MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà đầu tư ngoại rút vốn khỏi thị trường – Con chim sợ cành cong?

09-03-2021 - 15:01 PM | Tài chính - ngân hàng

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Có lẽ nhà đầu tư ngoại đã quá thấm thía bài học từ Taper Tantrum 2013 nên lần này đã phản ứng có thể được nhiều người gọi là quá sớm, quá mức...

TS. Phan Minh Ngọc
TS. Phan Minh Ngọc
Công tác tại Singapore
211 bài viết

Mới hồi tháng 1 năm nay, tờ Financial Times có bài viết phấn khích đưa tin chỉ trong 3 tuần đầu của tháng đã có 17 tỷ USD vốn nước ngoài đổ vào 30 nước trong nhóm các thị trường mới nổi (EMs). Cũng theo bài viết, kể từ sau khi bị rút vốn mạnh, tới 90 tỷ USD riêng trong tháng 3/2020 là tháng bắt đầu đại dịch, vốn ngoại đã lại tràn ngập trên các thị trường vốn và nợ của EMs, đặc biệt là trong quý 4/2020 với lượng vốn đổ vào là 180 tỷ USD, nâng tổng vốn ngoại vào 63 nước EMs đạt 360 tỷ USD trong 9 tháng cuối năm 2020.

Bài báo trích dẫn nhận định của một chuyên gia rằng: "Cuộc săn lùng lợi suất chắc chắn đang diễn ra và sẽ kéo dài". Tại thời điểm đó, thực tế là cổ phiếu của EMs đã tăng tới 9% so với cuối năm 2020, trong khi ở các thị trường đã phát triển chỉ tăng 2,7%. Dẫu vậy, bài báo cũng chỉ ra rằng bên cạnh yếu tố hỗ trợ đến từ sự cải thiện tình trạng kinh doanh và sức khỏe kinh tế của EMs, sự tăng mạnh về vốn ngoại vào EMs chủ yếu là do các chương trình kích thích kinh tế của Mỹ và các nước khác, dẫn đến sự ngập tràn vốn đầu tư tìm kiếm lợi suất cao hơn so với ở các nước phát triển.

Tuy nhiên, thị trường đã không cần quá nhiều thời gian để kiểm nghiệm nhận định trên của chuyên gia về chuyện cuộc săn lùng lợi suất ở EMs sẽ kéo dài.

Cũng tờ Financial Times ngày 6/3 có bài viết của cùng tác giả với tiêu đề: "EMs đã phải chứng kiến đợt rút vốn đầu tiên kể từ tháng 10/2020 do lãi suất tăng". Một tiêu đề phụ của bài viết cũng kịch tính không kém: "Giai đoạn ‘trăng mật’ kể từ lúc phê chuẩn vaccine đầu tiên trong tháng 8 đã kết thúc đột ngột".

Bài báo cho rằng lãi suất Mỹ tăng làm nhà đầu tư lo sợ có thể Fed sẽ sớm chấm dứt nới lỏng tiền tệ, gây ra một "taper tantrum" khác giống như hồi 2013 vốn đã làm tổn hại EMs. Nỗi sợ này đã xui khiến các nhà đầu tư rút vốn ròng khỏi thị trường chứng khoán và trái phiếu vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3, đột ngột chấm dứt giai đoạn vốn ròng đổ vào dài cả tháng.

Cần biết rằng trong thời gian đó, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm mới chỉ quanh quẩn 1,1% hồi đầu tháng 2 đột ngột tăng lên 1,54% ngày 25/2 sau khi Thống đốc Fed Powell trong một cuộc họp báo thậm chí không tỏ cho thấy Fed đã sẵn sàng hành động để kiềm chế lãi suất dài hạn. Thị trường cần và kỳ vọng được nghe những cam kết hành động cụ thể từ Fed làm yên lòng giới đầu tư, chẳng hạn như sẽ ngừng mua trái phiếu ngắn hạn, chuyển sang mua trái phiếu dài hạn để chặn đà tăng lợi suất trái phiếu dài hạn. Chưa hết, lợi suất này tiếp tục tăng lên gần 1,6% ngày 8/3 là mức cao nhất trong vòng một năm, bất chấp Thượng viện Mỹ mới phế chuẩn gói kích thích tài chính 1,9 nghìn tỷ USD vào ngày 6/3.

Thú vị là bài báo cũng trích dẫn ý kiến của cùng vị chuyên gia nêu trên, cho rằng có lẽ nhiều nhà đầu tư đang phải thốt lên "Trời ơi, nếu Mỹ phải tăng lãi suất thì EMs cũng sẽ bị bầm dập thôi". Vị này cũng rút ra một nhận xét rất quan trọng, đại ý rằng 10 năm trước đây người ta cho rằng lãi suất tăng ở Mỹ không ảnh hưởng đáng kể đến EMs nhưng nay thì tình hình đã đảo ngược.

Có lẽ nhà đầu tư ngoại đã quá thấm thía bài học từ Taper Tantrum 2013 nên lần này đã phản ứng có thể được nhiều người gọi là quá sớm, quá mức theo kiểu "chim bị tên nên nhìn cành cong cũng sợ", bất chấp Fed và các ngân hàng trung ương khác của phương Tây đã và vẫn cam kết duy trì nới lỏng trong thời gian dài, và bất chấp một thực tế là sức khỏe và khả năng chống đỡ của EMs hiện nay đã tốt hơn nhiều so với năm 2013.

Như vậy, điều có thể rút ra là mối liên hệ giữa các thị trường phát triển, đặc biệt là Mỹ, với các EMs hiện nay đã trở nên khăng khít và bị tác động nhiều hơn bởi các chính sách kinh tế của Washington so với trước đây. Do đó, với tư cách là một thị trường mới nổi, thậm chí là một trong những điểm sáng hiếm hoi về kinh tế trong khu vực và thế giới, Việt Nam cũng không thể nằm ngoài những xu hướng đang diễn ra trên các thị trường vốn và nợ quốc tế. Thực tế là tương đồng với xu hướng rút vốn mạnh khỏi EMs từ tuần cuối tháng 2, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến nhà đầu tư ngoại rút vốn ròng liên tục cho đến tuần này mà không có một phiên nào có màu xanh xen kẽ như từng thấy từ đầu năm.

Điều đáng nói khác là trong lúc không ai có thể khẳng định được nhà đầu tư trong nước sẽ còn lạc quan, hưng phấn với thị trường chứng khoán và trái phiếu Việt Nam được bao lâu, lực nâng đỡ thị trường từ sức mua ròng của khối ngoại là điều không nên được đặt cược quá nhiều, kể cả khi gói kích thích tài chính 1,9 nghìn tỷ USD của Mỹ đã được phê chuẩn. Bởi gói kích thích quy mô đến gần 10% GDP cấp tập đổ vào nền kinh tế Mỹ được Fed cam kết hỗ trợ cấp vốn với lãi suất 0% hoàn toàn có thể tạo ra những kỷ lục mới về thâm hụt kép của Mỹ gồm thâm hụt thương mại và thâm hụt tài khóa làm dấy lên viễn cảnh lạm phát cao trong tương lai dẫn đến kỳ vọng ngày càng tăng vào việc Fed sẽ sớm phải đảo chiều chiến dịch bơm tiền, kéo theo lãi suất dài hạn tăng. Vì vậy, sẽ là không mấy ngạc nhiên khi thị trường chứng kiến biến động trái chiều của các chỉ số chứng khoán Mỹ ngày 8/3 sau khi gói 1,9 nghìn tỷ USD này được Thượng viện Mỹ phê chuẩn.

Xu hướng sắp tới của dòng vốn ngoại vào EMs cũng như Việt Nam sẽ phần nào được định hình rõ hơn trong cuộc họp chính sách tuần tới của Fed, nơi một số nhà làm chính sách có thể thay đổi quan điểm của mình trước diễn biến thị trường.

TS. Phan Minh Ngọc

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên