Nhà đầu tư "The Big Short" cảnh báo bong bóng khổng lồ đang xuất hiện
Thời gian gần đây nhiều nhà đầu tư đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về bong bóng đầu tư bị động.
- 16-07-2019Những quốc gia có nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản
- 07-06-2019Bong bóng bất động sản Hồng Kông đứng trước nguy cơ nổ tung
- 03-06-2019Những thị trấn chuyên làm xe điện mọc lên như nấm, bong bóng xe điện xuất hiện ở Trung Quốc
- 06-05-2019Cổ phiếu nhóm công nghệ thăng hoa, liệu đây có phải giai đoạn "được bơm phồng" của bong bóng dotcom 2.0?
Michael Burry, một trong những nhà đầu tư đầu tiên phát hiện ra và hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn đã thổi bùng lên khủng hoảng tài chính 2008, đang nhìn thấy 1 bong bóng tương tự đang nổi lên trong lĩnh vực đầu tư bị động.
Trong phương pháp đầu tư bị động, nhà đầu tư theo sát các chỉ số bằng cách xây dựng một nhóm các cổ phiếu mô phỏng chỉ số đó. Ví dụ, mua vào một quỹ đầu tư chỉ số sở hữu mọi cổ phiếu trong chỉ số S&P 500 là đầu tư thụ động. Các quỹ ETF (những quỹ tương hỗ được giao dịch trên sàn giống như các cổ phiếu) cũng là 1 dạng quen thuộc của đầu tư bị động. Theo lý thuyết, nhà đầu tư bị động sẽ có hiệu suất tương đương với diễn biến của thị trường, không tốt hơn cũng không tệ hơn.
Trả lời phỏng vấn của Bloomberg qua email, Burry cho biết các khoản đầu tư bị động như các quỹ chỉ số và quỹ ETF đang khiến giá cổ phiếu và trái phiếu bị thổi phồng theo cách giống như các nghĩa vụ nợ được đảm bảo bằng tài sản thế chấp đã thổi phồng giá các khoản vay thế chấp dưới chuẩn cách đây hơn 10 năm. Khi dòng tiền khổng lồ được đổ vào các khoản đầu tư bị động đảo chiều, tình hình sẽ rất xấu, ông nói.
"Giống như hầu hết các bong bóng, bong bóng càng tồn tại lâu thì khi vỡ hậu quả sẽ càng tồi tệ hơn". Ông cũng cho rằng bong bóng này rất giống với các nghĩa vụ nợ thế chấp (CDO) ở thời kỳ trước Đại khủng hoảng tài chính ở chỗ trên thị trường này mức giá không được quyết định bởi các phân tích cơ bản mà bởi dòng vốn khổng lồ dựa trên những mô hình quản lý rủi ro chưa chắc đã chính xác.
Hiện Burry đang quản lý khoảng 340 triệu USD tại quỹ Scion Asset Management. Ông trở nên nổi tiếng sau khi đặt cược chống lại các khoản vay thế chấp đã được chứng khoán hóa trước khủng hoảng 2008. Ông chính là hình mẫu trong cuốn sách nổi tiếng "The Big Short" của tác giả Michael Lewis. Cuốn sách này cũng đã được chuyển thể thành bộ phim được giải Oscar.
Các quỹ đầu tư bị động có chi phí thấp đang ngày càng thu hút được nhiều sự chú ý. Theo Bank of America Merrill Lynch, hiện đầu tư bị động đã chiếm gần một nửa thị trường chứng khoán vì ngày càng có nhiều nhà đầu tư không còn tin tưởng và các chuyên gia chọn cổ phiếu mà chuyển sang đổ tiền cho các quỹ chỉ số. Số liệu của Morningstar cho thấy trong chưa đến 10 năm thị trường này đã tăng trưởng như vũ bão, lên đến quy mô hơn 3.000 tỷ USD.
"Rạp hát ngày càng đông đúc nhưng cửa thoát hiểm thì vẫn luôn như vậy. Tình hình sẽ xấu đi khi thanh khoản giảm mạnh trên toàn cầu", ông nói.
Thời gian gần đây nhiều nhà đầu tư đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về bong bóng đầu tư bị động. CEO Jeffrey Gundlach của DoubleLine Capital gọi cơn sốt đầu tư bị động là "hành vi bầy đàn" và đã đạt đến trạng thái "cuồng loạn".