MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà nước chỉ nên lái đò chứ không nên chèo đò

Nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương sắp tới không phải là tự mình làm dịch vụ, không tự mình “vừa đá bóng vừa thổi còi” như trong thời gian qua mà phải tập trung vào việc xây dựng thể chế để thị trường có thể vận hành hiệu quả.

Khu vực tư nhân và hiệp hội doanh nghiệp (DN) ở nhiều quốc gia khác đã và đang đảm nhiệm nhiều vai trò đặc biệt quan trọng. Những phát minh, sáng kiến công nghệ làm thay đổi cả thế giới cũng từ khu vực tư nhân đi ra.

Chúng ta đã biết tại Mỹ, Space X đã phóng tên lửa lên vũ trụ rất thành công. Đây hoàn toàn là một DN tư nhân, thành công đột phá trong một lĩnh vực đặc biệt phức tạp là công nghệ vũ trụ - lãnh địa tưởng chừng như không thể có chỗ cho DN tư nhân.

Kinh nghiệm thế giới cũng như thực tiễn nhiều lĩnh vực tại Việt Nam thời gian qua cho thấy để tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công không có nghĩa là Nhà nước không làm gì, không còn vai trò gì.

Vai trò của Nhà nước thay vì là “người chèo đò” thì thành “người lái đò ”. Nhà nước phải đặt ra quy định, tiêu chuẩn, tổ chức thực thi, giám sát thực thi các quy định, tiêu chuẩn, giải quyết tranh chấp… Nhà nước phải đại diện cho người dân, cho nền kinh tế, cho lợi ích chung để thúc đẩy, giám sát và quản lý các nhà cung cấp dịch vụ .

Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong tiến trình đổi mới là Nhà nước chỉ là những gì mà tư nhân không làm được hoặc không muốn làm. Quá trình đổi mới 30 năm qua do Đảng lãnh đạo đã cho thấy việc mở cửa cho tư nhân tham gia cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho xã hội mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực.

Tôi có thể lấy ví dụ ở hàng ngàn, hàng trăm lĩnh vực để minh họa cho nhận định trên. Ví dụ, trong ngành bán lẻ, chúng ta có thể thấy những cửa hàng mậu dịch quốc doanh đã được thay thế bởi các siêu thị, chợ, cửa hàng, trung tâm thương mại khắp đất nước.

Tuy vậy, còn rất nhiều dịch vụ công đang do các cơ quan nhà nước thực hiện trong quy trình gần như khép kín, gắn với chức năng quản lý nhà nước; có nguy cơ gây ra tình trạng không minh bạch như vừa cấp phép vừa thẩm định năng lực.

Nhiều quy định của luật bị làm biến dạng khi thực hiện, nhiều dịch vụ có tính “đăng ký”, “thông báo” nhưng trên thực tế biến thành “xin-cho”. Các điều kiện cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ban hành và cũng chính cơ quan nhà nước các cấp trực tiếp thực hiện. Việc kiểm tra tính tuân thủ các điều kiện dịch vụ công cũng do chính cơ quan nhà nước thực hiện.

Do đó phá bỏ sự độc quyền, bao cấp của Nhà nước trong cung cấp dịch vụ công, huy động sự tham gia của khu vực tư nhân vào cung cấp các dịch vụ công sẽ mang đến nhiều lợi ích, tránh chồng chéo, ngăn ngừa xung đột lợi ích.

Theo TS Vũ Tiến Lộc

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên