Nhà đầu tư 'mắc kẹt' trong những lô đất lớn
Nhiều người "ôm" đất lô lớn mong mua nhanh bán nhanh nhưng chưa thể bán được trong giai đoạn này. Nhà đầu tư có kinh nghiệm nhận định thị trường hiện tại có nhiều bất lợi cho giao dịch lô lớn như thanh khoản kém, dòng tiền bị chặn, cả người bán và người mua đều gặp khó trong thu xếp tài chính...
Buôn đất lô lớn gặp khó
Cách đây 2 năm, ông T.V.Tường (Quận Bình Thạnh, TP HCM) mua lô đất khoảng 1.000 m2 tại xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, TP HCM. Tất cả đều là đất ở tại nông thôn, còn lại một phần rất nhỏ diện tích đất trồng cây lâu năm và đất chuyên trồng lúa nước. Khi người người, nhà nhà gom mua đất lô lớn, ông kỳ vọng có thể phân lô, giá lên là bán.
Tuy nhiên, vướng phải dịch Covid-19, thị trường tạm thời gián đoạn, kinh tế có phần khó khăn, số tiền lãi vay ngân hàng hàng tháng khó có thể chi trả, ông quyết định rao bán tài sản với giá 27 tỷ đồng (thấp hơn 2 tỷ đồng so với giá ngân hàng định giá). Song, từ đầu năm tới nay, thị trường có nhiều yếu tố bất lợi, khách mua gặp khó với thủ tục vay ngân hàng nên ít người hỏi mua, ông đành chào giá thương lượng còn 26 tỷ đồng, hi vọng chốt được. Nhưng, hàng tháng trời trôi qua, khách thì chưa tới mà ông vẫn phải trả lãi ngân hàng đều đều.
Ông N.Đ.Sinh (quận 12, TP HCM) rao bán 35.000 m2 đất khu công nghiệp trong KCN Tân Bình, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương với giá 200 tỷ đồng. Ông chủ này cho biết đang cho thuê với số tiền 1,6 tỷ đồng mỗi tháng. Vì một vài lý do, ông muốn bán đi, có thể chấp nhận thương lượng 190 tỷ đồng. Mặc dù liên hệ với nhiều môi giới cũng như đăng tin bán ở các diễn đàn nhà đất nhưng nửa năm trôi qua, miếng đất vẫn chưa thể đổi chủ.
Một nhà đầu tư bất động sản cá nhân có kinh nghiệm nhiều năm trên thị trường (đề nghị giấu tên) nói nhiều người chọn hình thức đầu tư lô đất lớn để dễ phân lô, bán nền. Nếu thị trường thuận lợi, trong vòng 3-6 tháng thực hiện các thủ tục chia lô đất lớn thành các lô nhỏ, chủ đất đã có thể rao bán và thu về lợi nhuận cao, từ 50% trở lên, thậm chí giai đoạn cao điểm có thể lên tới 100%. Tuy nhiên ở giai đoạn hiện nay, khi thị trường chững lại, thanh khoản kém, dòng tiền bị chặn, cả người bán và người mua đều gặp khó trong thu xếp tài chính… thì việc đầu tư lô lớn lại có rủi ro. Chưa kể, nhiều địa phương "siết" phân lô bán nền, quy định chặt chẽ hơn với việc tách thửa đất thì việc chia lô cũng không còn thuận lợi như trước.
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam cho biết việc nhiều nhà đầu tư cá nhân trên thị trường rao bán giảm giá đất không thể đại diện cho số đông. Một khu đất có thanh khoản phụ thuộc vào nhiều yếu tố như hạ tầng, vị trí, tiện ích, khả năng giao dịch của thị trường…. Do đó, việc bán được hay không cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vậy. Ngoài ra, về mức giá, ông Khương nhận định sẽ rất ít người phải cắt lỗ, họ chỉ giảm phần lợi nhuận chênh lệch.
Nhà đất, đất nền dự án vẫn được quan tâm ở nhiều địa phương. Ảnh minh họa: Thu Hằng
Nhà đất vẫn được quan tâm ở nhiều nơi
Theo báo cáo của Batdongsan.com, đất nền dự án và nhà đất trong 5 tháng đầu năm vẫn được quan tâm ở nhiều địa phương. Dữ liệu cho thấy tại Bà Rịa - Vũng Tàu, đất nền dự án có diện tích 100 - 200 m2 được tìm kiếm nhiều nhất, mức giá dao động 10 - 30 triệu đồng/m2. Mặt bằng giá rao bán đất nền nhiều nơi tăng so với cùng kỳ năm trước, như thị xã Phú Mỹ tăng 22%, Vũng Tàu, Long Điền, Bà Rịa cũng tăng lần lượt ở mức 13%, 10% và 6%.
Tại Đồng Nai, đất nền dự án cũng được quan tâm nhiều, với diện tích 100 - 200 m2, giá 20 - 30 triệu đồng mỗi m2. Điều này được lý giải bởi nguồn cung tại TP HCM khan hiếm, quỹ đất ngày càng hạn hẹp khiến các nhà đầu tư, doanh nghiệp đổ về các thị trường vệ tinh mà nổi bật là Đồng Nai.
Còn theo báo cáo của DKRA Việt Nam, trong tháng 5, đất nền dự án mới chào bán phía Nam tập trung chủ yếu tại Bình Dương, Long An, chiếm 92% nguồn cung thị trường. Chi phí nguyên vật liệu tăng và việc siết tín dụng tiếp tục đẩy mặt bằng giá sơ cấp nhà phố, biệt thự tại các tỉnh phụ cận này tăng 10-20% so với đợt mở bán trước đó (mỗi đợt cách nhau 3-5 tháng).
Ông Nguyễn Thanh Quyền, Tổng giám đốc Thắng Lợi Group nói các dòng vốn đổ vào thị trường bất động sản liền thổ hiện nay có thời gian chờ khá lâu. Nhà đầu tư thường phải nắm giữ trên dưới 3 năm mới bắt đầu ghi nhận biên lợi nhuận tốt và có nhiều cơ hội chốt lời. Nhà đầu tư "lướt sóng" không phù hợp với thị trường đất nền, nhà phố, biệt thự.
Người đồng hành