Nhà đầu tư mạnh tay bán tháo cổ phiếu Tencent, gần 100 tỷ USD vốn hoá bị "thổi bay"
Theo Bloomberg, tình trạng bán tháo Tencent đang phải đối mặt có thể sẽ còn tồi tệ hơn rất nhiều sau khi giá cổ phiếu của công ty này đã trượt khỏi ngưỡng hỗ trợ quan trọng.
- 24-10-2019Cổ phiếu giá trị nhất Châu Á bị bán tháo 54 triệu USD chỉ trong 2 ngày, gần như mất ngưỡng hỗ trợ quan trọng
- 22-10-2019Cổ phiếu của "Quốc tửu" Trung Quốc tăng 123% chỉ trong vòng 1 năm, vốn hoá còn cao hơn cả Pepsi và Boeing
- 18-10-2019Nhật Bản hạn chế người nước ngoài sở hữu cổ phiếu
- 12-03-2019Tencent "bành trướng" với một loạt khoản đầu tư nước ngoài, sở hữu danh mục đầu tư sắp đạt tới giá trị của quỹ Vision
Ở phiên giao dịch chiều ngày 24/10, cổ phiếu của công ty lớn nhất châu Á giảm 0,3% trên sàn Hồng Kông, dù thị trường đang chứng kiến sự khởi sắc. Hiện tại, cổ phiếu Tencent đang giao dịch thấp hơn mức chủ chốt là 320 HKD.
Trước đó, cổ phiếu này cũng đứng trên bờ vực 3 lần nhưng đã vượt qua. Kể từ khi lập đỉnh vào tháng 4, cổ phiếu của "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc đã giảm 20%, tương đương với khoảng 93 tỷ USD vốn hoá. Trong 2 ngày đầu tuần, nhà đầu tư đại lục đã bán ròng 54 triệu USD cổ phiếu Tencent, đưa mức sụt giảm xuống 2,3%.
Dù cổ phiếu Tencent đang mắc kẹt trong xu hướng đi xuống ở nhiều tháng nay, thì tình trạng bán tháo mạnh vẫn tiếp tục diễn ra tồi tệ hơn vào đầu tuần này dù nguyên nhân vẫn chưa rõ ràng. Nhiều ý kiến phỏng đoán rằng đà giảm xảy ra do tâm lý không vững vàng của nhà đầu tư Trung Quốc, cùng với đó là những lo ngại xoay quanh việc Tencent quyết định phát sóng các trận đấu của Hiệp hội Bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA) có thể gây "tác dụng ngược" cho công ty.
Trước đó, Daryl Morey, quản lý cấp cao của đội bóng Houston Rockets, đã đăng lên trang Twitter cá nhân hình ảnh một câu slogan ủng hộ những người biểu tình ở Hồng Kông. Dòng tweet ngay lập tức khiến người cư dân mạng Trung Quốc "dậy sóng". Do đó, một trong những đội bóng rổ nhà nghề của Mỹ từng rất được yêu thích tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ngay lập tức vấp phải làn sóng chỉ trích nặng nề và nghiêm trọng hơn là động thái tẩy chay của một loạt doanh nghiệp cùng đài truyền hình trung ương.
Cổ phiếu của công ty lớn nhất châu Á rớt khỏi ngưỡng hỗ trợ quan trọng - 320 HKD/cổ phiếu.
Theo đó, công ty sản xuất đồ tập Li Ning và trung tâm thẻ tín dụng của ngân hàng Shanghai Pudong Development Bank đã tuyên bố tạm ngừng hợp tác với Houston Rockets. Đài truyền hình quốc gia CCTV và tập đoàn Tencent cho biết sẽ ngừng phát sóng những trận đấu của đội bóng này. Hôm 23/10, trong ngày khai mạc mùa giải, CCTV cũng không phát sóng bất kỳ trận đấu nào của NBA như mọi năm. Trong khi đó, điều bất ngờ là Tencent lại đưa ra quyết định ngược lại.
Ngoài ra, giá cổ phiếu Tencent còn chịu áp lực từ việc một cơ quan truyền thông địa phương đưa tin Trung Quốc đang cân nhắc sửa đổi luật để kiểm soát hoạt động chơi game của giới trẻ. Trong khi đó, kinh doanh video game là một trong những lĩnh vực béo bở, mang về lợi nhuận cao nhất cho Tencent. Theo dự kiến, "gã khổng lồ" công nghệ sẽ phát hành báo cáo kinh doanh quý III vào ngày 13/11 trong bối cảnh sức ép trên thị trường chứng khoán tiếp tục gia tăng.
Cách đây 1 năm, cổ phiếu của Tencent cũng chứng kiến tình trạng bán tháo kỷ lục, khiến 214 tỷ USD bị thổi bay, trở thành công ty niêm yết có giá trị sụt giảm mạnh nhất của năm. Đà sụt giảm này đã đảo ngược hoàn toàn những thành quả mà cổ phiếu Tencent từng đạt được kể từ khi IPO cho tới hết tháng 1 năm ngoái. Trong khoảng thời gian đó, cổ phiếu Tencent tăng 67.000%, trở thành cổ phiếu lớn có mức tăng mạnh nhất trên toàn cầu.