MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà đầu tư chứng khoán nên hành động thế nào sau phiên giảm sốc 60 điểm?

Nhà đầu tư chứng khoán nên hành động thế nào sau phiên giảm sốc 60 điểm?

Trong ngắn hạn, chuyên gia cho rằng chỉ số có thể tiếp tục điều chỉnh về vùng 1.150-1.200 điểm sau đó tích lũy quanh đây và bật tăng trở lại. Khả năng VN-Index giảm sâu hơn nữa rất khó diễn ra do các yếu tố cơ bản vẫn đang hỗ trợ thị trường.

Chứng khoán Việt Nam khép lại phiên giao dịch đầu tuần đầy sóng gió. Cú "rũ cánh" của hàng loạt cổ phiếu đã xoá sạch toàn bộ thành quả tăng điểm của chỉ số trong gần 2 tháng qua, VN-Index giảm sâu gần 60 điểm (tương đương 4,7%) trong phiên 15/4 để lùi về mốc 1.216 điểm. Đây là mức giảm về điểm số mạnh nhất trong hơn 1 năm qua, kể từ tháng 5/2022. Thanh khoản thị trường cũng tăng đột biến với giá trị khớp lệnh trên sàn HOSE đạt vượt 30.000 tỷ đồng.

vnindex_ind-14.png

Phiên lao dốc bất ngờ của thị trường khiến nhiều nhà đầu tư choáng ngợp chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Nhiều nhà đầu tư quay cuồng chốt lời bảo vệ thành quả, nhiều người lại vội vã bán ra khi danh mục thua lỗ khi mua đuổi trong những nhịp tăng. Vậy sau nhịp giảm sâu, nhà đầu tư nên hành động như thế nào?

Nhận định về xu hướng thị trường, ông Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán KIS cho rằng sau phiên giảm mạnh vừa qua, thị trường đã xác nhận xu hướng điều chỉnh ngắn hạn. Khối lượng gia tăng đột biến trong phiên giảm mạnh hàm ý bên bán đang chiếm ưu thế, đồng thời cũng cho thấy dòng tiền bắt đáy đang dần nhập cuộc. Thanh khoản sụt giảm trong giai đoạn trước đó chỉ thể hiện dòng tiền đang nằm trên tài khoản nhà đầu tư chờ cơ hội giải ngân trở lại chứ không có nghĩa dòng tiền đã rút ra khỏi thị trường.

Theo chuyên gia KIS, trong 1-2 phiên tiếp theo thị trường có thể xuất hiện nhịp hồi kỹ thuật, nhưng rủi ro là khá lớn để mở những vị thế mới. Trong ngắn hạn, chỉ số có thể tiếp tục điều chỉnh về vùng 1.150-1.200 điểm sau đó tích lũy quanh đây và bật tăng trở lại. Trường hợp VN-Index giảm sâu hơn nữa rất khó diễn ra do các yếu tố cơ bản vẫn đang hỗ trợ thị trường.

Nhà đầu tư nên hành động ra sao?

Đưa ra chiến lược hành động trong thời điểm này, ông Hiếu cho rằng nhà đầu tư vẫn nên đứng ngoài và quan sát: "Việc bắt đáy lúc này cũng như "bắt dao rơi". Bởi đây là hành động nguy hiểm không dành cho đại đa số nhà đầu tư mà chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp. Đặc biệt, khi xu hướng giảm có thể tiếp diễn và rủi ro vẫn tăng cao khi chưa đảm bảo thị trường đảo chiều tăng trở lại, việc mở vị thế mua mới có thể dẫn đến thua lỗ lớn. Do đó, việc mua khi thị trường đã xác lập xu hướng tăng sẽ hạn chế rủi ro, bởi cổ phiếu giá thấp vẫn có thể thấp hơn nữa".

Tuy thị trường tiềm ẩn rủi ro ngắn hạn, nhưng chuyên gia KIS cho rằng nhà đầu tư cũng cần nhìn vào bức tranh trong dài hạn của thị trường. Theo đó, xu hướng tăng của thị trường vẫn được củng cố bởi các yếu tố vĩ mô như sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam, dòng vốn FDI, chính sách tài khóa mở rộng.

Vì thế, nhịp điều chỉnh này nên được xem là cơ hội giải ngân cho những vị thế trung và dài hạn. Vấn đề là nhà đầu tư cần chọn thời điểm phù hợp để giải ngân. Thời điểm đó có thể xuất hiện khi thị trường xuất hiện những tín hiệu đảo chiều hoặc dòng tiền lớn quay trở lại khi thanh khoản tăng mạnh.

Cũng đưa ra nhận định, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam dự báo khả năng xấu nhất, VN-Index có thể về 1.200-1.210 điểm. Với việc giảm sốc trong một phiên giao dịch, vị chuyên gia cho rằng dòng tiền bắt đáy sẽ sớm nhập cuộc vì cổ phiếu vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn và lượng dòng tiền đứng ngoài chờ cơ hội tham gia thị trường cũng rất lớn.

"VN-Index khó có khả năng "thủng" 1.200 điểm vì rủi ro chưa đủ lớn để kích hoạt xu hướng giảm sâu như vậy. Với nhà đầu tư vẫn đang cầm cổ phiếu, nếu không áp lực margin thì không nên bán tháo. Nhà đầu tư có tiền mặt cao thì chưa vội giải ngân, thay vào đó nên chờ đợi nhịp cân bằng tại vùng 1.200-1.210 để mua thăm dò với tỷ trọng thấp", ông Nguyễn Thế Minh đưa ra lời khuyên.

Hạ Anh

An ninh Tiền tệ

Trở lên trên