MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà nước sẽ thoái vốn khỏi 2 “ông lớn” ngành bia Sabeco, Habeco

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, việc thoái vốn tại Sabeco, Habeco sẽ thực hiện theo nguyên tắc nhà nước nắm dưới 50% vốn điều lệ hoặc không cần nắm giữ.

Báo cáo tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 của Bộ Công Thương chiều nay (12/7), Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn ( Sabeco ) và Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội ( Habeco ) hiện đang xây dựng phương án thoái vốn nhà nước.

Cụ thể, việc thoái vốn sẽ thực hiện theo nguyên tắc nhà nước nắm dưới 50% vốn điều lệ hoặc không cần nắm giữ.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ Công Thương sẽ thẩm định phương án thoái vốn nhà nước và triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc bán tiếp phần vốn Nhà nước tại 2 Tổng công ty nêu trên.

Trao đổi với báo chí trước đó, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, với Habeco, Sabeco vừa rồi SCIC đề nghị bàn giao cho Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước SCIC như với CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk.

“Trước đây Thủ tướng từng chỉ đạo tạm thời giao Bộ Công Thương đại diện chủ sở hữu tại 2 doanh nghiệp này nhưng tới đây theo mô hình cải cách hành chính, Sabeco và Habeco là 2 doanh nghiệp nhà nước không nắm giữ, bia rượu cũng không phải ngành nghề mà Bộ Công Thương phải quản lý. Chúng ta có thể bàn giao về SCIC, tách quản lý nhà nước để doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường sẽ tốt hơn”, ông Quyết cho hay.

Vấn đề thoái vốn tại 2 "ông lớn" ngành bia Sabeco và Habeco được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian vừa qua khi Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) dẫn ra trong 1 văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh liên quan đến vấn đề cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại Sabeco.

Đưa ra các giả thiết lý giải vì sao có tình trạng cố tình trốn tránh niêm yết và không thực hiện nhiệm vụ mà nhà nước giao phó tại Sabeco và Habeco, theo VAFI do những người quản lý vốn "không thích sự minh bạch, do lợi ích cục bộ".

Để làm rõ hơn, VAFI cho biết, đông đảo nhà đầu tư thấy rằng Bộ Công Thương cử cán bộ kinh doanh thua lỗ hàng trăm tỷ từ 1 doanh nghiệp khác về làm thành viên hội đồng quản trị và cán bộ nòng cốt trong Ban điều hành tại Sabeco.

Hay như việc bổ nhiệm nhiệm Chủ tịch hội đồng quản trị tại Sabeco trong nhiều nhiệm kỳ. “Chủ tịch hội đồng quản trị theo đúng nghĩa phải là linh hồn của doanh nghiệp, phải rất giỏi về quản trị doanh nghiệp, phải có nhiều thành tích về quản trị doanh nghiệp và phải có uy tín cao trong doanh nghiệp, thế nhưng Bộ Công Thương lại cử Vụ trưởng về làm chủ tịch mà những vị này trước đó không 1 ngày làm tại doanh nghiệp”, đại diên VAFI cho hay.

Đáp lại văn bản của VAFI, đại diện của Sabeco (ông Lê Hồng Xanh, Phó tổng giám đốc Sabeco) và đại diện Bộ Công Thương (ông Phan Đăng Tuất, Vụ trưởng, thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới phát triển doanh nghiệp) phản hồi rằng, Sabeco chưa đủ điều kiện niêm yết nên đã không thực hiện niêm yết, để Sabeco được niêm yết thì cổ phần nhà nước phải dưới 80%/vốn điều lệ.

Không chỉ chỉ ra trường hợp ông Võ Thanh Hà, Chủ tịch hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Sabeco, tại văn bản của mình VAFI còn nêu trường hợp ông Vũ Quang Hải, thành viên hội đồng quản trị, kiêm Phó tổng Sabeco, người được bổ nhiệm vào vị trí này năm 28 tuổi và đặt câu hỏi “cơ sở pháp lý nào để bổ nhiệm Vũ Quang Hải làm thành viên hội đồng quản trị và Phó tổng giám đốc của Sabeco?”.

Dù cho rằng SCIC chưa phải là mô hình quản lý hữu hiệu song theo VAFI, SCIC còn đỡ hơn rất nhiều so với việc quản lý vốn của các Bộ ngành địa phương. “Sau 8 năm cổ phần hoá vẫn không chuyển giao vốn về cho SCIC mặc dù SCIC đã nhiều lần đòi và hiện SCIC đang tích cực đòi nhưng Bộ trưởng Trần Tuấn Anh có tích cực chuyển giao Sabeco, Habeco về cho SCIC quản lý hay không?”, VAFI từng đặt câu hỏi.

Theo Nguyễn Thảo

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên