MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà nước cần chi khoảng 8.000 tỷ đồng - gấp 5 lần số tiền thu về khi IPO nếu muốn mua lại toàn bộ cổ phần của ACV

04-09-2019 - 11:38 AM | Doanh nghiệp

Năm 2015, giá trúng bình quân của ACV trong đợt IPO chỉ là 14.300 đồng. Hiện nay thị giá cổ phiếu này lên đến 80.000 đồng.

Với mục tiêu để đảm bảo cao nhất về an ninh, quốc phòng cho hoạt động hàng không, Bộ Giao thông Vận tải vừa có đề nghị phê duyệt Đề án giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản và kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý gửi Chính phủ.

Một trong những đề xuất đáng chú ý của Bộ GTVT là nghiên cứu xem xét lộ trình mua lại phần vốn do các cổ đông ngoài nhà nước nắm giữ tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Theo đó, ACV sẽ quay trở thành doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.

Hiện tại, ACV là một trong những doanh nghiệp lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam với vốn hóa thị trường đạt gần 177.000 tỷ đồng (7,6 tỷ USD). Trong đó, nhà nước nắm giữ 95,4% vốn.

Giả sử nhà nước sẽ mua lại cổ phần của nhà đầu tư theo giá thị trường thì tạm tính theo thị giá hiện tại, số tiền cần bỏ ra lên đến hơn 8.100 tỷ đồng - gấp khoảng 5 lần số tiền đã thu về từ đợt IPO năm 2015.

Tháng 12/2015, ACV đã tiến hành đấu giá công khai 77,8 triệu cổ phiếu và bán ưu đãi 34,4 triệu cổ phiếu cho cán bộ nhân viên và công đoàn. Khi đó, giá khởi điểm đấu giá chỉ là 11.800 đồng và giá trúng bình quân 14.300 đồng/cp.

Nhà nước cần chi khoảng 8.000 tỷ đồng - gấp 5 lần số tiền thu về khi IPO nếu muốn mua lại toàn bộ cổ phần của ACV - Ảnh 1.

Với sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành hàng không trong những năm gần đây, kết quả kinh doanh của ACV đã tăng trưởng ấn tượng kéo theo giá cổ phiếu phi mã.

Khi lên sàn Upcom vào tháng 11/2016, thị giá ACV đã lên đến 35.000 đồng, tăng gần 150% so với giá IPO. Sau đó, ACV đã có cú bứt phá ngoạn mục lên mức 120.000 đồng/cp rồi quay trở lại đi ngang quanh mức 80.000 đồng/cp trong hơn một năm qua.

Tại mức giá này, những nhà đầu tư nắm giữ từ khi IPO - trong đó có những quỹ lớn như Dragon Capital và VinaCapital -  đã thu về mức lợi nhuận 450% chưa kể một khoản nhỏ cổ tức được nhận.

Công ty chứng khoán Bản Việt cho rằng đề xuất trên sẽ cần được Chính phủ xem xét. Ngoài ra, kể cả khi đề xuất này nhận được phê duyệt của Chính phủ, sẽ cần một thời gian dài để thực hiện khi chưa có luật hoặc quy định tương tự cho đề xuất này.

Ngoài ra, theo Nghị định 58/2012/ND-CP, Chính phủ sẽ cần thực hiện mua lại cổ phiếu ACV thông qua chào mua công khai khi hiện đang nắm giữ 95,4% cổ phần của công ty. Giá chào mua công khai sẽ không thấp hơn giá giao dịch trung bình trong 60 ngày trước khi thực hiện đăng ký chào mua công khai.

Nhà nước cần chi khoảng 8.000 tỷ đồng - gấp 5 lần số tiền thu về khi IPO nếu muốn mua lại toàn bộ cổ phần của ACV - Ảnh 2.

Lợi nhuận của ACV tăng trưởng rõ rệt từ năm 2016 so với giai đoạn trước cổ phần hóa

Những ai đang nắm giữ cổ phần của ACV?

Báo cáo thường niên 2018 của ACV cho biết tại thời điểm 1/4/2019, ngoài phần sở hữu của nhà nước, các cổ đông khác của ACV đang nắm giữ hơn 100 triệu cổ phiếu lưu hành tự do.

Phần lớn số này thuộc về các tổ chức nước ngoài với 77,5 triệu cổ phiếu và cá nhân trong nước với 17,1 triệu cổ phiếu.

Báo cáo của quỹ Dragon Capital VEIL cho biết đến cuối năm 2018, quỹ này nắm giữ khoảng 12,1 triệu cổ phiếu ACV với giá vốn 7,2 triệu USD và có giá trị thị trường là 43,8 triệu USD (thị giá ACV tại thời điểm cuối năm 2018 là 83.800 đồng/cp).

Còn với quỹ VinaCapital VOF thì ACV là khoản đầu tư lớn thứ 3 trong danh mục của quỹ này, với lượng nắm giữ vào khoảng 22 triệu cổ phiếu, trị giá gần 80 triệu USD.

Như vậy 2 quỹ này đang nắm giữ khoảng 1/3 tổng lượng cổ phiếu ACV đang lưu hành tự do.

Nhà nước cần chi khoảng 8.000 tỷ đồng - gấp 5 lần số tiền thu về khi IPO nếu muốn mua lại toàn bộ cổ phần của ACV - Ảnh 3.

Kinh Kha

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên