Nhà đầu tư ngoại đồng loạt kiến nghị ‘nóng’ về thị thực
Sáng 19/3, tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2023 (VBF 2023), các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, tổ chức tài chính quốc tế đã gửi nhiều đề xuất, kiến nghị tới Chính phủ Việt Nam. Trong đó, vấn đề thị thực liên tục được đề cập.
- 19-03-2023Bến Tre đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch
- 19-03-2023Vốn cho doanh nghiệp: Cần giải pháp trước mắt và lâu dài
- 19-03-2023Quảng Ninh ‘chào thua’ dự án đường sắt 7.600 tỷ đồng ‘bất động’ gần 20 năm
Đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh
Tại diễn đàn, Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (Amcham) kiến nghị đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh để hỗ trợ trao đổi kinh doanh quốc tế. Theo Amcham, yêu cầu cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Hiện, nhiều tổ chức nước ngoài có kế hoạch thành lập đại diện thương mại tại Việt Nam do chưa có người bảo lãnh để xin cấp thị thực cho lao động nước ngoài của mình.
Đại diện Amcham đề xuất đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính.
Theo đó, Amcham đề xuất đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, như: Bỏ quy định phải hợp pháp hóa hồ sơ để xin giấy phép lao động; mở rộng chính sách cấp thị thực điện tử và miễn thị thực để tạo điều kiện đi công tác; mở rộng cơ hội chuyển đổi mục đích sử dụng đối với thị thực cá nhân...
Amcham cũng đề xuất khôi phục khả năng gia hạn thị thực trong nước trong quá trình chờ xử lý giấy phép lao động. Hiện, việc gia hạn thị thực chỉ được phép kéo dài thêm 15 ngày, sau đó người đăng ký phải rời khỏi Việt Nam. Điều này tạo gánh nặng không đáng có, gây tốn kém, lãng phí thời gian cho người nộp đơn và người sử dụng lao động. Hiệp hội nhấn mạnh việc mở rộng thời hạn tối đa của thị thực kinh doanh (hiện nay là 30 ngày) và cho phép gia hạn thị thực kinh doanh trong nước.
Bên cạnh đó, theo Amcham, Nghị quyết 105/NQ-CP vừa hết hiệu lực đang gây khó khăn cho các công ty trong việc giữ chân lao động nước ngoài, và huy động thêm lao động mới do các quy định về giấy phép lao động nặng nề hơn theo Nghị định 152. Theo đó, AmCham khuyến nghị giữ nguyên một số điều của Nghị quyết 105, như: Không gắn tiêu chí bằng đại học trở lên với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài sẽ đảm nhận tại Việt Nam; chấp nhận giấy phép lao động đã được cấp trước đó đã là tài liệu khẳng định kinh nghiệm của một chuyên gia kỹ thuật; chấp nhận cá nhân có giấy phép lao động hợp lệ đi làm việc ở tỉnh khác trong thời hạn không quá 6 tháng mà không cần xin cấp lại giấy phép lao động…
Ông Hong Sun, Chủ tịch KOCHAM phát biểu tại VBF 2023.
Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) cũng nêu vướng mắc liên quan quy trình cấp giấy phép lao động, mất nhiều thời gian (2-6 tháng) do phải thực hiện các thủ tục bổ sung.
"Doanh nghiệp sẽ xử lý nhanh hơn nếu được hướng dẫn nhất quán ngay từ đầu. Hiệp hội đề nghị cơ quan liên quan ban hành hướng dẫn chính xác, nhất quán liên quan đến hồ sơ phải nộp. Kể từ tháng 2/2021, điều kiện cấp giấy phép lao động đã được thắt chặt hơn theo quy định của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP. Điều này dẫn đến việc người lao động sẽ không được cấp ‘Giấy phép lao động theo diện chuyên gia’ nếu kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tương ứng không đủ từ 3 năm trở lên", KOCHAM phản ánh.
Kéo dài thời hạn miễn thị thực cho du khách EU
Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) đề xuất miễn thị thực một tháng nên được mở rộng cho tất cả các nước EU và các nước có nhiều khách du lịch khác; thực hiện một chương trình riêng cấp thị thực cho những người về hưu du lịch tự túc trong ba đến sáu tháng.
Chủ tịch Eurocham nêu kiến nghị tại diễn đàn.
Theo Eurocham, thị trường Úc và New Zealand cũng như các quốc gia khác thuộc Liên minh châu Âu đều là thị trường tiềm năng với sức chi lớn, khoảng từ 100 - 150 USD/ ngày. Tuy nhiên, chính sách miễn thị thực chưa thỏa đáng với các quốc gia này
Đối với Úc và New Zealand, Eurocharm khuyến nghị cấp visa miễn thị thực với thời hạn 14 ngày và có thể tăng lên tối đa là 21 ngày, hoặc cấp visa tại sân bay với phí định trước không quá 20 USD/người.
Eurocharm cho biết, qua đại dịch, hành vi du lịch của du khách đã thay đổi. Họ đi du lịch với tần suất ít hơn, nhưng lại dành nhiều thời gian hơn tại mỗi điểm đến. Do đó, thời gian miễn thị thực thông thường không đủ để đẩy mạnh việc phục hồi ngành du lịch. Để bắt kịp xu hướng mới, Eurocharm khuyến nghị Việt Nam kéo dài thời hạn miễn thị thực lên 30 ngày.
Các hiệp hội thành viên liên kết (Associate Members) kêu gọi chính phủ xem xét khả năng cấp miễn thị thực cho người mang hộ chiếu Úc phù hợp với 25 quốc gia đã được miễn thị thực. Hiện có 25 quốc gia miễn thị thực cho du lịch ngắn hạn khi nhập cảnh, xuất cảnh và quá cảnh Việt Nam, thường là 15 ngày. Úc không được bao gồm trong danh sách này.
Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, sáng 19/3, VBF 2023 khai mạc tại Hà Nội. VBF là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp tham mưu cho Chính phủ các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xanh, bền vững; có cam kết, lộ trình cụ thể, nâng cao trách nhiệm cộng đồng của doanh nghiệp bên cạnh việc thực hiện đầu tư kinh doanh có hiệu quả; có trách nhiệm đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Tiền Phong