MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà đầu tư có sự cân nhắc khi rót tiền vào bất động sản công nghiệp

14-07-2021 - 08:46 AM | Bất động sản

Nhà đầu tư có sự cân nhắc khi rót tiền vào bất động sản công nghiệp

Các chuyên gia cho rằng, sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19 đã khiến các nhà đầu tư có sự cân nhắc trong việc đầu tư vào phân khúc bất động sản công nghiệp Việt Nam, tuy nhiên, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, việc đầu tư vào phân khúc này sẽ vẫn diễn ra mạnh mẽ.

Thị trường đón nhận tín hiệu tích cực 

Bước sang năm 2021, Việt Nam tiếp tục đối mặt với 2 đợt dịch liên tiếp đặc biệt là lần bùng phát dịch COVID-19 thứ 4 này đã khiến cho tất cả các ngành nghề lĩnh vực kinh tế lần nữa chững lại. Tuy nhiên, nhờ vào việc thực hiện mục tiêu kép: Vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội các chỉ số tăng trưởng kinh tế lạc quan, thị trường bất động sản công nghiệp cả nước nói chung và phía Nam nói riêng vẫn đón nhận những tín hiệu tích cực

Báo cáo của JLL Việt Nam trong quý II/2020 vừa công bố cho thấy, riêng thi trường đất công nghiệp cho thuê tại phía Nam (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An) đã ghi nhận thêm nguồn cung mới đến từ dự án KCN Trần Anh Tân Phú tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An do Trần Anh Group làm chủ đầu tư, qua đó, nâng tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê ở phía Nam tăng lên 25.220 ha.

Trong khi đó, do tác động của dịch COVID-19, thị trường nhà xưởng xây sẵn lại chưa ghi nhận nguồn cung mới trong quý II/2021 (nguồn cung hiện hữu đạt 3,2 triệu m2 sàn).

Nhà đầu tư có sự cân nhắc khi rót tiền vào bất động sản công nghiệp - Ảnh 1.
Những khu vực có quỹ đất rộng, cơ sở hạ tầng được đồng bộ thường được các nhà đầu tư phân khúc bất động sản công nghiệp ưu tiên, lựa chọn (trong ảnh là một khu công nghiệp tại tỉnh Long An, đang trong quá trình đầu tư, xây dựng). Ảnh: Lý Tuấn

JLL Việt Nam cũng ghi nhận, trong quý II/2021 đã có nhiều giao dịch được hoàn tất tại Bà Rịa - Vũng Tàu, các thỏa thuận thuê đất chủ yếu đến từ các nhà sản xuất công nghiệp nặng yêu cầu quỹ đất rộng lớn. Nhờ đó, tỷ lệ lấp đầy KCN và nhà xưởng xây sẵn lần lượt ghi nhận đạt 85% và 86%.

Trong đó, đất công nghiệp ghi nhận các giao dịch mới trong lúc đại dịch bùng phát, thể hiện rằng cả chủ đầu tư và khách thuê đã dần tìm ra được các phương án thích nghi với đại dịch. Ngược lại, nhà xưởng xây sẵn lại chứng kiến sự mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp đã hiện hữu hơn là những doanh nghiệp mới.

Về giá thuê, theo ghi nhận của JLL Việt Nam, trong quý II, các chủ đầu tư KCN phía Nam đã thiết lập đỉnh giá trung bình mới là 113 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá thuê nhà xưởng xây sẵn trung bình ở mức 4,5 USD/m2/tháng cho toàn khu vực, tăng 0,5% so với cùng kỳ.

Theo JLL Việt Nam, trong tương lai gần, với việc hình thành các dự án như cao tốc quanh TP.HCM như Phan Thiết - Dầu Giây, Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành, giá thuê đất công nghiệp tại miền Nam dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng.

"Nhà đầu tư vẫn đang cân nhắc"

Thông tin với Nhadautu.vn về việc các nhà đầu tư có còn "mặn mà" với thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam ở thời điểm hiện nay, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao – Savills Việt Nam cho rằng, sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước dành cho Việt Nam vẫn hiện hữu, tuy nhiên, thị trường vẫn sẽ gặp hạn chế về vấn đề đi lại, giới hạn các chuyến bay, khiến cho việc đầu tư vào bất động sản công nghiệp Việt Nam có những hạn chế nhất định, không như kỳ vọng của thị trường.

