Nhà đầu tư ngoại góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp Việt: Tăng đột biến
Đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã có gần 5.000 lượt góp vốn, mua cổ phần ở các dự án trong nước, tăng gần 51% so với năm 2017.
Tăng hơn 50% so với cùng kỳ
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), đầu năm 2018 đến nay, cả nước có 4.551 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp gần 5,28 tỷ USD, tăng 50,9% so với cùng kỳ 2017. Riêng tháng 8/2018, sự gia tăng đột biến thể hiện qua việc nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần của 1.200 dự án, với tổng vốn đăng ký khoảng 490 triệu USD. Trong khi, 7 tháng trước đó, trung bình mỗi tháng, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư qua hình thức này ở mức 476 dự án.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với các dự án trong nước là một trong các hình thức của giao dịch mua bán sáp nhập (M&A). Đây cũng là cách được nhiều nhà đầu tư xem đánh giá có hiệu quả và nhanh nhất để xâm nhập thị trường và mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Làn sóng góp vốn, mua cổ phần các dự án trong nước đến từ nhà đầu tư của Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Ngoài ra, Nghị định số 60/2015/NĐ-CP cho phép tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các công ty niêm yết và công ty đại chúng từ 49% lên 100% (trừ một số công ty hoạt động trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện) giúp nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh đầu tư qua hình thức M&A nhiều hơn.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần tăng đột biến thể hiện sự thận trọng của nhà đầu tư nước ngoài với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Thay vì đầu tư các dự án mới phải thực hiện thủ tục đăng ký và thiếu chắc chắn, nhà đầu tư nước ngoài chọn mua cổ phần của DN có thương hiệu vững vàng trên thị trường.
Chủ yếu vào bất động sản
Theo thống kê, các thương vụ góp vốn, mua cổ phần trong thời gian qua chủ yếu đến từ lĩnh vực bất động sản. Một số giao dịch lớn tiêu biểu như thương vụ CVH Nereus Pte.Ltd (công ty con của Tập đoàn CapitaLand) mua lại 16,9 triệu cổ phiếu phổ thông, chiếm 99,5% vốn điều lệ của CTCP Hiền Đức Tây Hồ, khoảng 685 tỷ đồng (tương đương 29,8 triệu USD) vào tháng 3/2018.
Thương vụ của nhà đầu tư Keppel Land (Singapore) thâu tóm 10% cổ phần còn lại của Jencity Limited, cùng kế hoạch xây dựng một cộng đồng Saigon Sports City với khoảng 11,4 triệu USD. Với diện tích 64 ha, thành phố nhỏ này sẽ bao gồm khoảng 4.300 căn nhà cao cấp và trung tâm sống lý tưởng hàng đầu Việt Nam với đầy đủ cơ sở vật chất cho thể thao, giải trí, mua sắm và ăn uống.
Một thương vụ tiêu biểu khác như Quỹ đầu tư tư nhân Mỹ Warburg Pincus kết hợp với Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp Becamex IDC thành lập một liên doanh (có tên gọi Cty cổ phần phát triển công nghiệp BW) với tổng số vốn hơn 200 triệu USD để phát triển chuỗi logistics và bất động sản công nghiệp tại Việt Nam. Lĩnh vực hoạt động chính của đơn vị này phát triển và vận hành nhà kho và nhà xưởng xây sẵn và xây theo yêu cầu của khách hàng tại các khu kinh tế và khu công nghiệp.
Đánh giá về thị trường M&A tại Việt Nam, ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam cho rằng, M&A của thị trường Việt Nam đã tăng trưởng rất mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 17%/năm. “Xu hướng đầu tư thông qua hình thức M&A của các nhà đầu tư quốc tế tại Việt Nam không ngừng gia tăng. Trong nhiều năm tới, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục có lực hút M&A trong rất nhiều lĩnh vực, đồng nghĩa với việc nhà đầu tư góp vốn mua cổ phần các dự án trong nước ngày càng tăng”, ông Warrick Cleine dự báo.
Báo cáo nghiên cứu của Diễn đàn M&A Việt Nam cũng chỉ ra, năm 2018, ngành bất động sản chiếm tới 66,75% giá trị các thương vụ. Nhà đầu tư nước ngoài tập trung vào dự án bất động sản có lợi thế về diện tích đất, vị trí tốt như gần các bãi biển đẹp và hứa hẹn sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Theo chuyên gia của tập đoàn cung cấp các dịch vụ quản lý và đầu tư bất động sản chuyên nghiệp JLL, yếu tố tích cực thúc đẩy hoạt động M&A ở Việt Nam do 70% dân số Việt Nam trong độ tuổi 15-64, thu nhập khả dụng gia tăng, tốc độ đô thị hóa nhanh làm gia tăng tính hấp dẫn đối với thị trường bất động sản.
“Quỹ đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư vào bất động sản có vị trí tốt ở Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư sẵn sàng tham gia liên doanh, góp vốn với các chủ đầu tư Việt Nam có uy tín tốt. Lợi thế của các chủ đầu tư trong nước đó là sự thông hiểu về thị trường, hệ thống hành lang pháp lý, danh mục các bất động sản đã được xác lập trong khi các nhà đầu tư nước ngoài với tiềm lực về vốn và kinh nghiệm phát triển dự án sẽ làm tăng giá trị cho thị trường”, chuyên gia của JLL đánh giá.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu:
"Các DN được mua cổ phần đã được kiểm chứng hiệu quả kinh doanh trên thị trường. Nhà đầu tư dễ dự tính mức độ rủi ro của DN đang hoạt động hơn đầu tư dự án mới. Ở nước ngoài, chính sách kiểm soát nhà đầu tư FDI rất chặt chẽ. Nhưng tại Việt Nam dường như vẫn bỏ ngỏ những DN góp vốn, mua cổ phần, chưa quan tâm họ vào Việt Nam làm gì, có chuyển giao công nghệ hay không?".
Tiền phong