Nhà mạng nói gì sau 6 tháng thí điểm Mobile Money?
Trong thời gian thí điểm Mobile Money (thanh toán di động), tính đến cuối tháng 3/2022, có hơn 1,1 triệu khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ. Đây là con số khá nhỏ so với gần 124 triệu thuê bao di động hiện nay. Nhà mạng cho rằng, dư địa của Mobile Money không phải không còn, nhưng đây là "mảnh đất cằn cỗi, sỏi đá".
Trên đây là thông tin được ra tại hội thảo “Đẩy mạnh phát triển Mobile Money tại Việt Nam” do báo Lao động phối hợp với Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) và Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức sáng nay (11/5).
Từ cuối tháng 11/ 2021, sau khi được chấp thuận triển khai thực hiện thí điểm, 3 doanh nghiệp (Tổng Công ty Truyền thông – VNPT-Media, Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội – Viettel) đã cung ứng dịch vụ Mobile Money tới khách hàng.
Đánh giá kết quả bước đầu đạt được của giai đoạn thí điểm, ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh Toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, cuối tháng 3/2022, có hơn 1,1 triệu khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money. Trong đó, chiếm hơn 60% tổng số khách hàng là người ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.
Số lượng đơn vị chấp nhận thanh toán đạt hơn 12.800 điểm, trong đó chủ yếu là cung ứng dịch vụ thiết yếu như điện, nước, giáo dục… Tổng số lượng giao dịch đạt hơn 8,5 triệu giao dịch với tổng giá trị hơn 370 tỷ đồng.
Ông Trương Quang Việt - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel, cho biết, tính hết quý 1/2022, 70% thuê bao kích hoạt tài khoản tiền di động trên Viettel Money đều nằm ở các vùng sâu, vùng xa. Trung bình mỗi thuê bao phát sinh tới 10 giao dịch chuyển tiền, mua bán trực tuyến.
Mobile Money tập trung vào các thanh toán nhỏ, cho khách hàng ở vùng xa ít có điều kiện tiếp cận đến dịch vụ ngân hàng. Cách đây 20 năm, số lượng người sử dụng ngân hàng rất là ít và lợi thế của di động. Còn hiện nay, khi nền công nghệ phát triển mạnh mẽ, với nhiều ứng dụng ngân hàng số, các doanh nghiệp viễn thông bày tỏ lo ngại, về cơ hội của Mobile Money.
Bà Phạm Minh Tú - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ số MobiFone, cho rằng, dư địa của Mobile Money không phải không còn, nhưng đây là những "mảnh đất cằn cỗi, sỏi đá".
“Hạn mức của Mobile Money chỉ dưới 10 triệu đồng, thấp hơn ví điện tử rất nhiều. Đây là một hạn chế. Khi mà chúng ta cung cấp một dịch vụ mới nhưng vấp phải quá nhiều hạn chế, khó phát triển. Một điểm khó khăn nữa là điểm kinh doanh. Mobile Money sẽ tốn chi phí, nguồn lực", bà Tú chỉ ra
Ông Nguyễn Văn Tấn - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ Viễn Thông VNPT VinaPhone, cho biết, qua thực tế triển khai, doanh nghiệp nhận thấy một số tồn tại, trong đó có vấn đề về xác thực khách hàng, cũng như quy định thuê bao phải có “tuổi đời” ít nhất 3 tháng mới được sử dụng Mobile Money.
Ông Tấn cho rằng, quy định này không hợp lý. “Bởi khi đã chính xác, đúng thông tin, số điện thoại thì tại sao cần phải chờ một khoảng thời gian như vậy. Phải chăng là an toàn quá gây khó khăn”, ông đặt vấn đề.
Về hạn mức 10 triệu đồng/tháng hiện nay, đại diện VNPT đề xuất, hết giai đoạn thử nghiệm 2 năm, có thể mở rộng giới hạn trên. “Trong trường hợp mức độ giao dịch cao hơn thì có thể cho phép và xác thực ở mức độ nhất định”, ông Tấn nói.
Về vấn đề bảo mật, ông Tấn cho rằng, nếu có hệ thống quy chuẩn bảo mật mang tính quốc gia thì đó sẽ là cơ sở để các nhà mạng lấy làm tiêu chuẩn nhằm tổ chức triển khai và đầu tư hệ thống. Hiện, các nhà mạng vẫn là “tay mơ” so với các ngân hàng về vấn đề này.
Tiền phong