Theo TS. Sử Ngọc Khương, trước đây, chúng ta kỳ vọng rằng bất động sản công nghiệp là điểm nóng của thị trường, với điều kiện kinh tế bình thường. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua, sự bùng phát trở lại của COVID-19 tại Việt Nam cũng như các vấn đề thông quan đã trở thành một trở ngại khiến các nhà đầu tư cân nhắc khi muốn đầu tư vào bất động sản công nghiệp Việt Nam.

"Ngoài ra, sự phát triển của phân khúc này còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề như chuỗi cung ứng, kho bãi, cảng biển, giao thông vận tải, cũng như tốc độ giải ngân của các nhóm chính sách công, đây chính là yếu tố then chốt giúp bất động sản công nghiệp Việt Nam đạt được thuận lợi, giúp các nhà đầu tư quyết định đầu tư vào khu công nghiệp", TS. Sử Ngọc Khương nói.

Còn theo TS. Lê Bá Chí Nhân, Chuyên gia kinh tế, ngoài việc đồng tình trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 làm cho các quyết định của nhà đầu tư có sự chùng xuống, dù vậy, ông đánh giá, Việt Nam vẫn là thị trường tiềm năng, chỉ là các nhà đầu tư nước ngoài đang trong tâm thế dò tìm, tức còn cân nhắc, lựa chọn những khu vực địa điểm có quỹ đất phù hợp, cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông được quy hoạch đồng bộ, sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, việc đầu tư sẽ vẫn diễn ra mạnh mẽ.

"Có thể thấy, hiện nay, ngoài việc ảnh hưởng của dịch bệnh, thì để đầu tư vào bất động sản công nghiệp ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập, ví dụ tại khu vực miền Tây, hạ tầng giao thông còn rất hạn chế, để vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh thành khác hiện nay chỉ có duy nhất quốc lộ 1, không đủ để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, cho nên ở khu vực này dù có quỹ đất rộng, nguồn nguyên liệu phong phú nhưng hạ tầng giao thông không thuận lợi nên ít nhà đầu tư nước ngoài họ hướng đến", TS. Lê Bá Chí Nhân dẫn chứng.

Vấn đề thứ hai được, cũng được ông đề cập đến là nhân lực, lực lượng lao động có tay nghề để đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài vào bất động sản công nghiệp tại Việt Nam, trong khi vấn đề này ở nước ta vẫn chưa đảm bảo.

Bên cạnh đó, các thủ tục trong xuất nhập khẩu cũng là bài toán cần phải cân nhắc, việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc thông quan hàng hoá cũng như là xuất hàng hoá ra nước ngoài sẽ giúp giảm thiểu được chi phí, tạo lợi thế để thu hút được nhà đầu tư nước ngoài.

"Để đầu tư làm khu công nghiệp doanh nghiệp sẽ cần số vốn rất lớn, ngoài việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật đạt theo tiêu chuẩn, doanh nghiệp còn phải tìm nguồn nguyên liệu, thị trường đầu ra cho sản phẩm khi chuyển đến khu vực mới, do đó, để đón được làn sóng dịch chuyển này đòi hỏi những khu vực đó phải thật sự có những điều kiện thuận lợi thì mới có thể thu hút được nhà đầu tư", TS. Lê Bá Chí Nhân nhận định.

Trong khi đó, đánh giá về hoạt động FDI tại Việt Nam, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, vốn FDI đổ vào Việt Nam trong thời gian tới sẽ tiếp tục khả quan, bởi qua thăm dò các nhà đầu tư quốc tế đều tỏ ra rất muốn vào thị trường này, khi các nguyên tắc cơ bản về tăng trưởng thu nhập, nhân khẩu học và đô thị hóa khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn vẫn không thay đổi. Cùng với đó là sự phát triển nhanh chóng của các dự án cơ sở hạ tầng lớn ở Hà Nội và TP.HCM được hỗ trợ thêm bởi chương trình kết nối giao thông quốc gia.

"Trước COVID-19, Việt Nam đang ở một vị trí tốt và trong khi đại dịch đã ảnh hưởng đến các thị trường toàn cầu, Việt Nam đang làm tốt hơn nhiều so với hầu hết các quốc gia khác. Tiềm năng tăng trưởng vẫn còn cao, điều này làm tăng thêm sức hấp dẫn đối với FDI. Phần lớn vẫn là lĩnh vực sản xuất và trong khi đó vẫn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tất cả các loại tài sản bất động sản đều đạt được những tác động tích cực, nhờ đó, Việt Nam đã trở thành một điểm nóng đối với các nhà đầu tư nước ngoài", ông Matthew Powell nhận định.

Theo Lý Tuấn

Nhà đầu tư

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên