Nhà đầu tư nên rót vốn vào đâu trong bối cảnh hiện nay?
Câu hỏi trên đặt ra trong bối cảnh nền kinh tế và các kênh đầu tư chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
- 30-04-2020Sẽ bổ sung vốn điều lệ cho Agribank và VAMC trong quý 2/2020
- 30-04-2020Vay vốn mùa Covid với lãi suất chỉ từ 5%/năm
- 28-04-2020NHNN lên kế hoạch tái cấp vốn 16.000 tỷ đồng, cho vay lãi suất 0% để trả lương lao động ngừng việc do Covid-19
Khó có một câu trả lời chung cho tất cả, do có nhiều yếu tố cấu thành quyết định của mỗi nhà đầu tư, như: quy mô vốn, khẩu vị rủi ro mỗi người, đặc điểm thanh khoản của mỗi kênh…
Tuy nhiên, câu hỏi trên được Công ty Chứng khoán TechcomSecurities (TCBS) đặt ra trong một báo cáo vừa công bố, cùng định hình chung về các kênh đầu tư phổ biến và khá đại chúng hiện nay.
Vàng đã tăng giá khá mạnh
Vàng vẫn là kênh đầu tư tốt trong giai đoạn kinh tế có nhiều rủi ro, như bối cảnh có ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, TCBS cho rằng, nhà đầu tư cần thận trọng do tài sản này đã tăng khá mạnh.
Cụ thể, giá vàng tăng liên tục kể từ đầu năm 2019, đạt đỉnh 49 triệu đồng/lượng ngày 24/02/2020 (ứng với mức tăng khoảng 34%) và hiện trong giai đoạn điều chỉnh xuống khi các gói hỗ trợ kinh tế được công bố trên toàn cầu.
Với một kênh đã tăng giá khá mạnh, tiềm năng tiếp tục tạo những đỉnh giá cao hơn nữa, hay tỷ suất đầu tư mới cao hơn nữa có thể trở nên hạn chế.
Trong khi đó, tại Việt Nam, giá vàng vẫn có “đời sống riêng”, nhiều giai đoạn nằm thấp hơn nhiều so với giá thế giới.
TCBS cũng lưu ý rằng, Ngân hàng Nhà nước cũng có thể can thiệp khi xuất hiện những cơn sốt nào đó, như cho phép nhập khẩu vàng để điều tiết thị trường đã từng thể hiện trong giai đoạn 2010-2013 khiến giá vàng giảm.
Ngoại tệ có những “ràng buộc”
Với ngoại tệ, điểm đến phổ biến trong đầu tư đại chúng tại Việt Nam là đồng đô la Mỹ (USD). Nhưng theo TCBS, ngoại tệ chưa hẳn là kênh đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh hiện nay, do tỷ giá USD/VND kỳ vọng sẽ ổn định hơn đáng kể so với giai đoạn 2007-2009.
Tỷ giá USD/VND vẫn trong tầm kiểm soát do Việt Nam mong muốn và có nguồn lực lớn hơn nhiều để ổn định tỷ giá so với giai đoạn 2007-2009. Giai đoạn 2007-2009 được so sánh, bởi đây là quãng ảnh hưởng khủng hoảng tài chính toàn cầu và tỷ giá USD/VND cũng liên tục tăng, rồi leo thang những năm sau đó.
Còn hiện nay, ổn định vĩ mô, tỷ giá là mục tiêu hàng đầu của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Và theo TCBS, dự trữ ngoại hối của Việt Nam liên tục tăng, đạt mức 83 tỷ USD vào tháng 3/2020, chiếm 33% GDP, là nguồn lực lớn để chủ động thực hiện mục tiêu đó. 3 tháng đầu năm, thặng dư thương mại của Việt Nam cũng đạt khoảng 3 tỷ USD.
Mặt khác, thị trường trái phiếu Chính phủ Việt Nam (chiếm hơn 25% GDP) chủ yếu huy động trong nước, tránh rủi ro bị rút vốn khiến VND mất giá.
Một điểm nữa mà TCBS đề cập đến là lãi suất tiền gửi của Việt Nam đang hấp dẫn so với nhiều nước trong khu vực, do đó vẫn thu hút các dòng vốn ngoại với mục đích hưởng chênh lệch lãi suất.
Có một yếu tố nữa mà báo cáo của TCBS không đề cập đến, nhưng có ảnh hưởng đáng để ý khi xét USD là một kênh đầu tư hiện nay. Đó là biến động tỷ giá USD/VND trở thành một trong những điểm được quan tâm ở các kỳ đánh giá của Mỹ, trong vấn đề xem xét khả năng “thao túng tiền tệ” với nhiều quốc gia (trong đó có Việt Nam) nổi lên hai năm gần đây.
