MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà đầu tư kỳ vọng cơ chế đột phá hơn nữa trong dự thảo luật PPP

Chia sẻ phần lỗ do nguyên nhân là chính sách pháp luật hoặc quy hoạch Nhà nước có sự thay đổi, làm doanh nghiệp bị lỗ.

Đây là thông điệp được cộng đồng doanh nghiệp đưa ra tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Luật PPP có đủ hấp dẫn nhà đầu tư ngoại?”. Tọa đàm do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ phối hợp tổ chức hôm nay (13/5).

Nhà đầu tư kỳ vọng cơ chế đột phá hơn nữa trong dự thảo luật PPP - Ảnh 1.

Dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) được trình Quốc hội xem xét vào Kỳ họp cuối tháng 5 này.

Theo kế hoạch, dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) được trình Quốc hội xem xét vào Kỳ họp cuối tháng 5 này. Đây là dự thảo Luật được nhà đầu tư rất quan tâm. Đặc biệt, các nhà đầu tư nước ngoài, vốn có năng lực về tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm đầu tư quốc tế đang đặt kỳ vọng rất lớn vào việc tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như giao thông, năng lượng…. là những lĩnh vực Việt Nam đang còn yếu và có rất nhiều dư địa phát triển.

Do đó, thời gian vừa qua, nhiều đối tác phát triển của Việt Nam, các tổ chức kinh tế quốc tế, đã gửi thư tham gia ý kiến vào nhiều nội dung, kể cả về chính sách cũng như vào thuật ngữ, câu chữ trong dự thảo Luật PPP.

Tổng hợp các vấn đề nhà đầu tư nước ngoài đặt ra, ông Phạm Ngọc Lâm, Phó Vụ trưởng Vụ kinh tế, Văn phòng Quốc hội cho biết: Cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, hiện nay dự thảo Luật mới bổ sung thêm 1 phương án nữa là chia sẻ phần lỗ do nguyên nhân là chính sách pháp luật hoặc quy hoạch Nhà nước có sự thay đổi, làm doanh nghiệp bị lỗ.

“Trong dự thảo này đang có 2 phương án để xin ý kiến đại biểu quốc hội. Ngoài ra ý kiến các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn có cơ chế bổ sung nguồn để chia sẻ doanh thu hoặc lỗ này, thì ngoài nguồn ngân sách Nhà nước đề xuất hình thành cơ chế quỹ, như kinh nghiệm các nước, hoặc thành lập ra một doanh nghiệp Nhà nước (chẳng hạn) để thực hiện nhiệm vụ bảo lãnh này”, ông Phạm Ngọc Lâm cho biết thêm.

Góp ý vào dự thảo luật PPP, các chuyên gia kinh tế nhìn nhận: Việc thiết kế và xây dựng Luật cũng như hợp đồng PPP phải thể hiện được nguyên tắc các đối tác bình đẳng trước pháp luật, đảm bảo lợi ích các bên hài hòa và rủi ro được chia sẻ. Do đó, vấn đề đặt ra là phải tạo điều kiện đàm phán linh hoạt, cơ chế thực thi thông thoáng, lĩnh vực hợp tác hấp dẫn và đa dạng để thu hút nhà đầu tư.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cơ quan đại diện cộng đồng doanh nghiệp nhấn mạnh: Ba điểm đột phá trong đường lối của Đảng, trong đó đột phá trong xây dựng cơ sở hạ tầng là một điểm đột phá. Điều này đòi hỏi xây dựng luật pháp về đối tác công tư cũng phải đạt yêu cầu đột phá, để có thể thúc đẩy sự đột phá trong lĩnh vực này.

“Chúng ta hiện đang có sự sa lầy trong quản lý đầu tư công. 30 tỷ USD – tiền tươi thóc thật - đang nằm trong túi của các bộ, ngành, các địa phương mà không thể giải ngân nổi, vì vướng mắc, vì rắc rối về thủ tục. Chúng ta nếu để cho PPP cũng rắc rối về thủ tục như vậy, thì không thể huy động được các nguồn lực cho sự phát triển”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, chúng ta đang đứng trước thời cơ vàng để thu hút nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài tham gia các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của quốc gia theo hình thức đối tác công tư PPP.

Bởi lẽ, thế giới đang tái cấu trúc và định hình lại các chuỗi giá trị sau dịch Covid-19, và Việt Nam có cơ hội lớn để đón nhận dòng dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài này. Nhưng muốn biến cơ hội thành dự án thực sự, thì phải có đột phá về thể chế - mà cụ thể được thể hiện qua Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đủ sức cạnh tranh trong thu hút dòng vốn đầu tư với các nền kinh tế đã có nhiều kinh nghiệm triển khai hình thức đầu tư theo mô hình đối tác công tư – PPP./.

Theo Trung Hiếu

VOV

Trở lên trên