MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhả hàng bán rượu theo thực đơn phải đăng ký kinh doanh?

05-03-2018 - 10:28 AM | Thị trường

Theo Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu phải có Giấy phép bán rượu tiêu dùng tại chỗ để thực hiện kinh doanh bán rượu tiêu dùng tại chỗ.

Trả lời trước câu hỏi về việc một công ty không phải đại lý phân phối rượu bia, các mặt hàng rượu bia đều được mua tại các cơ sở như siêu thị, cửa hàng để phục vụ và không có hợp đồng mua bán số lượng lớn hay định kỳ các nhà phân phối lớn. Trong trường hợp đó, công ty này có phải đăng ký bán lẻ rượu bia không khi rượu chỉ bán kèm đồ ăn để phục vụ khách?

Sở Công Thương tỉnh Lào Cai cho biết, trước thời điểm Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu có hiệu lực, hoạt động bán rượu tiêu dùng tại chỗ được thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu và Thông tư số 60/2014/TT-BCT ngày 27/12/2014 của Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 94/2012/NĐ-CP thì trường hợp của công ty đó không thuộc đối tượng phải cấp Giấp phép kinh doanh bán lẻ rượu. Tuy nhiên đến ngày 1/11/2017 hai văn bản trên đã hết hiệu lực thi hành.

Kể từ ngày 1/11/2017, Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu đã có hiệu lực, tại Khoản 1, Điều 1 của Nghị định này quy định về hoạt động kinh doanh rượu, bao gồm: Hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu; hoạt động bán rượu tiêu dùng tại chỗ và tại Điều 2 của Nghị định này áp dụng đối với thương nhân kinh doanh rượu và các tổ chức,cá nhân có liên quan đến kinh doanh rượu.

Căn cứ vào Khoản 1, Điều 1 và Điều 2 của Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu, trường hợp công ty này đang hoạt động bán rượu tiêu dùng tại chỗ là đối tượng phải thực hiện cấp Giấy phép bán rượu tiêu dùng tại chỗ.

Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu, bán rượu tiêu dùng tại chỗ phải có giấy phép theo quy định tại Nghị định này. Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã.

Bên cạnh đó, Nghị định quy định rõ các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh rượu gồm: Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung ghi trong giấy phép theo quy định tại Nghị định này; sử dụng cồn thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn, cồn công nghiệp hoặc nguyên liệu bị cấm khác để sản xuất, pha chế rượu; cho thuê, cho mượn Giấy phép kinh doanh rượu; trưng bày, mua, bán, lưu thông, tiêu thụ các loại rượu không có tem, nhãn đúng quy định của pháp luật, rượu không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm, rượu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; bán rượu cho người dưới 18 tuổi, bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet, bán rượu bằng máy bán hàng tự động; quảng cáo, khuyến mại rượu trái quy định của pháp luật.

Trương Ngọc Anh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên