Nhà máy sản xuất chất dệt nhuộm 60 triệu USD của Trung Quốc tại Tây Ninh được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Dự án Nhà máy sản xuất hoá chất dệt nhuộm Huanyu là một trong hai dự án lớn của Trung Quốc được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong tháng 1 này.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, tính chung trong tháng 1, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 1,9 tỷ USD, tăng 51,9% so với cùng kỳ năm 2018. Uớc tính đã giải ngân được 1,55 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài kể cả dầu thô đạt 13,58 tỷ USD, bằng 94,9% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 67,9% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 13,4 tỷ USD, bằng 95% so với cùng kỳ 2018 và chiếm 67% kim ngạch xuất khẩu.
Nhập khẩu đạt 11,75 tỷ USD, bằng 98,7% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 56,4% kim ngạch nhập khẩu. Kim ngạch xuất nhập khẩu của khu vực ĐTNN giảm so với cùng kỳ, song tính chung vẫn xuất siêu 1,83 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 1,65 tỷ USD không kể dầu thô.
Tính đến ngày 20/1, có 226 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới 805 triệu USD, tăng 81,9% so với cùng kỳ năm 2018, có 72 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 340,2 triệu USD, bằng 74,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Cũng trong tháng 1, có 489 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 761,8 triệu USD, tăng 114% so với cùng kỳ 2018.
Theo lĩnh vực đầu tư, nhà đầu tư ngoại đã rót vốn vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều sự quan tâm nhất với tổng số vốn đạt 1,19 tỷ USD, chiếm 62,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 185,8 triệu USD, chiếm 9,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư đăng ký 179,1 triệu USD, chiếm 9,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Theo đối tác đầu tư, có 51 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó, Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư gần 364 triệu USD, chiếm 19% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 349,1 triệu USD, chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Trung Quốc đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 307,8 triệu USD, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư.
Trong tháng này, theo thống kê, có 5 dự án lớn được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm:
Dự án Công ty TNHH Kyoshin (Việt Nam), cấp GCNĐKĐT điều chỉnh ngày 17/1 tăng vốn đầu tư thêm 134,7 triệu USD. Đây là dự án được nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1995 với mục tiêu sản xuất, gia công và xuất khẩu các linh kiện đồ điện, khuôn mẫu.
Dự án Katolec Global Logistics Việt Nam, cấp GCNĐKĐT ngày 18/1, tổng vốn đầu tư 65 triệu USD do Katolec Corporation (Nhật Bản) đầu tư với mục tiêu kho bãi và lưu giữ hàng hóa tại Hà Nam.
Dự án Nhà máy Sews-Components Việt Nam II, cấp GCNĐKĐT ngày 11/1 với tổng vốn đầu tư đăng ký 64,89 triệu USD do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Hưng Yên với mục tiêu xây dựng nhà máy sản xuất các linh kiện điện và điện tử cho ô tô và mô tô, sản xuất trụ nối dây điện cho ô tô và mô tô.
Dự án Nhà máy sản xuất hoá chất dệt nhuộm Huanyu, cấp GCNĐKĐT ngày 2/1, tổng vốn đầu tư đăng ký 60 triệu USD do nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tại Tây Ninh với mục tiêu sản xuất chất dệt nhuộm.
Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn, cấp GCNĐKĐT ngày 11/1 do nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư với mục tiêu xử lý, tiêu hủy rác thải tại Thừa Thiên Huế.