MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà đầu tư Hoa Kỳ quan tâm lĩnh vực nào nhất tại Đồng bằng sông Cửu Long?

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam. Ảnh TL

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam. Ảnh TL

Chia sẻ tại Hội nghị "Xu thế mới trong thương mại, đầu tư" tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn ra tại Cần Thơ, ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) cho biết, năng lượng và nông nghiệp là hai lĩnh vực được các doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm nhiều nhất tại khu vực này.

Nhà đầu tư Hoa Kỳ quan tâm lĩnh vực nào nhất tại Đồng bằng sông Cửu Long? - Ảnh 1.

Chia sẻ tại Hội nghị "Xu thế mới trong thương mại, đầu tư", Chủ tịch AmCham cho biết đầu tư năng lượng, nông nghiệp tại ĐBSCL đang thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp Hoa Kỳ . Ảnh An Hòa

Hấp dẫn các dự án năng lượng

Theo ông John Rockhold, Chủ tịch AmCham, tăng trưởng kinh tế đã làm gia tăng đáng kể nhu cầu về điện và ước tính trong thập niên tới, Việt Nam sẽ cần khoảng 10 tỷ USD đầu tư cho lĩnh vực năng lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Việt Nam cũng đang trong giai đoạn chuyển đổi năng lượng để đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 như cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Cop 26.

Quá trình chuyển đổi năng lượng, Việt Nam đã nhấn mạnh vai trò của điện gió và điện mặt trời trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII, đây là hướng đi rất đúng đắn.

Khu vực ĐBSCL tuy chỉ chiếm khoảng 20% về đường bờ biển của Việt Nam nhưng nơi đây lại có tiềm năng phát triển điện gió, điện sóng, thủy triều rất tuyệt vời nhờ ít bão, sức gió ổn định.

Mặc dù cơ sở hạ tầng giao thông kết nối vùng này chưa được tốt nhưng đối với lĩnh vực đầu tư điện gió cũng không phục thuộc quá nhiều vào hạ tầng, chính vì thế, lĩnh vực đầu tư điện gió đang rất hấp dẫn nhà đầu tư Hoa Kỳ tại khu vực ĐBSCL. Bên cạnh đó, năm 2023, AmCham có kế hoạch khởi động dự án mang tên “Kế hoạch sản xuất năng lượng tại Việt Nam”, đây là dự án nhằm hỗ trợ phát triển chính sách, tiếp cận nguồn vốn tín dụng phát triển thị trường năng lượng sạch tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông John đề xuất, để có thể thu hút mạnh nguồn vốn FDI vào lĩnh vực đầu tư điện gió trong thấp kỷ tới thì trước tiên là Chính phủ Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư trong lĩnh vực này như phê duyệt Quy hoạch Điện VIII, xây dựng cơ chế đấu thầu, ban hành giá FIT mới; áp dụng thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA). Đồng thời Chính phủ Việt Nam cũng cần bổ sung đại diện khu vực kinh tế tư nhân đầu tư hạ tầng ngành điện và đại diện ngân hàng cấp tín dụng cho các dự án điện.

"Hiện nay còn nhiều dự án điện gió, điện mặt trời với công suất quy mô hàng nghìn MW chưa được đấu nối do chính sách giá FIT bị gián đoạn, lưới truyền tải không đủ đáp ứng để giải tỏa công suất. Điều này đang đã dấy lên lo ngại từ các nhà đầu tư tiềm năng khác. Do đó chính sách thu hút đầu tư trên lĩnh vực năng lượng trong thời gian tới rất cần sự ổn định trong dài hạn", ông John đề xuất.

Nông nghiệp tại ĐBSCL "dự địa" rất lớn thu hút vốn FDI

Theo ông John Rockhold, Chủ tịch AmCham, ĐBSCL chiếm gần 35% GDP của ngành nông nghiệp Việt Nam khi đóng góp đến 54% sản lượng lúa, 70% sản lượng thủy sản. ĐBSCL là vùng đất rất trù phú trong sản xuất nông nghiệp và có đóng góp lớn cho an ninh lương thực thế giới.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế, mặc dù sản lượng, kim ngạch xuất khẩu tăng hàng năm nhưng thu nhập của người nông dân, nhân tố chính trong chuỗi sản xuất thì hầu như không tăng. Các vấn đề về diễn biến thời tiết, xâm nhập mặn đòi hỏi phải chọn lọc kỹ lưỡng về giống và phương pháp canh tác mới để phù hợp với biến đổi khí hậu và điều kiện thổ nhưỡng. Cùng với đó là nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng sản xuất cũng rất lớn.

"Việt Nam nói chung, khu vực ĐBSCL nói riêng đang đứng trước cơ hội lựa chọn, tiếp nhận vốn đầu tư FDI rất lớn. Tuy nhiên, Việt Nam cần lựa chọn các dự án FDI tạo ra sự liên kết chặt chẽ, tạo hiệu ứng lan tỏa về năng suất, công nghệ, kết nối chuỗi cung ứng khu vực ĐBSCL với cả nước và toàn cầu", ông John khuyến nghị.

Nhận định về tiềm năng phát triển nông, thủy sản khu vực ĐBSCL, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, trong nhiều năm qua, Hoa Kỳ là đối tác thương mại đầu tư lớn của Việt Nam.

Với việc Việt Nam hội nhập sâu rộng với các nền kinh tế thế giới, cụ thể Việt Nam là thành viên của 15 hiệp định thương mại tự do và đang tiếp tục đàm phán 3 hiệp định khác. Trong đó có những hiệp định FTA đã dành những ưu đãi thuế quan cho nông, thủy sản của Việt Nam ở mức cao nhất ngay từ khi hiệp định có hiệu lực.

Một số ví dụ về ưu đãi thuế FTA rất có lợi cho hàng hóa Việt Nam như EVFTA, ngay từ khi hiệp định này có hiệu lực (tháng 8/2020), 27 quốc gia thành viên đã áp dụng xóa ngay 100% thuế đối với rau quả, hạt tiêu, han ngạch 80.000 tấn gạo/năm; xóa từ 50%-100% dòng thuế mặt hàng thủy sản đối với hàng hóa đến từ Việt Nam.

Ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng dành mức ưu đãi khá cao cho hàng hóa đến từ Việt Nam như: xóa bỏ thuế quan ngay đối với rau quả tươi, 8 quốc gia xóa bỏ thuế quan ngay cho mặt hàng gạo, 2 quốc gia xóa bỏ thuế quan ngay cho mặt hàng thủy sản; cam kết lộ trình xóa bỏ thuế quan cho các mặt hàng khác.

"Hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP cũng cam kết mở cửa mạnh cho đầu tư vào nông nghiệp, mở cửa cho dịch vụ phục vụ nông nghiệp, từ đó cơ hội thu hút nguồn vốn FDI vào lĩnh vực này dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới", bà Trang nhận định.

"Chúng tôi hoan nghênh Việt Nam đã hội nhập kinh tế với tư cách là thành viên của CPTPP, RCEP, IPEF bên cạnh các hiệp định tự do thương mại khu vực và song phương khác.

Việt Nam là nhà cung cấp hàng hóa lớn thứ 6 của Hoa Kỳ. Năm 2021, Hoa Kỳ nhập khẩu 101,9 tỷ USD hàng hóa từ Việt Nam, tăng 28,3% so với năm 2020 và năm nay vẫn tiếp tục tăng. So với năm 2011, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng khoảng 5 lần. Điều này đã đưa Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Đặc biệt, hướng tới, Hoa Kỳ sẽ gia nhập CPTPP, với tư cách là đồng thành viên của CPTTP sẽ giúp tăng cường quan hệ đối tác thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ thông qua khuôn khổ kinh tế IPEF và CPTPP", ông John Rockhold, Chủ tịch AmCham kỳ vọng.

Với kim ngạch thương mại song phương vượt mốc 100 tỷ USD, Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam. Tính đến tháng hết 10/2022, Hoa Kỳ có 1.203 dự án tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký xấp xỉ 11,5 tỷ USD, đứng ở vị trí số 11 trong số các quốc gia có dự án đầu tư tại Việt Nam.

Theo An Hoà

Nhà đầu tư

Trở lên trên