Nhà đầu tư Nhật hết phàn nàn về phí 'gầm bàn', bôi trơn
Trước đây, chi phí "gầm bàn", "lót tay" được đề cập khá nhiều do ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp.
Ngày 18-12-2018, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM (JCCH) tổ chức Hội nghị Bàn tròn Doanh nghiệp Nhật Bản 2018 giữa Chính quyền Thành phố và cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản.
TP.HCM đã cải thiện môi trường đầu tư tốt cho DN Nhật
Tại đây, các doanh nghiệp Nhật đều đánh giá môi trường đầu tư của thành phố có nhiều chuyển biến tốt. Đặc biệt, thủ tục thuế và hải quan bớt rườm rà nên giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Ông Kawaue Junichi, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM cho biết chính trị ổn định, nguồn nhân lực chất lượng cao, cải cách môi trường đầu tư tốt,… giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng, nhà đầu tư đến từ các nước nói chung.
Cùng nhìn nhận trên, đại diện JCCH cho rằng môi trường đầu tư của thành phố có sự cải thiện đáng kể, thông thoáng hơn, minh bạch hơn giúp giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp.
Cục thuế thành phố hỗ trợ doanh nghiệp nhiều về điều kiện miễn kê khai, miễn lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết, mẫu báo cáo thuế thu nhập cá nhân của người nước ngoài làm việc tại văn phòng đại diện, việc minh bạch trong thủ tục hoàn thuế VAT,…
Đối với lĩnh vực hải quan, ghi nhận hỗ trợ nhập khẩu phế liệu, nhập khẩu cá tươi , in ấn mã vạch hoặc mã số sản phẩm của nước ngoài tại Việt Nam, mã HS…
“Riêng về vấn nạn chi phí không chính thức, thời gian gần đây hiệp hội không nhận được ý kiến phàn nàn về chi phí không chính thức làm thủ tục thuế, hải quan. Trước đây, vấn đề này được đề cập khá nhiều do ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Cục Hải quan thành phố yêu cầu hiệp hội làm việc trực tiếp với Cục nếu có xảy ra tình trạng doanh nghiệp phải “ lót tay ” khi thực hiện các thủ tục... Điều này có hiệu ứng mạnh" - vị đại diện JCCH nói.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm phát biểu tại hội nghị
Cần thông thoáng hơn
Bên cạnh yếu tố thông thoáng về môi trường đầu tư, cùng với những khó khăn mang tính khách quan từ thị trường khác tác động nên nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đã và đang chuyển dịch đầu tư về Việt Nam. Tuy nhiên, để “đón gió” đầu tư của Nhật dịch chuyển từ các nước, cũng như lượng đầu tư mới đòi hỏi Việt Nam cần hoàn thiện môi trường đầu tư hơn nữa.
Theo nhận định của doanh nghiệp Nhật Bản, dù đã được cải thiện thì thủ tục hành chính có phát sinh nhiều vấn đề mới. Cụ thể, năm 2018 có 16 nội dung phát sinh mới, phần lớn liên quan đến thuế, hải quan và 22 nội dung đánh giá lại các vấn đề của các năm 2016- 2017.
Theo Tổng lãnh sự quán Nhật Bản, JCCH, TP.HCM đã giải quyết nhiều vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp nhưng vẫn còn tồn đọng một số vấn đề. Phía Nhật Bản mong nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn nữa của lãnh đạo thành phố, các sở ngành.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ, phương châm của thành phố trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là “năm sau tốt hơn năm trước" dựa trên những ý kiến đóng góp, đề xuất, thành phố sẽ đề ra các giải pháp, chính sách phù hợp nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng, cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung.
Sự thành công của các doanh nghiệp Nhật Bản không chỉ đặt ra yêu cầu mà còn tạo động lực cho các cơ quan quản lý nhà nước trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư ở địa phương.
“Thành phố mong muốn, doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục tin tưởng, chọn lựa thành phố là điểm đến đầu tư hấp dẫn, trong hoạt động mở rộng sản xuất, kinh doanh mang lại lợi ích cho cả hai bên” - ông Liêm nói.
Ông Liêm cũng cho biết việc thành phố triển khai cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội và mô hình đô thị thông minh, sáng tạo giúp doanh nghiệp Nhật Bản đang và sẽ đầu tư vào thành phố có thêm các điều kiện, cơ chế, cũng như môi trường đầu tư thuận lợi hơn.
Ngoài ra, hy vọng Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực vào năm 2019 sẽ tạo động lực, cơ hội hợp tác toàn diện giữa Việt Nam, trong đó có TP.HCM và Nhật Bản.
Theo thống kế, tính đến tháng 11-2018, Nhật Bản hiện là nhà đầu tư lớn thứ năm của thành phố với 1.247 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đạt gần 4,2 tỉ USD. So với năm 2017, thành phố đã có thêm hơn 200 dự án đăng ký mới và hơn 200 triệu USD vốn đầu tư gia tăng từ Nhật Bản. Lãnh đạo UBND TP.HCM đánh giá cao hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản. |
Pháp luật Tp Hồ Chí Minh