Bất động sản cần chờ đợi?
Với bất động sản, theo TCBS, nhà đầu tư chỉ cân nhắc rót vốn nếu có trong tay nguồn tiền mặt dồi dào, tìm được sản phẩm tốt với giá hợp lý để đầu tư dài hạn, không nên sử dụng đòn bẩy tài chính trong giai đoạn này vì bất động sản khá nhạy cảm với các cuộc suy thoái.
Báo cáo của công ty chứng khoán này nhận định, thị trường bất động sản Việt Nam đang chững lại, cần chờ đợi đến khi khởi sắc. Khả năng bất động sản tăng giá trong ngắn hạn 2020 là tương đối thấp, đặc biệt với những bất động sản đầu cơ, không phục vụ nhu cầu ở thực như bất động sản nghỉ dưỡng, cho thuê, khách sạn… do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
VN-Index từng tăng tới 140% khi hồi phục trước đây
Trong các kênh đầu tư, chứng khoán ngày càng trở nên đại chúng tại Việt Nam. Kênh này cũng trở nên phù hợp bởi linh hoạt về quy mô vốn, có tính thanh khoản cao.
TCBS cho rằng, thị trường cổ phiếu đã giảm mạnh, nhà đầu tư có thể xem xét giải ngân khi dịch bệnh được kiểm soát tốt.
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, VN-Index đã mất hơn 30% giá trị sau 3 tháng. Do dịch bệnh chưa có dấu hiệu kết thúc, TCBS khuyến nghị nhà đầu tư nên tạm thời đứng ngoài thị trường trong tình hình hiện nay.
Tuy nhiên, cổ phiếu vẫn là kênh đầu tư có tỷ suất sinh lời hấp dẫn, thanh khoản cao và thường hồi phục sau khi tạo đáy. TCBS dẫn ví dụ, VN-Index từng đạt mức tăng khoảng 140% chỉ trong vòng 8 tháng năm 2009, khi thị trường hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
“Suy thoái là cơ hội để các nhà đầu tư mua được cổ phiếu tốt với mức chiết khấu cao. Nhà đầu tư nên theo dõi sát sao và thực hiện giải ngân khi thị trường có dấu hiệu phục hồi rõ ràng”, báo cáo của TCBS nêu khuyến nghị.
Gửi tiết kiệm kém hấp dẫn
Theo TCBS, tiền gửi tiết kiệm có lãi suất ổn định nhưng không hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác như trái phiếu doanh nghiệp...
Công ty chứng khoán này dự tính, lãi suất tiết kiệm có thể tiếp tục giảm do những tháng đầu năm 2020, ngân hàng đang có quá nhiều tiền mặt, trong khi không thể đẩy mạnh cho vay ra nền kinh tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Thậm chí TCBS còn nêu tình huống lãi suất tiền gửi thực tế có thể bị âm như trong cuộc khủng khoảng kinh tế 2007-2009, do lạm phát bị đẩy lên mức rất cao. Theo đó, diễn biến của lạm phát trở thành một tham chiếu khi chọn kênh gửi tiết kiệm.
Dù vậy, năm nay, yếu tố lạm phát và diễn biến thực tế đã và đang khác xa với giai đoạn phi mã trước đây.
Lựa chọn mới - Trái phiếu doanh nghiệp
Hai năm qua, đặc biệt trong năm 2019, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam phát triển mạnh. Điểm mới, kênh này đang dần thu hút sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân.
TCBS cho rằng, trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt của những tổ chức phát hành uy tín, là sự lựa chọn mới cho các nhà đầu tư trong giai đoạn suy thoái của nền kinh tế.
Trái phiếu doanh nghiệp mang lại mức lợi tức từ 9-10%/năm, thường cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm từ 2-3%/năm. Do thông lệ và đặc thù thị trường hiện nay, trái tức của trái phiếu doanh nghiệp thường được tính theo lãi suất tiền gửi cộng với một biên độ nhất định.
Tuy nhiên, cũng là đặc điểm của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam, vẫn còn những hạn chế nhất định để kênh này trở nên đại chúng và mở rộng với các nhà đầu tư cá nhân, như về minh bạch thông tin, hạng mức tín nhiệm nhà phát hành, khả năng phân tích rủi ro của nhà đầu tư…
Theo đó, lựa chọn mới này, dù có lợi tức khá hấp dẫn nhưng tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro của mỗi nhà đầu tư.
BizLive