Nhà đầu tư Nhật đã mua lại hơn 24% vốn tại công ty logistics Transimex
Logistics Quốc tế Ryobi Việt Nam định hướng tập trung mở rộng chuỗi kho lạnh ở các nước khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Động thái mua vốn Transimex lần này có thể xem là một trong những kế hoạch M&A nhằm mở rộng kinh doanh tại Việt Nam nhà đầu tư Nhật Bản này.
Ngày 14/12, cổ phiếu TMS của Transimex ghi nhận giao dịch thỏa thuận lớn với hơn 17 triệu cổ phiếu, tương đương 24% vốn doanh nghiệp được chuyển giao. Bên bán ra là Casco Investments Limited sau hơn 8 năm trở thành cổ đông lớn và thu về khoảng 560 tỷ đồng.
Cùng chiều, công ty con của Chủ tịch Bùi Tuấn Ngọc là Đầu tư Toàn Việt cũng đã bán 1,16 triệu cổ phần từ ngày 12/11-11/12. Sau giao dịch, Đầu tư Toàn Việt vẫn nắm giữ gần 3,62 triệu cổ phiếu, tương ứng 5,1% tỷ lệ sở hữu và vẫn là cổ đông lớn tại Transimex. Một công ty khác liên quan Chủ tịch là Đầu tư và Thương mại Thiên Hải mới đây cũng đăng ký bán hết hơn 2,2 triệu cổ phần TMS, tương đương 3,14% vốn. Thời gian thực hiện từ ngày 18/12/2020-15/1/2021, thông qua phương thức khớp lệnh hoặc thoả thuận.
Ngược lại, CTCP Logistics Quốc tế Ryobi Việt Nam đã mua vào gần 17 triệu cổ phần TMS, thay thế Casco và chính thức trở thành cổ đông lớn TMS với tỷ lệ nắm giữ hơn 24% vốn.
Được biết, Logistics Quốc tế Ryobi Việt Nam là thành viên của Tập đoàn Ryobi Holding, được thành lập từ tháng 9/2014 với ngành nghề chính là dịch vụ kho bãi. Công ty định hướng tập trung mở rộng chuỗi kho lạnh ở các nước khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Động thái mua vốn Transimex lần này có thể xem là một trong những kế hoạch M&A nhằm mở rộng kinh doanh tại Việt Nam nhà đầu tư Nhật Bản này.
Về phần Transimex, Công ty sớm thành lập vào năm 1983, tiền thân là Công ty Kho vận Giao nhận Ngoại thương (Transimex). Đến năm 2000, Transimex chính thức chuyển thành CTCP và tháng 8 năm này cũng giao dịch cổ phiếu trên sàn HoSE.
Công ty chuyên hoạt động là đại lý giao nhận và vận chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu, công cộng bằng đường biển, hàng không và đường bộ; cung cấp dịch vụ ngoại quan, kho CFS, kho ICD; kinh doanh kho bãi, xếp, dỡ, lưu giữ hàng hoá xuất nhập khẩu trung chuyển; đại lý tàu biển và môi giới hàng hải trong và ngoài nước; cung cấp dịch vụ kinh doanh hàng hoá quá cảnh và chuyển tải hàng hoá qua Campuchia, Lào, Trung Quốc... Hệ thống Transimex hiện gồm 6 công ty con và 7 công ty liên kết.
Transimex hiện có cảng ICD tại Thủ Đức, Tp.HCM, Trung tâm Logistic tại Đà Nẵng, Thăng Long, Tp.HCM, Trung tâm phân phối tại KCN Sóng Thần 2, Bình Dương, văn phòng cho thuê...
Tổng tài sản tính đến 30/9/2002 đạt 3.820 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn đạt 1.305 tỷ (hơn 477 tỷ tiền, tiền gửi) và 2.515 tỷ tài sản dài hạn. Nợ Transimex vào mức 1.515 tỷ đồng, nợ vay chiếm 885 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu vào mức 2.305 tỷ, với thặng dư hơn 286 tỷ, quỹ đầu tư phát triển 134 tỷ và 886 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại.
Không chỉ thanh khoản vốn tương đối tốt, tình hình kinh doanh của Transimex nhiều năm liền tăng trưởng ổn định. Đặc biệt, năm 2017 doanh thu Công ty tăng đột biến lên mặt bằng mới, chủ yếu nhờ đóng góp từ Cảng ICD Transimex, Phòng Dịch vụ đại lý Dongjin, Phòng Hợp tác đại lý.
Sang năm 2020, Transimex dự kiến tăng tỷ lệ sở hữu tại Vinatrans Đà Nẵng. 9 tháng đầu năm, Công ty đạt 2.293 tỷ doanh thu, tăng hơn 29% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra. LNST tương ứng thu về 234 tỷ, tăng hơn 39%.
Trí Thức Trẻ