Nhà đầu tư Hàn Quốc bật mí "khẩu vị" tại Việt Nam đã thay đổi như thế nào?
Làn sóng đầu tư thứ 3 của Hàn đang đi vào ngành tiêu dùng và bán lẻ. Còn làn sóng thứ 4, ngân hàng, tài chính, fintech chính là những "miếng bánh" hấp dẫn.
Luỹ kế đến ngày 20/6/2018, Hàn Quốc đứng đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Tổng vốn đăng ký của quốc gia này là 61,67 tỷ USD, chiếm 18,6%. Kế đó là Nhật Bản (55,45 tỷ USD), Singapore và Đài Loan.
Dù vậy, dòng vốn đã có nhiều thay đổi, theo Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc - Kocham.
Theo phân tích, ban đầu, các doanh nghiệp Hàn hướng tới các dự án thâm dụng lao động như dệt may, da giày... Đến giữa những năm 2000, các doanh nghiệp Hàn chuyển hướng sang lĩnh vực điện tử.
"Như vậy, giá trị đầu tư đã được thay đổi, tăng lên và có chất lượng hơn", Kocham nói và cho biết làn sóng đầu tư thứ 3 của Hàn đang đi vào ngành tiêu dùng và bán lẻ. Còn trong tương lai gần, làn sóng thứ 4, ngân hàng, tài chính, fintech chính là những "miếng bánh" hấp dẫn.
Với sự thay đổi này, phía Kocham giải thích, ở giai đoạn đầu, các ông chủ người Hàn đến Việt Nam nhằm tận dụng lợi thế thị trường sản xuất như nhân công giá rẻ, các ưu đãi về đầu tư. Nhưng dần dần, các doanh nghiệp Hàn bị "chinh phục" bởi những con số dự báo rất lớn về thị trường tiêu dùng.
"Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu dùng hàng đầu của khu vực châu Á trong thời gian tới", phía Kocham bày tỏ.
Đại diện này cho biết, trong 5 tháng đầu năm, Kocham đã tiếp đón, gặp gỡ với khoảng 300 doanh nghiệp Hàn Quốc muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư hoặc mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.
"Thực tế, chúng tôi nhận được yêu cầu tìm hiểu cơ hội đầu tư từ các tổ chức tài chính, quỹ mạo hiểm. Kocham dự báo rằng có nhiều nhà đầu tư chiến lược cũng như nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam thông qua M&A trong thời gian tới", theo Kocham.
Thị trường M&A Việt Nam thời gian qua đã rất sôi động. Cụ thể, đã có trên 4.000 thương vụ với tổng giá trị đạt 48,8 tỷ USD được thực hiện trong giai đoạn 2009 – 2018.
Quy mô thị trường năm 2017 cũng đã tăng gấp 10 lần so với năm 2009. Năm 2017 cũng là năm tổng giá trị cao nhất trong một thập kỷ với 10,2 triệu tỷ USD, tăng trưởng 175% so với cùng kỳ trước đó, nhờ vào thương vụ Sabeco.
Trong năm 2018, dự kiến chưa có thương vụ nào lớn như Sabeco, nên giá trị được dự báo ước đạt 6,5 – 6,9 tỷ USD.
Trong năm 2018 và các năm tiếp theo, các thương vụ M&A được nhận định tiếp tục tập trung vào lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản. Ngoài ra, các lĩnh vực viễn thông, năng lượng, hạ tầng, dược phẩm, giáo dục được kỳ vọng sẽ đóng góp giá trị đáng kể cho hoạt động M&A.
Nguyên nhân ngành sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm đồ uống và bán lẻ vẫn là mục tiêu của các nhà đầu tư là bởi tốc độ tăng trưởng và nhu cầu tiêu dùng cao của thị trường. Với một lực lượng dân số trên 90 triệu dân, đang trong giai đoạn vàng, các thương vụ trong lĩnh vực hàng tiêu dùng rất được quan tâm.
M&A trong những năm trở lại đây được xem là "cánh cửa" cho dòng vốn FDI đi qua. Bởi thay vì đầu tư vào Việt Nam với các dự án mới, nhiều công ty nước ngoài đang tiến hành các dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam qua con đường mua bán và sáp nhập những công ty có sẵn.