MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà máy Phương Mai 3 ghi “dấu ấn” với cánh quạt điện gió đầu tiên trên bầu trời Bình Định

30-12-2019 - 11:00 AM | Doanh nghiệp

Ngày 24/12/2019, tua bin điện gió đầu tiên tại tỉnh Bình Định đã được lắp đặt thành công tại nhà máy điện gió Phương Mai 3 do Công ty Cổ phần Phong điện Miền Trung (CWP), thành viên của Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam, làm chủ đầu tư.

Nhà máy Phong Điện Phương Mai 3 tại Khu kinh tế Nhơn Hội, Quy Nhơn, Bình Định có quy mô 6 trụ tua bin gió (công suất mỗi tua bin 3,5 MW), chiều cao mỗi trụ 114m, đường kính cánh quạt rộng 132m, được lắp đặt trên diện tích 122 ha. Nhà thầu cung cấp tua bin gió và dịch vụ vận hành, bảo trì cho dự án là Siemens Gamesa (châu Âu).

Từ đầu quý 4/2019, để chuẩn bị cho việc lắp đặt các tua bin điện gió sau giai đoạn đổ móng trụ, phần nền móng công trình, đường dẫn và mặt bằng đã được thi công hoàn chỉnh, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật đề ra. Trạm biến áp 110KV đã hoàn thành việc đóng điện. Việc lắp đặt các đốt trụ với chiều dài 17-30m, nặng 49-84 tấn và các cánh quạt điện gió dài 65m, tổng khối lượng quạt gió lên đến 550 tấn đòi hỏi sự tập trung cao độ với các trang thiết bị đặc chủng, cùng đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, công nhân lành nghề. Đến nay, 6 tua bin đã hoàn thành việc dựng cột trụ và đang triển khai việc lắp đặt hệ thống quạt gió trên các tua bin. Trong điều kiện thời tiết thuận lợi, mỗi tua bin sẽ mất ít nhất 5-6 ngày để hoàn thành việc lắp đặt, do đó, việc thi công sẽ liên tục được thực hiện ngay cả trong những ngày Tết nguyên đán sắp tới.

Sáng ngày 23/12/2019, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định Nguyễn Thanh Tùng và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Nhơn Hội Nguyễn Phi Long đã tới công trình để kiểm tra tiến độ dự án nhà máy. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng đánh giá cao sự tích cực của chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu thi công trong việc triển khai dự án nhà máy Phong điện Phương Mai 3, nhấn mạnh ý nghĩa của các dự án điện năng lượng tái tạo góp phần nâng cao khả năng đáp ứng nguồn điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế Nhơn Hội tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để dự án được sớm hoàn thành theo đúng kế hoạch. Bên cạnh đó, các đơn vị thi công cũng cần đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các hạng mục cần thiết để hòa lưới điện quốc gia, kiểm tra giám sát các gói thầu nhằm đảm bảo chất lượng dự án.

Nhà máy Phương Mai 3 ghi “dấu ấn” với cánh quạt điện gió đầu tiên trên bầu trời Bình Định - Ảnh 1.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định Nguyễn Thanh Tùng (hàng trên, thứ 2 từ trái sang), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Nhơn Hội Nguyễn Phi Long (hàng trên. thứ 3 từ trái sang) thị sát công trình thi công. (Nguồn ảnh: Báo Bình Định online)

Đại diện đơn vị tư vấn giám sát dự án Fitchner (Đức) nhận định: "Việc lắp đặt cánh trên trụ tua bin đầu tiên rất quan trọng, đây là cột mốc quan trọng cho thấy dự án được tiến hành thành công và đảm bảo tiến độ."

Nhà máy Phương Mai 3 ghi “dấu ấn” với cánh quạt điện gió đầu tiên trên bầu trời Bình Định - Ảnh 2.

Công tác lắp đặt cánh quạt và bộ truyền lực từ cánh quạt vào hộp số tua bin

Nhà máy Phong điện Phương Mai 3 có tổng công suất là 21 MW, vốn đầu tư 40 triệu USD, khi hoàn thành sẽ cung cấp lên lưới điện quốc gia trên 70 triệu kwh/năm, giảm phát thải khoảng 50.000 tấn CO2/năm, đi vào vận hành sẽ mang lại doanh thu khoảng 200 tỉ đồng/năm. Đây sẽ là dự án điện gió đầu tiên trên địa bàn tỉnh Bình Định đi vào hoạt động và là 1 trong những dự án phong điện có công suất lớn nhất cả nước. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ hòa lưới điện quốc gia vào tháng 1/2020.

Năng lượng tái tạo hiện là mối quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Nhà máy điện gió Phương Mai 3 là dự án năng lượng tái tạo đầu tiên của Halcom Việt Nam, được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, lựa chọn đơn vị sản xuất, nhà thầu có uy tín và năng lực quốc tế. Halcom Việt Nam (mã chứng khoán: HID) đã ký kết hợp đồng đối tác chiến lược với AIF Group (Lào) và Shizen Energy Group (Nhật Bản) trong việc xây dựng và vận hành nhà máy. Đây cũng là dự án thứ hai tại Việt Nam tiếp cận được vốn tín dụng xuất khẩu (nguồn vốn từ Landesbank Baden-Württemberg – ngân hàng lớn thứ 4 tại Đức), điều này giúp nâng cao hiệu quả tài chính của dự án và tăng cường hợp tác quốc tế.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên