MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Nhà đầu tư đang rút tiền khỏi vàng, trái phiếu, dồn vào cổ phiếu'

13-03-2021 - 15:30 PM | Tài chính quốc tế

'Nhà đầu tư đang rút tiền khỏi vàng, trái phiếu, dồn vào cổ phiếu'

'Nhà đầu tư đang rút tiền khỏi vàng, trái phiếu, dồn vào cổ phiếu'

Báo cáo dòng vốn hàng tuần của Bank of America (BofA) cho thấy nhà đầu tư rót 31,5 tỷ USD vào cổ phiếu, rút 1,8 tỷ USD khỏi thị trường vàng và 15,4 tỷ USD từ trái phiếu. Lợi suất trái phiếu tuần trước tăng cao do lo ngại lạm phát trong khi cổ phiếu công nghệ bị nhà đầu tư bán tháo để chuyển sang cổ phiếu giá trị.

Dẫn số liệu từ EPFR Global, BofA nhận định tuần trước ghi nhận dòng vốn lớn thứ ba từ trước đến nay chảy vào thị trường chứng khoán mới nổi, lớn thứ hai vào cổ phiếu giá trị.

“Chúng tôi tin năm 2020 đánh dấu đáy trăm năm có một với lạm phát và lãi suất”, BofA cho biết, lưu ý đến diễn biến vượt trội của chỉ số Russell 2000 so với Nasdaq (cổ phiếu công nghệ chiếm tỷ trọng lớn).

Theo BofA, chính phủ Mỹ dự kiến chi tiêu mạnh tay trong năm 2021, khiến lợi suất trái phiếu tăng hoặc USD giảm giá để “tài trợ tài chính vượt mức”. Nợ của Mỹ kéo dài sẽ khiến biến động gia tăng khi lợi suất cao kết hợp với USD mất giá.

Chính sách nới lỏng định lượng và kiểm soát đường cong lãi suất tại các nền kinh tế nhóm G7 “không còn có thể đẩy lãi suất/biên lãi/khối lượng xuống thấp hơn nữa”, BofA lưu ý. Lãi suất và biến động “không còn được neo”. Các điều kiện tài chính đều đã qua “đỉnh nới lỏng”.

Tại Ấn Độ, thị trường chứng khoán những tháng gần đây tăng liên tục, chỉ số Sensex vượt mốc 50.000 để lập đỉnh lịch sử 52.154,13 điểm hôm 15/2. Trái lại, thị trường vàng lao dốc, từ đỉnh hơn 57.000 rupee (hơn 780 USD)/10 gr xuống quanh 46.000 rupee/10 gr.

Một số nhà đầu tư nghĩ rằng giá cổ phiếu không bền vững. Thay vì đầu tư toàn bộ vào thị trường chứng khoán, họ ưu tiên hơn những ETF vàng với kỳ vọng giá kim loại quý này tăng khi thị trường chứng khoán lao dốc.

Nhà đầu tư đang rút tiền khỏi vàng, trái phiếu, dồn vào cổ phiếu - Ảnh 1.

Diễn biến chỉ số Sensex của thị trường chứng khoán Ấn Độ gần đây.

“Giá vàng đang trượt dốc nhưng không cần phải quá bi quan. Lịch sử cho thấy tài sản này mang lại lợi nhuận tốt hàng năm”.“Vàng và cổ phiếu là hai loại tài sản khác nhau. Giá cổ phiếu đang cao nên nhà đầu tư cần khôn ngoan và thận trọng trong chọn mã. Nhà đầu tư không nên quá theo đuổi thị trường đang có xu hướng tăng này”, S Ravi, cựu chủ tịch sàn chứng khoán Bombay (BSE), hiện là giám đốc tại Ravi Rajan & Co, nói.

Theo Ravi, “một nhà đầu tư thận trọng sẽ phải đa dạng hóa đầu tư vào các loại tài sản khác nhau. Đa dạng hóa danh mục đầu tư cho phép nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro gắn liền với từng tài sản”.

Nhấn mạnh sự cần thiết phải phân bổ tài sản, Vijay L Bhambwani, giám đốc nghiên cứu – phân tích kỹ thuật hành vi tại Equitymaster, cho biết. “Không nhà đầu tư nào nên ‘tất tay’ vào cổ phiếu. Ít nhất 20% hoặc cao hơn phải vào vàng. Thị trường tài chính dễ thay đổi. Nếu cổ phiếu bị chốt lời, giá vàng có thể phục hồi”.

Trong khi đó, các thị trường hàng hóa vẫn chưa ghi nhận dòng vốn lớn từ nhà đầu tư tổ chức - điểm đặc trưng trong các "siêu chu kỳ" trước, các nhà quản lý quỹ cho biết tại hội thảo trực tuyến Fastmarkets Copper Seminar hôm 11/3.

Các hàng hóa từ dầu, ngũ cốc cho đến kim loại tăng giá mạnh từ đầu năm. Giới phân tích cùng nhiều giám đốc điều hành như Lloyd Blankfein của Goldman Sachs kỳ vọng một thị trường giá lên được thúc đẩy bởi chi tiêu hạ tầng hậu đại dịch Covid-19, nhà ở và các hình thức vận tải carbon thấp.

Những nhà đầu tư kỳ cựu đã mở vị thế trên thị trường hàng hóa nhưng các quỹ tập trung vào vĩ mô vẫn chưa có động thái đáng kể.

"Bất chấp sự phấn khích trên thị trường, chúng tôi chưa nhìn thấy dòng tiền chảy vào. Đây vẫn chỉ là cuộc chơi từ những bên quen thuộc trụ vững qua thị trường giá xuống gần nhất", Scott Shi, giám đốc hàng hóa tương lai toàn cầu tại Shanxi Securities International Financial Holdings, nói.

Nhà đầu tư đang rút tiền khỏi vàng, trái phiếu, dồn vào cổ phiếu - Ảnh 2.

Diễn biến chỉ số hàng hóa Bloomberg qua các năm.


Một số đơn vị tư vấn lại có cách nhìn khác.

“Nếu bạn có đủ số tiền muốn có, không cần phải chấp nhận rủi ro để đạt được toàn bộ mục tiêu trong phần đời còn lại, chắc chắn, hãy chuyển sang tiền mặt”, nhà hoạch định tài chính David Robbins, phó chủ tịch đầu tư tại Moors & Cabot, Phoenix, bang Arizona, đưa ra lời khuyên. “Nhưng trong thực tế, đó là kịch bản hiếm khi xảy ra”.

Thị trường chứng khoán Mỹ biến động theo đường ziczac từ năm 2020 cho đến nay, khiến một số nhà đầu tư lo ngại, theo giới chuyên gia. Cả hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 đều lập đỉnh lịch sử rồi đi xuống do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế thế giới. Phố Wall được dự đoán còn nhiều bất ổn phía trước.

Bất kể Phố Wall diễn biến thế nào, tiền mặt là một phần quan trọng trong mọi kế hoạch tài chính. Nhiều nhà tư vấn khuyến nghị khách hàng cần dành sang một bên khoản tiền khẩn cấp đủ dùng trong 3 - 6 tháng, không phải lo về ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán.

Người nghỉ hưu được khuyên giữ 2 - 3 năm thu nhập vào các khoản đầu tư không bị thị trường chứng khoán tác động, tùy thuộc vào hoàn cảnh từng người.

Với nhà đầu tư dài hạn - người lao động trẻ đang tiết kiệm cho nghỉ hưu - cần nhớ thị trường còn thăng trầm và các khoản lãi/lỗ chỉ hiện thực hóa khi bán cổ phiếu. Lịch sử cho thấy thị trường luôn phục hồi và vượt đỉnh trước đó. Với nhà đầu tư muốn cầm tiền mặt khi thị trường giảm và chờ tình hình cải thiện, họ cần tự hỏi bản thân “khi nào là thời điểm phù hợp để quay lại thị trường?”.

“Nhà đầu tư thông thường có mục tiêu là bán đỉnh, mua đáy”, Robbins nói. “Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều người chọn bán khi thị trường giảm và mua khi thị trường tăng. Hệ quả thường thấy là họ phải mua lại với giá cao hơn lúc bán”.

Một số chọn đầu tư vào Bitcoin, như Ross Stevens, giám đốc điều hành của Stone Ridge, chủ tịch điều hành New York Digital Investment Group. Stevens là một trong những người đón nhận Bitcoin từ sớm. Ông chỉ giữ tiền mặt đủ để thanh toán những hóa đơn cần giải quyết ngay.

“Tiền mặt giờ là nợ, không còn là tài sản nữa. Điều đó có ý nghĩa đáng kể đến bảng cân đối của công ty”, Stevens phát biểu tại một sự kiện Bitcoin dành cho các giám đốc điều hành cấp cao diễn ra gần đây, lý giải tại sao Bitcoin là nơi lưu trữ giá trị tốt hơn tiền mặt.

“Một CEO có hai nhiệm vụ là điều hành và phân bổ vốn. Nhiệm vụ đầu tiên là điều hiển nhiên, nhiệm vụ thứ hai là công việc quan trọng nhất của CEO”.

Sự kiện trên do CEO Michael Saylor của MicroStrategy tổ chức. Saylor từng thách CEO Elon Musk của Tesla làm giống ông, chuyển một phần tiền mặt trong bảng cân đối kế toán sang Bitcoin. Không lâu sau đó, Tesla thông báo đã đầu tư 1,5 tỷ USD trong số 19 tỷ USD tiền mặt và tương đương tiền mặt của công ty vào Bitcoin.

Theo Như Tâm

NDH

Trở lên trên