MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà nông thất thu mùa Tết

04-02-2017 - 08:03 AM | Thị trường

Những tưởng có được một mùa bội thu để tận hưởng cái Tết cổ truyền ấm áp, nào ngờ không ít nông dân trồng hoa, sản xuất đặc sản ở ĐBSCL lâm cảnh khốn khó vì thời tiết bất lợi, giá bán quá thấp.

Tết nguyên đán vừa qua, những người sản xuất 2 loại đặc sản nổi tiếng của Cà Mau là khô cá khoai và khô cá bổi rơi vào cảnh thất thu chưa từng có. Dân trồng hoa thì nhiều người lỗ nặng.

Làng khô ảm đạm

Mọi năm, mùa cá khoai từ tháng 10 âm lịch thì năm nay, đến giữa tháng chạp mới bắt đầu. Do nghịch mùa nên bà con không kịp làm khô bán dịp Tết. Vì vậy, làng khô cá khoai nổi tiếng ở thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau phải đón Tết trong cảnh đìu hiu.

Ông Lê Văn Hoàng - khóm 5, thị trấn Cái Đôi Vàm - cho biết thời tiết năm nay bất lợi nên mùa vụ đến trễ. “Năm nay, gió bấc là chủ yếu, không phải gió nồm như mọi năm nên đến giờ, lượng cá khoai đánh bắt chưa được nhiều dẫn đến thiếu nguồn nguyên liệu làm khô. Mọi năm, tôi thu mua và chế biến trên 20 tấn cá khoai nhưng năm nay chưa đến 1 tấn” - ông Hoàng nói.

Ông Nguyễn Văn Tèo, người làm khô gần đó, cho rằng từ hôm vào vụ đến giờ, ông thu mua, chế biến gần 20 tấn khô cá khoai nhưng chưa có con khoai trâu nào, trong khi trước đây rất nhiều. Khoai trâu là loại cá khoai lớn, có trọng lượng 6-7 con/kg. “Năm nay, lượng cá khoai nguyên liệu ít hơn rất nhiều so năm rồi do mùa vụ đến trễ, cá cũng nhỏ hơn” - ông Tèo nhận xét.

Người làm khô cá bổi lỗ nặng trong mùa Tết vừa qua Ảnh: Duy Nhân

Người làm khô cá bổi lỗ nặng trong mùa Tết vừa qua Ảnh: Duy Nhân

Cái khó của người làm khô năm nay là thời tiết bất lợi. Đợt áp thấp nhiệt đới vừa qua, mưa nhiều làm cho một số hộ làm khô lỗ vốn. Cá phơi lên gặp mưa, phải đem xuống và ướp đá, sau đó mới phơi lại làm tốn thêm chi phí thuê nhân công, mất thời gian nên lãi rất ít, nhiều hộ lỗ vốn. Nếu gặp mưa, khô bị đắng và không ngon, thậm chí hư hỏng.

Khô cá khoai là đặc sản Tết của người dân quê biển Phú Tân, nổi tiếng cả nước. Đây lại là mặt hàng tiêu thụ mạnh trong dịp Tết. Vì thế, khô cá khoai là nguồn thu nhập chính cho người dân vùng biển này. Tuy nhiên, do năm nay thất vụ nên không khí lao động ở đây không còn nhộn nhịp như mọi năm, thu nhập của người làm khô giảm đáng kể.

Cùng số phận với cá khoai, mùa Tết vừa qua, người dân nuôi cá bổi ở Cà Mau cũng điêu đứng vì giá cá rớt thê thảm. Năm rồi, giá cá bổi loại 8 con/kg từ 60.000-62.000 đồng/kg nhưng mùa Tết vừa qua, chỉ còn 28.000-29.000 đồng/kg. Ông Hai Hiền - nông dân ấp Kinh Cũ, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời - than thở: “Với giá cá như vừa qua, bán cũng lỗ mà không bán thì lỗ hơn”. Chị Bùi Thị Dung, ngụ cùng ấp, tiếp lời: “Tôi đầu tư khoảng 100 triệu đồng cho 5 ao cá nhưng vụ rồi lỗ khoảng 30 triệu đồng”.

Một cán bộ địa phương nhìn nhận vụ cá bổi hằng năm là nguồn thu nhập chính cho bà con ăn Tết nên năm nay, hầu hết người làm khô không có Tết.

Mùa tới có thể bỏ nghề

Những ngày qua, chị Nguyễn Thị Lan - một nhà vườn chuyên trồng hoa vạn thọ ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang - vẫn chưa hết buồn rầu sau một mùa lỗ nặng. Bởi lẽ, tận 20 giờ ngày 30 tháng chạp, hàng trăm giỏ hoa của chị bán tại chợ Phú Thứ (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) vẫn còn. Buộc lòng chị phải giảm giá xuống 30.000 đồng, rồi 20.000 đồng/cặp nhưng hơn 1 giờ sau vẫn còn khoảng 50 cặp. Không thể ngồi hoài ngoài chợ, chị đành tặng toàn bộ số hoa còn lại cho người cho chị thuê mặt bằng. “Trồng và bán hoa Tết cả chục năm nhưng đây là năm đầu tiên vợ chồng tôi lỗ nặng, gần như trắng tay. Có thể mùa tới, tôi bỏ luôn nghề trồng hoa Tết” - chị Lan nghẹn ngào.

Tại một số chợ hoa ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, đến chiều 30 tháng chạp, hàng chục người bán hoa kiểng đến từ huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre đã phải bỏ lại cả trăm gốc vạn thọ và hoa cúc vì bán rẻ như cho nhưng chẳng ai mua. “Những ngày trước đó, mỗi chậu vạn thọ có giá 150.000 đồng nhưng đến ngày cuối cùng, tôi bán 15.000 đồng nhưng vẫn bị khách chê lên chê xuống. Nói thiệt, để làm ra chậu hoa, nhà nông chúng tôi đã đổ bao công sức nhưng người mua lại trả giá thấp quá. Họ cứ chờ đến khi bán đổ bán tháo mới mua” - bà Trần Thị N., một người bán hoa kiểng ở khu vực bờ hồ Xáng Thổi, quận Ninh Kiều, nói như khóc.

Năm nay, khi đến thăm chợ hoa phường Mỹ Phú, TP Cao Lãnh, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp, đã chia sẻ sự khó khăn của người trồng và bán hoa Tết. Tại đây, ông mua hoa tặng cho khách để kêu gọi mọi người ủng hộ người trồng hoa.

Bà Nguyễn Thị Học - ngụ xã Tân Dương, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp - cho biết năm nay bà vẫn chọn chợ hoa phường Mỹ Phú để bán. Ngày 28 tháng chạp bỗng dưng ở đây xuất hiện cơn mưa lớn trong nhiều giờ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến màu sắc của hoa. “Sau cơn mưa, giá hoa chỉ còn một nửa nhưng vẫn ít người mua. Thấy vậy, lãnh đạo địa phương đến động viên và trao hỗ trợ 50% tiền thuê mặt bằng kinh doanh nên những người bán hoa ở đây mới tạm có được cái Tết” - bà Học bộc bạch.

Trái cây “độc” hút hàng nhờ… mất mùa

Mùa Tết năm nay, những hộ trồng bưởi tạo hình, bưởi có chữ nổi… ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang bán được giá cao nhờ hút hàng do mất mùa. Thậm chí, đến ngày 24 tháng chạp, nhiều hộ trồng các loại trái cây “độc” này đã bán “sạch vườn”. Sau đó, nhiều nhà vườn đẩy giá loại trái cây này lên gấp đôi Tết năm trước, như bưởi “tài - lộc” bán tại vườn từ 2-2,5 triệu đồng/cặp, bưởi “thư pháp” 1-1,5 triệu đồng/cặp.

Anh Trần Văn Hùng, một người sản xuất trái cây tạo hình ở huyện Châu Thành, cho biết: “Do thời tiết bất lợi nên bưởi vào khuôn đạt tỉ lệ rất thấp, chỉ khoảng 10%. Vì thế, nhiều hộ trồng bưởi “độc” không có hàng để bán”.

Theo Nhóm PV

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên