Nhà ga 122 năm tuổi ở "đô thị Việt Nam đáng sống hàng đầu thế giới" sẽ bị di dời, vì sao?
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã có văn bản trả lời liên quan đến đề nghị di dời ga đường sắt 122 năm tuổi.
- 01-07-2024Xôn xao hình ảnh cả chục cân xoài bị hành khách bỏ lại, nằm lăn lóc trên sàn nhà ga sân bay Nội Bài
- 28-08-2023Quan sát từ nhà ga sân bay, hành khách sốc khi chứng kiến hành động của 2 tiếp viên trên cánh máy bay
- 01-02-2021"Xuân vận" ảm đạm ở Trung Quốc: Bến xe, nhà ga mọi năm ngập trong "biển người" nay hiu quạnh không ngờ và hành động ấm lòng cho người ăn Tết tại chỗ
Di dời Ga Đà Nẵng theo 2 giai đoạn
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vừa gửi văn bản tới Bộ GTVT, trong đó nhất trí với phương án đầu tư Dự án di dời Ga đường sắt Đà Nẵng do UBND thành phố Đà Nẵng đề xuất.
Cụ thể, trong giai đoạn đầu, dự kiến xây dựng một ga hành khách mới tại khu vực cạnh Hồ Trung Nghĩa để thay thế cho Ga Đà Nẵng hiện tại, và di dời ga hàng hóa hiện tại đến Ga Kim Liên. Trong giai đoạn tiếp theo, việc tận dụng kết cấu hạ tầng đường sắt hiện có sẽ được xem xét để đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và tăng cường hiệu quả đầu tư.
Với kế hoạch xây dựng ga hành khách mới tại khu vực Hồ Trung Nghĩa, VNR đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng xem xét việc bố trí trạm chỉnh bị đầu máy và toa xe tàu khách để hỗ trợ tác nghiệp kỹ thuật; hiện nay, khi số lượng tàu khách tăng cao, Ga Đà Nẵng đã gặp phải tình trạng quá tải, phải gửi các toa tàu tại các ga lân cận.
Về phương án thiết kế Ga hàng hóa Kim Liên, VNR đề xuất cấp có thẩm quyền rà soát để đảm bảo tính đồng bộ với quy hoạch Ga Kim Liên, thuộc quy hoạch các ga đường sắt quốc gia trong đô thị, ga đầu mối và ga liên vận quốc tế do Bộ GTVT đang giao Cục Đường sắt Việt Nam triển khai lập kế hoạch.
VNR cũng kiến nghị UBND thành phố Đà Nẵng cần xem xét lại quy mô, phạm vi đường lánh nạn tại Ga Kim Liên để đảm bảo an toàn, cũng như xem xét diện tích mặt bằng dành cho việc xây dựng cơ sở chỉnh bị và sửa chữa đầu máy, toa xe để đáp ứng nhu cầu phát triển vận tải đường sắt trong tương lai.
Theo đề xuất của UBND thành phố Đà Nẵng, Dự án di dời Ga Đà Nẵng giai đoạn 1 sẽ được triển khai từ năm 2024-2030, với giai đoạn xây dựng kéo dài từ quý III/2026 đến năm 2030. Ga đường sắt hành khách mới dự kiến sẽ hoạt động đến năm 2050.
Trong giai đoạn 2, Dự án sẽ di dời toàn bộ tuyến ga và đường sắt trong khu vực thành phố Đà Nẵng theo quy hoạch, với điểm nhấn là xây dựng một ga hành khách mới tại xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, bao gồm ga đường sắt quốc gia và ga đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
UBND thành phố Đà Nẵng ước tính tổng chi phí dự án là 9.045 tỷ đồng, sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Việc di dời ga Đà Nẵng ra khỏi trung tâm thành phố được cho là cấp bách bởi nhà ga hiện nằm trong trung tâm nơi có mật độ giao thông cao, gây ra tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt là khi tàu ra vào ga và cắt ngang các tuyến đường lớn, gây ra tiếng ồn và ô nhiễm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân xung quanh.
Lịch sử lâu đời của ga Đà Nẵng
Ga Đà Nẵng là một nhà ga đường sắt quan trọng trên tuyến đường sắt Bắc Nam, nằm trong địa phận thành phố Đà Nẵng. Nhà ga tọa lạc tại số 791 đường Hải Phòng, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê.
Ga Đà Nẵng cách ga Hà Nội 791 km, cách ga Vinh 472 km, cách ga Huế 103 km, cách ga Quảng Ngãi 136,5 km, cách ga Diêu Trì 304 km, cách ga Nha Trang 523,5 km, và cách ga Sài Gòn 935 km. Lý trình của ga là Km 791 + 400.
Ga Đà Nẵng được xây dựng và khánh thành vào năm 1902. Kể từ khi thành lập, nhà ga đã trải qua nhiều lần sửa chữa và xây dựng, đảm nhiệm ba chức năng chính: ga hàng hóa, ga hành khách và ga tác nghiệp kỹ thuật.
Tuyến đường sắt Bắc Nam chạy qua Đà Nẵng với chiều dài khoảng 30 km, hàng ngày có nhiều chuyến tàu từ Ga Hà Nội và Ga Sài Gòn đến Ga Đà Nẵng. Tất cả các chuyến tàu xuyên Việt hiện nay đều dừng để đón và trả khách tại đây. Từ Ga Đà Nẵng, hành khách có thể mua vé đến tất cả các ga trên toàn quốc.
Hiện nay, Ga Đà Nẵng được xếp loại là một trong những nhà ga lớn và tốt nhất khu vực miền Trung (cùng với Ga Vinh, thuộc tiêu chuẩn ga hạng 1). Nhà ga đã được nâng cấp khang trang, sạch đẹp, với phòng đợi tàu trang bị máy lạnh, đầy đủ tiện nghi, sức chứa khoảng 200 người và nhiều dịch vụ bổ sung phục vụ hành khách như nhà hàng, quầy bar, điện thoại công cộng, quầy bán sách báo, khu vực tắm rửa, nhà vệ sinh.
Đà Nẵng được vinh danh "đô thị đáng sống bậc nhất thế giới"
Năm 2022, theo khảo sát thường niên Expat Insider của Tổ chức InterNations, Việt Nam đứng thứ 7 trong tổng số 52 quốc gia đáng sống nhất cho người nước ngoài. Trong đó, Đà Nẵng thuộc những lựa chọn hàng đầu.
Nơi đây từng là 1 trong 10 địa chỉ đáng sống nhất thế giới năm 2018 theo bình chọn của Tạp chí Du lịch Live and Invest Overseas.
Đời sống & pháp luật