MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà đầu tư phớt lờ một loạt yếu tố cần cân nhắc, vẫn đổ hàng tỷ USD vào TTCK Mỹ, chuyên gia cảnh báo sẽ sớm 'vỡ mộng'!

04-06-2020 - 14:27 PM | Tài chính quốc tế

Từ góc độ cung-cầu, các công ty đang "chùn bước" trước đà tăng của thị trường sau nhiều năm chi tiêu mạnh tay. Dẫu vậy, động thái này lại không khiến nhà đầu tư nản lòng khi đổ tiền và tạo động lực cho thị trường, với 9 nghìn tỷ USD "chảy" vào TTCK chỉ trong 10 tuần.

Lợi nhuận doanh nghiệp tăng, tăng trưởng kinh tế, cổ phiếu với mức giá "hời": là những yếu tố mà nhà đầu tư hiện tại ít chú ý tới sau khi cơn bán tháo càn quét thị trường hồi tháng 3. Hiện tại, hoạt động mua cổ phiếu quỹ của các công ty cũng không còn được thực hiện tích cực do ảnh hưởng của dịch Covid-19. 

Trong khi đó, một thước đo theo dõi nhu cầu đối với cổ phiếu của các công ty đã thực hiện mua cổ phiếu quỹ đã giảm xuống còn 12 tỷ USD vào tháng trước – mức thấp thứ 2 trong thập kỷ qua, theo số liệu biên soạn bởi TrimTabs Investment Research.

Đó là một ví dụ khác về việc thị trường tập trung vào nền kinh tế mở cửa trở lại và những biện pháp kích thích của ngân hàng trung ương đang xóa bỏ mọi yếu tố cần cân nhắc khác như thế nào. Từ góc độ cung-cầu, các công ty đang "chùn bước" trước đà tăng của thị trường sau nhiều năm chi tiêu mạnh tay. Dẫu vậy, động thái này lại không khiến nhà đầu tư nản lòng khi đổ tiền và tạo động lực cho thị trường, với 9 nghìn tỷ USD "chảy" vào TTCK chỉ trong 10 tuần. Kể từ mức đáy ghi nhận hồi tháng 3, Nasdaq 100 đã tăng 38% và có lúc chạm mức cao nhất mọi thời đại ở phiên giao dịch ngày 3/6.

Jerry Braakman – CIO của First American Trust, nhận định: "Tất cả những yếu tố này đang nói lên rằng mọi thứ đều không ổn và bạn hãy nhìn vào S&P 500, chỉ số này vẫn tiếp tục thăng hoa. Thị trường không quan tâm đến những mức định giá. Khi Fed tiếp tục đưa ra những động thái hỗ trợ, thì khoản đặt cược đúng là đặt cược vào Fed. Xu hướng đang diễn ra đang giúp nhà đầu tư thăng hoa, nhưng sẽ khiến họ ‘rơi’ xuống mặt đất."

Nhà đầu tư phớt lờ một loạt yếu tố cần cân nhắc, vẫn đổ hàng tỷ USD vào TTCK Mỹ, chuyên gia cảnh báo sẽ sớm vỡ mộng! - Ảnh 1.

Các vòng kích thích của Fed tiếp tục diễn ra, S&P 500 vẫn tăng điểm dù lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm.

Đà tăng không ngừng nghỉ của S&P 500 từ mức thấp hồi tháng 3 là diễn biến trái ngược với những nguyên tắc cơ bản. Nền kinh tế đang chuẩn bị đối mặt với cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, khi các nhà máy và cửa hàng phải đóng cửa do đại dịch. Trong một quý mà lợi nhuận doanh nghiệp dự kiến sẽ giảm 44%, thì chỉ số này đã tăng 21% - có thể ghi nhận lợi nhuận cao nhất kể từ năm 1975.

Để ứng phó với những tác động của dịch bệnh đối với hoạt động kinh doanh, khoảng 1/5 các công ty trong S&P 500 đã hoãn việc mua cổ phiếu quỹ trong năm, với giá trị tương đương 40% toàn bộ các thương vụ trong năm 2019, theo dữ liệu Goldman Sachs biên soạn.

