Nhà nghèo, nam sinh Nam Định vượt khó để đạt học bổng toàn phần ở châu Âu
Với xuất phát điểm tự nhận là 'tầm thường', Hoàng Văn Nhất - chàng trai đến từ Nam Định - đã vượt khó thành công để viết nên trang mới cho cuộc đời mình.
- 22-03-2023Nam sinh 15 tuổi đạt loạt giải thưởng toán học, giành học bổng toàn phần ở Singapore
- 16-03-2023Một loại thực phẩm phổ biến ở Việt Nam, "sinh vật sống bị buôn bán nhiều nhất trên hành tinh" được kêu gọi loại bỏ khỏi thực đơn của người châu Âu
- 12-03-2023"8 lần thi IELTS đã dạy mình điều gì?" - Nam sinh Hà Nội đạt IELTS 8.5 chia sẻ loạt bài học quý giá
"Quê em ở một ngôi làng nhỏ ở Nam Định, gia đình thuộc dạng nghèo nhất xã. Cả bố và mẹ đều học chưa quá cấp 2, còn 2 chị gái bỏ học từ lớp 9 để đi làm giúp gia đình. Duy chỉ có em và anh trai may mắn được học hành đàng hoàng.
Em học trường "làng" hồi cấp 3. Nói là trường làng vì chỉ có học sinh vài xã lân cận theo học, lúc em vào lớp 10 mới chỉ là khóa học thứ 4 của trường. Chắc vì thế nên sau này bạn bè bảo học trường chuyên lớp chọn, em cũng có chút chạnh lòng, cảm giác thiệt thòi vì không có cơ hội học trong môi trường tốt", Hoàng Văn Nhất (sinh năm 1997) trải lòng không giấu giếm khi nói về hoàn cảnh gia đình.
Dù xuất phát điểm tự nhận là "tầm thường" theo đúng nghĩa đen như thế, nhưng Nhất hiện đang theo học chương trình Eramus Mundus ở Na Uy. Đây là chương trình học bổng thạc sĩ toàn phần được cấp bởi Liên minh châu Âu hàng năm, có độ cạnh tranh cực cao. Khi trúng học bổng, sinh viên sẽ được sang ít nhất 2-3 nước châu Âu để học thạc sĩ.
Hành trình vượt khó của Nhất tất nhiên không trải đầy hoa hồng. Nhưng sau tất cả, nam sinh này muốn truyền một thông điệp: Dù khởi đầu của bạn ra sao, hãy vạch ra đường đi, kiên trì bước đi, rồi có ngày nhất định bạn sẽ tới đích.
Chọn ngành học không tốn tiền, bỏ học, thi lại và "chiêu" học tiếng Anh miễn phí
Năm Nhất thi đại học, em được gia đình khuyên nên thi vào trường Điện Lực ngành điện hạt nhân. Thời điểm đó, nhà nước đang đầu tư cho vài dự án điện ở Ninh Thuận, theo học sẽ không mất học phí - vẫn là vì hoàn cảnh gia đình. Nhất vào học khóa thứ 10, được một kì thì bỏ vì nhận ra đây là ngành học mình không thuộc về.
Sau khi nghỉ học, Nhất về nhà tự ôn thi lại rồi vào trường Đại học Công Nghệ, ĐH Quốc Gia Hà Nội với số điểm... vớt nhờ kết quả thi đánh giá năng lực. Học kì đầu khá suôn sẻ, kết quả cũng khá tốt. Sau đó, em bắt đầu đi xin làm gia sư để kiếm tiền sinh hoạt vì hồi đấy anh trai cũng đang học ĐH, mẹ vất vả không nuôi nổi 2 anh em.
Tháng 7/2017, tình cờ đọc được thông tin về học bổng toàn phần của Panasonic, Nhất cũng thử nộp hồ sơ với suy nghĩ "cứ... liều, dù sao cũng chẳng mất gì". Thế mà cuối cùng em lại được chọn, trở thành ứng viên miền Bắc duy nhất được trao học bổng. Số tiền Nhất nhận 1 năm là 30 triệu đồng, bao gồm sinh hoạt phí và học phí, học bổng sẽ trao đến tận lúc ra trường nếu giữ được kết quả học tập tốt.
Vấn đề tiền bạc tạm được giải quyết, Nhất vẫn đi gia sư đều tuần 4-5 buổi, nhưng cũng an tâm tập trung học hành. Em cũng bắt đầu tự học tiếng Anh từ năm 2, đợt ấy làm thử đề một Toeic nghe - đọc lần đầu được 235 điểm, vừa nản vừa thấy mình kém cỏi. Thế nhưng không có tiền nên Nhất cũng chẳng đến trung tâm, tự cày cuốc bằng mấy tài liệu tải trên mạng.
Đến năm 3, muốn học quá mà chẳng biết lấy tiền đâu ra, Nhất rủ 2 bạn khác trong trường tự mở một lớp tiếng Anh, thuê 2 sinh viên trao đổi người nước ngoài ở ĐH Quốc gia về dạy. Nhất vừa tổ chức lớp, vừa trợ giảng, vừa được học tiếng Anh miễn phí mà bản thân cũng trở nên dạn dĩ hơn rất nhiều.
Nhớ lại thời gian ấy thấy vất vả vì vừa phải học trên lớp, vừa đi gia sư, vừa chạy qua chạy lại lớp tiếng Anh, sức khỏe đi xuống nhưng Nhất cũng học được nhiều kinh nghiệm giúp ích cho cuộc sống của em sau này.
Câu hỏi ngẫu nhiên thay đổi cuộc đời
Suốt 3 năm đầu học đại học, Nhất không mảy may nghĩ đến việc học lên Thạc sĩ dù kết quả học vẫn khá tốt. Cuối năm 3, một hôm bạn cùng lớp tự nhiên hỏi Nhất liệu có ý định du học Hàn Quốc hay không?
"Câu hỏi ngẫu nhiên khiến em bắt đầu có ý tưởng đi du học, tất nhiên bản thân em hồi đấy có 0% tự tin vào việc hồ sơ của mình có khả năng xin được học bổng. Chắc vậy nên sau đấy em cũng chẳng có động thái gì để chuẩn bị, chỉ xin đi thực tập hè ở một công ty viễn thông hồi tháng 7/2019, vẫn tự học tiếng Anh (hồi này lớp tiếng Anh không thuê người nước ngoài về dạy nữa), đi dạy thêm và làm khóa luận.
Em ra trường tháng 7/2020, GPA xếp thứ 2 của lớp và khoảng top 5% trong khoa, tiếng Anh lúc ấy cũng khá ổn vì dành nhiều thời gian học từ vựng và phát âm", Nhất chia sẻ.
Lúc này, Nhất có một quyết định khá "mạo hiểm", đó là không đi làm công ty như hầu hết bạn cùng lớp. Hôm cô trưởng khoa gọi Nhất và một số bạn khác về việc ở lại trường tạo cán bộ nguồn, em từ chối, rồi "mạnh miệng" nói: "Em sẽ xin học bổng để đi du học ạ", dứt lời mới thấy giật mình vì trong tay chẳng có gì.
Có thầy ĐHQG hướng dẫn, Nhất xin sang một trường đại học làm trợ lý nghiên cứu, hy vọng có thêm kinh nghiệm để hồ sơ đủ mạnh xin học bổng. Nhất cũng làm một vài dự án nhỏ nhỏ nhưng chẳng có bài báo nào được xuất bản, bạn bè cùng lớp thì dần ổn định trong khi lương mình được 6triệu đồng/tháng khiến em cũng hơi khủng hoảng.
Nhất lại lỡ đợt nộp học bổng đầu tiên do chần chừ mãi không thi IELTS, nên lại gia hạn làm thêm ở trường đại học này một năm nữa. Cũng may, em có thời gian rảnh hơn để học tiếng Anh, đi dạy thêm sau giờ làm, coi như thời gian nghỉ trước khi bắt đầu mùa nộp học bổng năm tiếp theo.
"Nói thật là suốt quãng thời gian đấy em vẫn luôn nghi ngờ liệu những gì mình đang làm có thực sự đúng đắn, khi những người xung quanh đã có những thành tựu nhất định. Em còn tự đang tự hỏi việc du học với bộ hồ sơ nhiều thiếu sót có khả thi? Em bắt đầu nộp học bổng thạc sỹ đầu tiên cho chương trình của VinIF năm 2022, không cần IELTS nên bộ hồ sơ cũng đơn giản.
Thế mà em được nhận học bổng, cũng suýt bỏ ý định du học để theo học một trường trong nước. Nhưng sau đấy em từ chối học bổng này, ôn thi và chuẩn bị hồ sơ cho chương trình Erasmus", Nhất chia sẻ.
Em nhận được học bổng toàn phần cho chương trình về Hệ thống thông minh của Erasmus, và sau đó là học bổng ngành Kỹ thuật điện của khối trường Paris Sacley của Pháp. Nhất chọn học bổng của Erasmus vì tỉ lệ cạnh tranh cao hơn, được nhiều chi phí hỗ trợ hơn, cũng có nhiều trải nghiệm hơn khi được học ở 3 quốc gia Phần Lan, Na Uy và Hungary trong vòng 2 năm.
Nhìn lại một hành trình rất dài, cũng rất nhiều lần "ups and downs" (những khoảng thời gian tốt xấu, thăng trầm), Nhất đúc kết bằng một vài dòng cảm nghĩ:
"Hôm nay, cầm trên tay cuốn sách về du học, một vài tháng nữa mình sẽ rời khỏi Việt Nam, đến những nơi mình của 10 năm trước còn chưa từng nghe qua chứ đừng nói là có cơ hội đặt chân tới.
Con đường dài thật dài, bản ngã đã thực sự "ngã" sau biết bao nhiêu là điểm rơi, bao nhiêu lần cuộc đời muốn ngấu nghiến ăn tươi nuốt sống con người khập khiễng vì cái chân đau này. Hôm nay, đọc những trang sách đầu về du học, bỗng muốn òa lên khóc cho bản thân, tự muốn ôm mình một nghìn cái ôm bù đắp cho không biết bao lần không thể đi thêm được nữa".
Phụ nữ Việt Nam