MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà đầu tư chú ý, có nhiều cổ phiếu sắp bị hủy niêm yết bắt buộc

Có rất nhiều mã chứng khoán đã nhận quyết định hủy niêm yết bắt buộc, đồng thời cũng có nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết.

Loạt cổ phiếu sắp bị hủy niêm yết bắt buộc

Hủy niêm yết bắt buộc 8 triệu cổ phiếu của DIC Đồng Tiến

Theo đó 8 triệu cổ phiếu DID của CTCP DIC Đồng Tiến bị hủy niêm yết bắt buộc trên HNX từ 27/5/2020. Phiên giao dịch cuối cùng trên HNX vào ngày 26/5/2020.

Nguyên nhân bị hủy niêm yết do DIC Đồng Tiến có ROE sau khi phát hành cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ phải trả <5% và phần vốn phát hành thêm để hoán đổi làm phát sinh tăng trên 50% vốn điều lệ thực góp trước phát hành, thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc.

Trước đó DIC Đồng Tiến đã phát hành riêng lẻ 5,9 triệu cổ phiếu cho 2 đối tác là CTCP VLXD Thế giới Nhà (2 triệu cp) và CTCP Siêu thị VLXD Thế giới Nhà (3,9 triệu cổ phiếu) với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu nhằm hoán đổi công nợ.

Sau phát hành, DIC Đồng Tiến tăng vốn điều lệ từ 80 tỷ đồng lên 139 tỷ đồng. Số cổ phiếu phát hành thêm này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày hoàn tất đợt phát hành theo quy định.

Theo đối chiếu trong bản thuyết minh BCTC tính đến ngày 31/12/2018, số dư nợ gốc của DIC Đồng Tiến với CTCP VLXD Thế giới Nhà hơn 24,8 tỷ đồng và dư nợ gốc với CTCP Siêu thị VLXD Thế giới Nhà 48,1 tỷ đồng. Sau phát hành, số công nợ của DIC ĐồnG Tiến với 2 đối tác này tương ứng cấn trừ 20 tỷ đồng và 39 tỷ đồng.

Trên thực tế, việc phát hành cổ phiếu cấn trừ công nợ này đối với DIC Đồng Tiến được xem là "có lợi" khi giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu trong khi trên thị trường, thời điểm phát hành, giá cổ phiếu DID đang giao dịch quanh mức 6.300 đồng/cổ phiếu.

Sau khi phát hành cổ phiếu cấn trừ công nợ, Sở GDCK Hà Nội ngày 20/4 vừa qua cho biết đã nhận được đầy đủ hồ sơ thay đổi đăng ký niêm yết của công ty. Tuy nhiên HNX từ chối thay đổi đăng ký niêm yết và tiến hành các thủ tục hủy niêm yết bắt buộc theo quy định.

Cổ phiếu PVE cũng bị hủy niêm yết bắt buộc trên HNX

Ngoài ra Sở gDCK Hà Nội cũng thông báo, toàn bộ 25 triệu cổ phiếu PVE của Tổng công ty Tư vấn thiết kế dầu khí – CTCP cũng bị hủy niêm yết từ 28/5/2020. Phiên giao dịch cuối cùng trên HNX vào ngày 27/5/2020.

Nguyên nhân do Tổng công ty đã chậm nộp BCTC trong 3 năm liên tiếp, thuộc trường hợp bị hủy niêm yết theo quy định.

Cổ phiếu MEC của CTCP Cơ khí lắp máy Sông Đà bị hủy niêm yết

Toàn bộ 8.353.620 cổ phiếu MEC của CTCP Cơ khí lắp máy Sông Đà cũng sẽ bị hủy niêm yết trên HNX từ 26/5/2020. Phiên giao dịch cuối cùng trên HNX vào 25/5/2020.

Nguyên nhân do công ty có tổng số lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp tại BCTC kiểm toán năm 2019.

Kết quả kinh doanh, năm 2019 MEC ghi nhận lỗ hơn 46 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế đến cuối năm lên trên 99 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ thực góp gần 83,54 tỷ đồng. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp công ty báo lỗ.

Cổ phiếu SPP bị hủy niêm yết

Toàn bộ 25,12 triệu cổ phiếu SPP của CTCP Bao bì Nhựa Sài Gòn cũng sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc trên HNX từ 22/5/2020. Phiên giao dịch cuối cùng trên HNX vào 21/5/2020.

Nguyên nhân do Bao bì Nhựa Sài Gòn đã có tổng số lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp tại BCTC kiểm toán năm 2019.

Kết quả kinh doanh, năm 2019 SPP đạt hơn 255 tỷ đồng doanh thu, chưa bằng 1/4 cùng kỳ. Trong khi đó giá vốn đội lên đến 624 tỷ đồng nên SPP đã lỗ thuần 369 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh. Thêm các khoản chi phí, đặc biệt chi phí quản lý doanh nghiệp 325 tỷ đồng, nên SPP ghi nhận lỗ 720 tỷ đồng trong năm 2019.

Tổng lỗ lũy kế đến hết năm 2019 lên đến 690 tỷ đồng. Âm vốn chủ sở hữu 438 tỷ đồng, trong khi vốn góp chủ sở hữu 251,1 tỷ đồng.

Cổ phiếu KSK của Khoáng sản luyện kim màu cũng bị hủy niêm yết

Cổ phiếu KSK của CTCP Khoáng sản luyện kim màu cũng bị hủy niêm yết bắt buộc trên HNX từ 28/5/2020. Phiên giao dịch cuối cùng trên hNX vào 27/5/2020.

Nguyên nhân hủy niêm yết do Khoáng sản luyện kim màu đã chậm nộp báo cáo tài chính trong 3 năm liên tiếp, thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết theo quy định.

Trước đó cổ phiếu KSK cũng đã bị tạm ngừng giao dịch từ 25/11/2019 do không khắc phục được nguyên nhân dẫn tới chứng khoán bị đưa vào diện bị kiểm soát.

Những cổ phiếu đứng trước nguy cơ hủy niêm yết

Trước đó Sở GDCK Hà Nội đã có công văn yêu cầu CTCP Sữa Hà Nội (mã chứng khoán HNM) giải trình tình trạng bị hủy niêm yết. Theo đó Sữa Hà Nội đã chậm nộp BCTC 3 năm liên tiếp từ 2017 đến 2019.

Sở GDCK Hà Nội cũng đã yêu cầu CTCP Thép Dana Ý (DNY) báo cáo giải trình nguyên nhân bị hủy niêm yết. Nguyên nhân, do kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với BCTC năm 2019.

Sở GDCK Hà Nội cũng đã yêu cầu CTCP Cảng Rau (VGP) quả báo cáo giải trình nguyên nhân chứng khoán bị hủy niêm yết. Nguyên nhân do Cảng Rau quả đã chậm nộp BCTC năm có kiểm toán 3 năm liên tiếp từ năm 2017 đến 2019.

Sở GDCK Hà Nội cũng đã yêu cầu CTCP Đầu tư và Phát triển du lịch Vinaconex (Vinaconex ITC – mã chứng khoán VCR) việc giải trình nguyên nhân tình trạng cổ phiếu bị hủy niêm yết.

Theo đó, Sở GDCK Hà Nội cho biết đã nhận được Báo cáo tài chính tổng hợp và riêng kiểm toán năm 2019 của Công ty được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán và định giá Việt Nam ký ngày 10/3/2020 trong đó thể hiện công ty bị thua lỗ trong 3 năm liên tiếp từ năm 2017, 2018 đến 2019. Như vậy cổ phiếu VCR thuộc trường hợp cổ phiếu bị hủy niêm yết theo quy định.

Cổ phiếu PVX của Tổng CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam PVC cũng đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết do thua lỗ liên tiếp trong cả 3 năm 2017, 2018 và 2019, đồng thời còn bị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến vì "vướng" tới 11 vấn đề trên BCTC năm 2019 khiến Deloitte không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng để làm cơ sở đưa ra kết luận.

Nguyên Phương

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên