MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà giàu thì nhiều nhưng nhân tài 'hiếm như lá mùa thu', các quỹ phòng hộ Singapore đào tạo cả học sinh cấp 3 để quản lý tài sản

11-03-2021 - 11:25 AM | Tài chính quốc tế

Nhà giàu thì nhiều nhưng nhân tài 'hiếm như lá mùa thu', các quỹ phòng hộ Singapore đào tạo cả học sinh cấp 3 để quản lý tài sản

Trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt của các quỹ phòng hộ, việc cho phép một học sinh 16 tuổi thực tập gần như là điều chưa có tiền lệ. Tuy nhiên, khi Singapore đang thiếu vắng những nhân tài, đào tạo trẻ vị thành niên với khả năng lãnh đạo có thể là một khoản đầu tư có thành quả tốt.

Do đó, vào mùa hè năm ngoái, cô học sinh trung học Yi Ke Cao đã có 2 tuần thực tập tại Modular Asset Management – quỹ phòng hộ quản lý gần 1 tỷ USD tài sản tại Singapore, tách ra từ Millennium Management LLC. Cô bé thu thập dữ liệu trong các bảng tính (spreadsheet), trò chuyện với các nhà đầu tư kỳ cựu và theo dõi những cuộc họp quan trọng – khi các nhà quản lý tài sản phản biện cho ý tưởng đầu tư của họ trước các đồng nghiệp.

Cao là người trẻ nhất trong số nhóm người trẻ Singapore sẵn sàng gia nhập lĩnh vực quản lý tài sản tích cực. Khi các tỷ phú và quỹ phòng hộ lớn trên toàn cầu ồ ạt tìm đến thành phố nhỏ bé này, thì sự thiếu hụt các chuyên gia có trình độ đang ngày càng trở nên căng thẳng. Tình trạng này đã buộc chính phủ Singapore và nhà đầu tư phải có động thái nghiêm túc hơn để phát triển thế hệ tiếp theo của ngành.

Nhà giàu thì nhiều nhưng nhân tài hiếm như lá mùa thu, các quỹ phòng hộ Singapore đào tạo cả học sinh cấp 3 để quản lý tài sản - Ảnh 1.

Yi Ke Cao tại Trường trung học nữ sinh Raffles Singapore.

Cao (17 tuổi) chia sẻ về ngày đầu tiên đến văn phòng: "Tôi cảm thấy khá lo lắng, không biết phải phản ứng như thế nào khi các chuyên gia trò chuyện. Tôi cũng không biết làm thế nào để mở lời, nhưng họ lại rất thân thiện." Cao đã vượt qua 10 đối thủ khác trong lớp để được nhận vào Modular Asset Management.

Những lợi thế từ địa chính trị và những có những biện pháp kích thích đầu tư đang giúp Singapore thu hút một loạt nhà quản lý tiền tệ. Một số quỹ phòng hộ đã tìm đến và mở văn phòng thành phố này trong bối cảnh bất ổn ở Hồng Kông, trong khi các công ty khác lựa chọn Singapore làm trụ sở trong khu vực của họ.

Các văn phòng gia đình – quản lý tài sản của giới siêu giàu, cũng đổ xô đến quốc đảo sư tử. Gần đây, quỹ phòng hộ nổi tiếng Bridgewater Associates của Ray Dalio cũng thành lập chi nhánh tại đây.

Trong khi các công ty này chủ yếu tìm kiếm nhân tài từ Mỹ hay châu Âu, chính phủ Singapore đang nỗ lực để cải thiện xu hướng này. Chính phủ đang thúc đẩy hoạt động tuyển dụng nhân sự trong nước thay vì phụ thuộc vào người nước ngoài. Mức lương tối thiểu đối với nhân sự nước ngoài đang tăng lên. Biện pháp kích thích đầu tư đối với một số nhà đầu tư tiềm năng sẽ đi kèm với việc trọng dụng nhân tài người Singapore.

Dẫu vậy, rất ít công ty quản lý tài sản sẵn sàng tuyển dụng nhân sự tại đại phương cho những vị trí quan trọng. Đây là 1 vấn đề mà Singapore đang nỗ lực giải quyết. Chính phủ đã đưa ra những khoản hỗ trợ đào tạo giúp chi trả cho các khóa học quản lý tài sản, hướng đến mục tiêu mang lại cho người dân trải nghiệm mang tính toàn cầu. Singapore chi trả tới 100.000 SGD (75.000 USD) chi phí khi các định chế tài chính cử nhân viên được chọn ra người ngoài đăng tuyển.

Tháng 5, Hiệp hội Quản lý Đầu tư Singapore (IMAS) đã cho ra mắt nền tảng iLearn để giúp người lao động nâng cao kỹ năng và nỗ lực hỗ trợ đào tạo lại các giám đốc điều hành. Viện Quản lý Tài sản (WMI) đã nhận được khoản hỗ trợ 25 triệu USD từ Bridgewater hồi tháng 10, một phần để giúp đạo tạo các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia đầu tư về những điểm vượt trội của hoạt động quản lý tài sản.

Nhà giàu thì nhiều nhưng nhân tài hiếm như lá mùa thu, các quỹ phòng hộ Singapore đào tạo cả học sinh cấp 3 để quản lý tài sản - Ảnh 2.

Trong khi đó, một số công ty đang giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân tài trong nước. Suhaimi Zainul-Abidin – CEO của Quantedge Capital quản lý 2,5 tỷ USD tài sản, cho biết hầu hết các nhân viên mới của họ có thể được tuyển dụng trực tiếp từ quá trình thực tập. Trong một chương trình gần đây, công ty này nhận được 300 bộ CV và 30 bài kiểm tra, phỏng vấn. Sau đó, chỉ 10 người được chọn trong khóa thực tập 5 tuần và cuối cùng 3 người trong số đó nhận được lời mời làm việc chính thức.

Jimmy Lin – CEO của Modular Asset Management, đang tìm cách thu hút những nhân tài giỏi nhất trong nước và thông qua chương trình chuyển đổi nhà quản lý danh mục đầu tư. Trong 12 đến 24 tháng, các chuyên gia nhiều kinh nghiệm sẽ được đào tạo về cách sử dụng công cụ quản lý rủi ro độc quyền và đòn bẩy của công ty.

Ông cho biết: "Kết thúc giai đoạn 18 tháng, chúng tôi có thể biết ai sẽ là người thành công, khi giá trị tài sản mà họ quản lý tăng lên. Nếu không hoàn thành mục tiêu, họ sẽ phải rời khỏi công ty."

Tuy nhiên, chìa khóa để Singapore có thể đào tạo nhân tài đẳng cấp thế giới có thể là sự can thiệp ở giai đoạn sớm hơn. Trường nữ sinh Raffles – nơi cô bé Yi Ke Cao nhận được cơ hội cho kỳ thực tập sớm, đã đưa học sinh đến thử sức tại một loạt tổ chức tài chính. Gần đây, hiệu trưởng của trường – bà Haslinda Zamani, cho biết trường đang tổ chức các hội thảo trên trang web với các chuyên gia về chủ đề quỹ phòng hộ và tương lai của ngành ngân hàng.

Bố mẹ Cao đều làm việc trong ngành tài chính. Đối với cô bé, thời gian là điều vô cùng quý giá, đặc biệt là khi Cao chưa thực sự hiểu về ngành quỹ phòng hộ trước khi nộp đơn. Giờ đây, với sự tự tin và một chút kinh nghiệm, triển vọng trở thành một nhà quản lý tài sản của cô bé có vẻ khả thi hơn.

Cao chia sẻ: "Tôi đã nói chuyện với người giám sát về việc trở thành phụ nữ làm trong ngành tài chính. Và cô ấy nói với tôi rằng điều này rất khó khăn, mẹ tôi là người công tác trong lĩnh vực này cũng nói về điều tương tự. Rõ ràng đó sẽ là một thách thức, nhưng nếu có khả năng, chắc chắn tôi sẽ làm tốt." 

Tham khảo Bloomberg

Lục Lam

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên