Nhà đầu tư F0 "choáng váng" với phiên giảm sốc đầu tuần: 3 tháng lương bay vèo chỉ sau một phiên giao dịch!
Cú "đánh úp" của thị trường khiến nhiều nhà đầu tư "choáng váng" khi tài khoản bay hơi trong phút chốc.
- 17-01-2022Điều gì khiến chứng khoán Việt Nam có phiên giảm sâu nhất trong vòng 5 tháng?
- 17-01-2022183 mã giảm sàn: Áp lực giải phóng dòng tiền quá lớn, nhiều cổ phiếu bị bán oan vì nhóm đầu cơ
- 17-01-2022185 mã giảm sàn, VnIndex mất 43 điểm
Thị trường chứng khoán luôn tiềm ẩn những bất ngờ và xoay chuyển nhanh chóng mặt. Những tưởng tín hiệu tích cực trong phiên sáng là dấu hiệu cho thấy sự phục hồi của thị trường, song tình thế hoàn toàn đảo ngược khi VN-Index bốc hơi đến 43 điểm, 185 mã đua nhau nằm sàn la liệt.
Nhịp rơi mạnh của thị trường khiến nhiều nhà đầu tư "choáng váng" khi tài khoản bay hơi trong phút chốc. Đối với những người tranh thủ "mua đuổi" trong phiên sáng nay thì phiên sập mạnh này lại càng là cú sốc lớn. Đặc biệt, nhiều nhà đầu tư càng sốt ruột, lo "bánh chưng không thịt" khi dịp Tết cận kề.
Anh P.T, một nhà đầu tư F0 đang bị "kẹp hàng" cổ phiếu FLC cũng đang lo lắng như bao nhà đầu tư khác. Anh cho biết, FLC là cổ phiếu đầu tiên anh mua khi gia nhập thị trường chứng khoán, song không ngờ bị ăn "trái đắng" như vậy.
"Mỗi ngày mở bảng chỉ mong khớp được lệnh, nhưng cổ phiếu không bán được mà chỉ thấy tài khoản vơi đi. Giờ không mong gì hơn chỉ mong cắt lỗ được cổ phiếu để có một cái Tết trọn vẹn", anh P.T chia sẻ.
Đồng cảnh ngộ, anh N.V.T cũng ngậm ngùi cho biết: "Danh mục có 10 cổ phiếu thì có đến 8 mã giảm sàn, 2 mã còn lại cũng giảm sát sàn. Nghe bạn bè đồng nghiệp tung hô đầu tư chứng khoán "dễ ăn" nên đầu năm nay tôi bắt đầu tham gia đầu tư. Tuy nhiên phiên "sập" của thị trường hôm nay đã khiến tôi hoàn toàn vỡ mộng.
Tuy không "bỏ trứng vào chung một giỏ", song phiên giảm mạnh hôm nay đã khiến 3 tháng lương của tôi đã bay vèo. Nếu những phiên sắp tới thị trường không "hồi" lại thì xác định năm nay mất Tết".
Trong một bối cảnh khác, chị M.T vừa lựa chọn cắt lỗ cổ phiếu ngân hàng để mua cổ phiếu chứng khoán và bất động sản với mong muốn nhóm này sẽ hồi phục trong tuần này. Trái ngược với kỳ vọng, nhóm cổ phiếu này giảm sâu khiến tài khoản của anh bay hơi trong phút chốc, muốn bán cũng bất lực vì không có người mua.
Dù không nắm cổ phiếu "họ FLC", bất động sản hay bank – chứng – thép, nhưng tài khoản anh D.T vẫn âm 30%. Anh cho biết những cổ phiếu anh cầm thuộc nhóm khai khoáng, than, thuỷ sản đều lao dốc mạnh.
"Mấy hôm trước còn mừng Tết năm nay bánh chưng có thịt, ai ngờ đâu giờ không thoát được hàng, tài khoản âm liên tục", anh D.T cho biết.
Lý giải về đà giảm sốc của thị trường trong phiên hôm nay, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng có ba nguyên nhân chính:
Chuyên gia cho rằng nguyên nhân đầu tiên đến từ những thông tin tiêu cực đã kích hoạt tâm lý hoảng loạn của nhiều nhà đầu tư. Thông thường, nhà đầu tư thường có tâm lý rút tiền về trước khi nghỉ Tết Nguyên Đán để bảo toàn tài sản. Do đó, những thông tin "đầy sóng gió" đến từ họ cổ phiếu FLC hay thông tin bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm của Tân Hoàng Minh lại càng khiến nhà đầu tư có lý do để bán. Qua quan sát có thể thấy, những thông tin này khiến tâm lý nhà đầu tư thất vọng, cộng thêm hiệu ứng domino đã dẫn đến áp lực bán tống bán tháo bung ra mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, việc mất thanh khoản của dòng đầu cơ khiến các nhóm ngành khác bị ảnh hưởng. Theo đó, một phần các cổ phiếu cơ bản bị bán do ảnh hưởng bởi hoạt động giải chấp margin ở các tài khoản căng margin khi các cổ phiếu đầu cơ giảm sâu mất thanh khoản. Cụ thể, khi các công ty chứng khoán hoặc các tổ chức không bán được những cổ phiếu nằm sàn hàng loạt thì việc giải chấp hoặc bán chủ động sẽ là ở các mã khác trong danh mục nhằm mục đích thu hồi vốn.
Cuối cùng là do nhóm chứng khoán - một trong những nhóm "trụ" của thị trường cũng diễn biến tiêu cực do gắn với hoạt động margin ở nhiều cổ phiếu đầu cơ nóng thời gian qua