thấy anh em môi giới và nhà đầu tư than thở chuyện giao dịch kém. Đa phần chủ yếu là người bán thì nhiều, người mua vào thì ít".
Theo anh M tiết lộ, tuy nhiên, có một số điểm chưa từng xảy ra sốt đất, giá rẻ lại được nhiều nhà đầu tư tìm kiếm và mua vào.
"Tâm lý chung của nhà đầu tư hiện tại là cẩn trọng. Đợt thị trường biến động lên xuống, tiền đổ vào bất động sản đã lớn. Đó là lý do mà nhiều nhà đầu tư bắt đầu rút hàng, bảo toàn tài sản, tránh tình trạng xuống giá. Một số nhà đầu tư cá nhân tay non sẽ đẩy hàng sớm vì lo ngại dịch bệnh. Chỉ có ít nhà đầu tư mới vốn mạnh sẽ ôm đất chờ đợi hoặc thuộc nhóm "cá mập" đang săn tìm ở các khu đất rẻ, chờ vài năm lên giá. Đối với thị trường đã sốt, họ thường hiếm khi mặn mà vì khả năng đất lên giá là điều không tưởng trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi thay đổi về hạ tầng chưa có sự chuyển biến", anh M. cho biết thêm.