MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà đầu tư 'quay lưng' với cổ phiếu công nghệ, Dow Jones dứt 4 phiên tăng điểm liên tiếp

17-07-2020 - 07:11 AM | Tài chính quốc tế

Kết thúc phiên 16/7, chứng khoán Mỹ ghi nhận diễn biến tiêu cực khi đà tăng của cổ phiếu công nghệ tiếp tục chững lại và nhà đầu tư đón nhận một loạt thông tin về báo cáo lợi nhuận, dữ liệu kinh tế.


Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 135,39 điểm, tương đương 0,5%, xuống 26.734,71 điểm, kết thúc 4 phiên tăng điểm liên tiếp. S&P 500 giảm 0,3% xuống còn 3.215,57 điểm và Nasdaq Composite cũng rớt 0,7%, đóng cửa ở mức 10.473,83 điểm.

Cổ phiếu của Microsoft và Apple đều giảm hơn 1%. Amazon giảm 0,3%. Trong khi đó, Netflix đã xóa mức giảm trước đó và tăng 0,8%. Tuy nhiên, khi công bố lợi nhuận và dự báo lượng người đăng ký mới sau khi kết thúc phiên, cổ phiếu của Netflix giảm hơn 11%. 

Big Tech đã là nhóm có diễn biến tốt nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ năm nay, khi các nhà đầu tư đặt cược rằng mô hình kinh doanh của họ có thể chống chọi với tình hình kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu lại khá chật vật trong tuần này. Từ đầu tuần đến nay, Netflix giảm hơn 3%, Facebook, Amazon, Alphabet và Microsoft cũng rớt giá.

Trong khi đó, cổ phiếu Johnson & Johnson đã tăng 0,7% nhờ kết quả kinh doanh tốt hơn mong đợi. Morgan Stanley cũng tăng 2,5% sau khi lợi nhuận hàng quý của công ty có kết quả vượt kỳ vọng của các nhà phân tích nhờ vào doanh thu giao dịch mạnh.

Về thông tin mới của kinh tế Mỹ, số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần đã ghi nhận con số tệ hơn dự báo. Bộ Lao động cho biết tổng cộng 1,3 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp vào tuần trước, so với ước tính của Dow Jones là 1,25 triệu người. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ đã tăng 7,5% trong tháng 6, vượt ước tính là 5,2%. Số liệu này được công bố sau mức tăng đột biến 17% vào tháng trước.

Cổ phiếu của các công ty được hưởng lợi từ việc nền kinh tế mở cửa trở lại đều chìm trong sắc đỏ ở phiên này. Các nhà khai thác du thuyền Carnival, Royal Caribbean và Norwegian Cruise Line đều giảm hơn 7%. United Airlines cũng mất hơn 5% và American Airline giảm 7,4%.

Giang Ng

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên