Nhà giàu thế giới nắm 1/3 tài sản dưới dạng tiền mặt
Các nhà đầu tư giàu có trên thế giới đang nắm giữ một tỷ trọng khá cao tiền mặt...
- 24-04-2019Đà Nẵng: Làm rõ nhà giàu, cán bộ Sở Xây dựng có căn hộ thu nhập thấp An Trung 2?
- 17-04-2019Gu chọn nhà chú trọng riêng tư và tiện ích độc lạ của giới nhà giàu
- 14-04-2019Chuyện chưa kể về nghề vệ sĩ cho nhà giàu: Giải quyết những rắc rối "trên trời rơi xuống" và công việc "vú em bất đắc dĩ"
Các nhà đầu tư giàu có trên thế giới đang nắm giữ một tỷ trọng khá cao tiền mặt, và có lẽ họ đã trở nên quá thận trọng - theo một báo cáo mới được công bố của ngân hàng Thụy Sỹ UBS.
Hãng tin Bloomberg dẫn báo cáo trên cho biết tiền mặt hiện chiếm 32% danh mục đầu tư của các cá nhân có giá trị tài sản cao.
Tại khu vực châu Á và Mỹ Latin, tỷ trọng tiền mặt là 36%, so với mức 31% ở Thụy Sỹ và 35% ở châu Âu. Riêng tại Mỹ, tỷ lệ này thấp hơn, chỉ ở mức 23%.
"Tiền mặt là một tài sản an toàn đối với một chiến lược đòi hỏi mức độ thanh khoản cao, nhưng lại rủi ro trên phương diện bền vững", chiến lược gia Paula Polito thuộc mảng quản lý tài sản toàn cầu của UBS nhận định. "Chúng tôi nhận thấy mức nắm giữ tiền mặt cao trên toàn cầu. Đây là thời điểm tốt để các nhà đầu tư xem xét đa dạng hóa danh mục".
Khuynh hướng nắm giữ nhiều tiền mặt của các nhà đầu tư giàu có diễn ra cho dù thị trường chứng khoán thế giới đã có một đợt tăng điểm mạnh từ đầu năm cho tới tuần trước. Tuần này, chứng khoán thế giới liên tục sụt giảm vì tình hình đàm phán thương mại Mỹ-Trung bất ngờ chuyển xấu.
Hồi tháng 2, ngân hàng Goldman Sachs đã cảnh báo rằng các quỹ đầu tư ở châu Á ở thời điểm đó có sự phân bổ tài sản trong danh mục không phù hợp với một đợt tăng điểm vừa mới bắt đầu của thị trường chứng khoán. Tháng trước, một chiến lược gia của John Hancok nói đã có một số bằng chứng cho thấy nỗi lo của các nhà đầu tư về việc bỏ lỡ sự đi lên mạnh mẽ của giá cổ phiếu.
UBS cho biết 42% số nhà đầu tư được khảo sát cho biết có ý định đầu tư thêm, trong khi 17% có ý định giảm đầu tư. Mối lo lớn nhất của các nhà đầu tư ở khu vực Mỹ Latin là lạm phát, ở châu Á là chiến tranh thương mại, và ở Mỹ là tình hình chính trị trong nước.
Đây là cuộc khảo sát tâm trạng nhà đầu tư hàng quý đầu tiên của UBS - công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới - nên không có số liệu từ các kỳ trước để so sánh.
Cuộc khảo sát được thực hiện trong thời gian từ ngày 10-28/3 tại 17 quốc gia. Tham gia khảo sát có hơn 3.600 nhà đầu tư với ít nhất 1 triệu USD tài sản có thể đầu tư và chủ doanh nghiệp với doanh thu hàng năm từ 250.000 USD.
VnEconomy