Các công ty gặp khó khăn về tiền mặt từ những hãng hàng không cho đến du thuyền đều ráo riết bán cổ phiếu để cân bằng bảng cân đối kế toán. Các công ty bao gồm Warner Music Group và ZoomInfo Technologies thì vội vã thực hiện IPO, tìm cách huy động tiền và tận dụng diễn biến thăng hoa của thị trường. Theo đó, doanh số bán cổ phiếu trong tháng 5 cao hơn gấp 3 lần mức trung bình 12 tháng, theo TrimTabs. 

Điều đáng lo ngại là thị trường tăng giá sẽ không thể chống đỡ nếu có biến động. Sau tình trạng bán tháo hồi tháng 3, nhà đầu tư đã nhanh chóng tìm đến cổ phiếu công nghệ và nhà sản xuất dược phẩm có vốn hóa lớn sau khi Fed đưa ra những biện pháp khẩn cấp. Khi hoạt động kinh tế dần mở cửa trong những tuần gần đây, nhà đầu tư đã tìm đến nhiều lựa chọn hơn bao gồm rót tiền cho những cổ phiếu rủi ro hơn, trong đó có cổ phiếu ngành ngân hàng, cổ phiếu vốn hóa nhỏ và những công ty hưởng lợi nhiều nhất từ sự hồi phục của nền kinh tế.

Nhà đầu tư phớt lờ một loạt yếu tố cần cân nhắc, vẫn đổ hàng tỷ USD vào TTCK Mỹ, chuyên gia cảnh báo sẽ sớm vỡ mộng! - Ảnh 2.

Giá trị các thương vụ mua cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp từ 19/3 đến 20/5.

Trong xu hướng đó, các quỹ phòng hộ và nhà đầu tư cá nhân là những bên mua vững vàng nhất. Hoạt động giao dịch giữa các cá nhân đã tăng gấp 3 lần trong năm nay, theo số liệu của các nhà môi giới cá nhân được Goldman Sachs tổng hợp. Trong số khách hàng là quỹ phòng hộ của các công ty này, đòn bẩy ròng – thước đo về mức độ ảnh hưởng của cổ phiếu đối với ngành, đã tăng lên 92% trong 10 năm qua.

Chiến lược gia của Goldman Sachs – David Kostin, cho biết, tuy nhiên, có một mối nguy hiểm ẩn hiện là các nhà đầu tư này đang đảo ngược quan điểm, cùng với các doanh nghiệp "rút tiền" khỏi cổ phiếu. Hiện tại, việc các công ty Mỹ không còn là "bệ đỡ" giá quan trọng, thì thị trường sẽ trở nên mỏng manh hơn trước những cú sốc. Trước đây, các doanh nghiệp đã giúp kìm hãm các khoản lỗ từ cổ phiếu. Ví dụ, khi thị trường chạm đáy hồi tháng 2/2018, bộ phận giao dịch của Goldman Sachs nhận thấy số lượng lệnh thực hiện các thương vụ mua cổ phiếu quỹ ở mức cao nhất từng chứng kiến.

Kostin nói thêm: "Bên cạnh việc các quỹ phòng hộ và nhà đầu tư cá nhân mạnh tay rót tiền, thì hoạt động mua cổ phiếu quỹ sụt giảm mạnh có thể gây rủi ro đối với sự cân bằng giữa cung và cầu trong TTCK Mỹ. Hậu quả của việc giảm mua cổ phiếu quỹ bao gồm tăng trưởng ESP thấp, giá cổ phiếu biến động mạnh hơn và định giá thấp hơn."

Hiện tại, tình trạng gia tăng đột biến của việc các doanh nghiệp bán cổ phiếu không phải là vấn đề đối với các nhà đầu tư có tâm lý FOMO. Mô hình theo dõi tâm lý thị trường của Citigroup – theo dõi những yếu tố như dòng tiền và giao dịch quyền chọn, đang cho thấy nhà đầu tư rất hưng phấn.

Michael Ball – giám đốc điều hành của Weatherstone Capital Management, nhận định: "Những tuyên bố của quan chức Fed và giới chức chính phủ cho thấy về cơ bản họ sẵn sàng làm bất kỳ điều gì để đảm bảo nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng. Theo đó, nhà đầu tư cảm nhận rằng TTCK sẽ không gặp bất kỳ rủi ro đáng kể nào." 

Tham khảo Bloomberg

Lục Lam

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên