MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà đầu tư chiến lược vào TP.HCM phải có vốn điều lệ tối thiểu 500 tỷ đồng

06-07-2023 - 20:21 PM | Bất động sản

Về ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP.HCM, nhà đầu tư phải có vốn điều lệ tối thiểu từ 500 tỷ đồng và đã có kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự với tổng mức đầu tư từ 2.000 tỷ đồng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2023.

Về ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược, gồm đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực CNTT, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên;

Đầu tư dự án trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên; Đầu tư dự án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ theo quy hoạch có quy mô vốn đầu tư từ 50.000 tỷ đồng trở lên.

Nhà đầu tư chiến lược vào TP.HCM phải có vốn điều lệ tối thiểu 500 tỷ đồng - Ảnh 1.

Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM có hiệu lực từ đầu tháng 8. Ảnh: Phạm Nguyễn.

Nhà đầu tư chiến lược phải đáp ứng một trong các điều kiện: Có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở lên khi thực hiện dự án và có kinh nghiệm trong lĩnh vực tương tự có tổng vốn đầu tư từ 2.000 tỷ đồng trở lên;

Có vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng trở lên hoặc có tổng tài sản từ 25.000 tỷ đồng trở lên và có kinh nghiệm đầu tư dự án trong lĩnh vực tương tự có tổng vốn đầu tư từ 10.000 tỷ đồng trở lên; Hoặc có vốn điều lệ từ 9.000 tỷ đồng trở lên và có kinh nghiệm đầu tư dự án trong lĩnh vực tương tự có tổng vốn đầu tư từ 25.000 tỷ đồng trở lên.

Nhà đầu tư chiến lược được tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) bằng 150% chi phí thực tế của hoạt động này khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) thực tế được xác định theo quy định của pháp luật về kế toán; Được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan, thuế theo quy định của pháp luật.

Trong 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư chiến lược phải giải ngân vốn đầu tư và không được chuyển nhượng dự án;

Hỗ trợ kinh phí để đào tạo nghề đối với lao động bị ảnh hưởng tại khu vực dự án; ưu tiên tiếp nhận lao động địa phương vào làm việc tại dự án; thực hiện cam kết về việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao (nếu có).

Quá trình thực hiện dự án đầu tư, nếu nhà đầu tư chiến lược không đáp ứng điều kiện về vốn, tiến độ giải ngân và điều kiện khác thì không được hưởng ưu đãi quy định tại nghị quyết này. Đồng thời, nhà đầu tư chịu trách nhiệm về các hậu quả phát sinh do không thực hiện đúng cam kết theo quy định của pháp luật.

Được áp dụng loại hợp đồng BT, BOT

Nghị quyết nêu rõ, về quản lý đầu tư, TP.HCM thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD). Trong đó, HĐND quyết định sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập nhằm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… Thẩm quyền, trình tự, thủ tục đầu tư, xây dựng đối với dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được thực hiện theo thẩm quyền, trình tự, thủ tục của dự án đầu tư công nhóm A theo tiêu chí quy định của pháp luật về đầu tư công…

Về các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), TP.HCM được áp dụng đầu tư theo phương thức PPP đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa. Quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao và văn hóa do HĐND quy định;

Nhà đầu tư chiến lược vào TP.HCM phải có vốn điều lệ tối thiểu 500 tỷ đồng - Ảnh 2.

QL13 đoạn qua TP.HCM chờ cơ chế mới để thay đổi diện mạo. Ảnh: Vũ Phạm

TP.HCM được áp dụng loại hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu, phù hợp theo quy hoạch được phê duyệt đối với loại đường phố chính đô thị, đường trên cao.

Trường hợp chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn hơn 50% tổng mức đầu tư của dự án và phương án tài chính sơ bộ của dự án PPP không bảo đảm khả năng hoàn vốn, HĐND được xem xét, quyết định việc tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án.

Bên cạnh đó, TP.HCM được áp dụng loại hợp đồng BT. Dự án chỉ được quyết định chủ trương đầu tư khi xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Tổng mức đầu tư dự án áp dụng loại hợp đồng BT được xác định như đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về xây dựng; chi phí lãi vay sau thời gian xây dựng và lợi nhuận hợp lý được tính vào tổng mức đầu tư dự án.

Thẩm quyền, trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án áp dụng loại hợp đồng BT được thực hiện như đối với dự án PPP theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

UBND TP.HCM quy định tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật, tài chính của nhà đầu tư thực hiện dự án.

HĐND TP.HCM quyết định sử dụng vốn ngân sách, bố trí vốn chuẩn bị đầu tư, dự toán ngân sách hàng năm và bố trí vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của TP.HCM để thanh toán cho nhà đầu tư sau khi công trình hoặc hạng mục công trình vận hành độc lập được hoàn thành nghiệm thu, kiểm toán và căn cứ giá trị, tiến độ quy định trong hợp đồng BT và giám sát việc thực hiện, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Chính phủ quy định lãi vay, lợi nhuận hợp lý, phương thức thanh toán, quyết toán thực hiện dự án áp dụng loại hợp đồng BT.

Được chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha

Đối với dự án sử dụng đất trồng lúa vào các mục đích khác, HĐND TP.HCM quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng do HĐND quy định.

Việc quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa phải thực hiện công khai, lấy ý kiến người dân, đối tượng chịu sự tác động của việc chuyển mục đích sử dụng và bảo đảm nguyên tắc, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích khác theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, UBND TP.HCM phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội trong phạm vi dự án nhà ở thương mại hoặc phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội ở vị trí khác theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt.

Ngoài ra, về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. TP.HCM xem xét hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất để tạo điều kiện cho người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có việc làm, thu nhập, ổn định đời sống, sản xuất, kinh doanh;

Việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;

HĐND TP.HCM quyết định tỷ lệ quy đổi, điều kiện bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với đất thu hồi hoặc nhà ở phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Theo Vũ Phạm

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên