Nhà nước thiệt lớn khi làm đường đô thị
Ngân sách hạn hẹp nhưng các thành phố lớn của Việt Nam mỗi năm vẫn dành hàng trăm nghìn tỷ đồng để làm đường.
Trong khi ngân sách hạn hẹp nhưng các thành phố lớn của Việt Nam mỗi năm vẫn dành hàng trăm nghìn tỷ đồng để làm đường. Đáng lưu ý, nhiều tuyến phố chỉ vài km nhưng phải chi cả tỷ USD mới làm xong, do tiền vào đường 1 thì chi phí GPMB gấp 10 lần. Nghịch lý là đường mới nhưng mặt phố xấu bởi nhà siêu mỏng, nhà ống, trong khi chênh lệch địa tô sau làm đường tư nhân hưởng... Cơ chế chính sách hiện hành đang tạo sự bất công, đồng thời gây lãng phí lớn. Cách nào để thoát khỏi tình trạng này?
Kỳ 1: Tiền làm đường 1, tiền GPMB 10
Dù mang tiếng là đầu tư đường, nhưng chi phí để GPMB chiếm đến 60-70%, thậm chí có dự án, mặt bằng chiếm hơn 90%, trong khi tiền dành cho xây lắp chưa nổi 10%.
Nhan nhản đường “đắt nhất hành tinh”
Tháng 10/2016, tuyến đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long do Sở GTVT Hà Nội làm chủ đầu tư được khởi công xây dựng. Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, đây là một trong những dự án cấp bách của Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù. Dù không phải ở trung tâm, nhưng như đại đa số dự án khác của Hà Nội, tuyến đường cũng có tổng mức đầu tư cao ngất ngưởng. Toàn tuyến có chiều dài 5,5km, nhưng tổng mức đầu tư lên đến 3.113 tỷ đồng. Đáng nói, trong số này, chi phí bồi thường GPMB lên tới hơn 1.800 tỷ đồng. Còn lại tiền cho xây lắp khá ít ỏi, chỉ hơn 800 tỷ đồng.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông những ngày gần đây, dù đã khởi công hơn 2 tháng, nhưng tuyến đường vẫn án binh bất động. Dọc tuyến đường Mai Dịch - Nam Thăng Long vẫn quá tải, ùn tắc liên miên, nhất là giờ cao điểm nhưng chưa thấy bóng dáng của thiết bị, máy móc nào được huy động đến thi công. Cũng gần như chưa thấy nhà dân nào di dời, giải tỏa và rất có khả năng chậm tiến độ, đội vốn như nhiều dự án giao thông khác của Thủ đô. Trong khi đó, tuyến Vành đai 3 trên cao cũng đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long trên cao chuẩn bị khởi công, rất cần mặt bằng và không gian để triển khai thi công.
"Trong tổng mức đầu tư xây dựng các công trình giao thông ở Hà Nội, chi phí GPMB thường chiếm đến 70 - 80%, còn giá trị xây lắp chỉ khoảng 20 - 30%. Kinh phí GPMB các tuyến đường trong nội đô lớn do các dự án chủ yếu xây dựng trên cơ sở mở rộng những tuyến đường cũ, khối lượng phải GPMB nhiều và giá đền bù cao”.
Ông Vũ Văn Viện
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội
Một công trình khác trên địa bàn TP Hà Nội cũng đang tiến hành thi công là dự án đường Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng. Dự án này được khởi công từ năm 2013, nhưng nhiều lần lỡ tiến độ cũng do nguyên nhân chính là chậm GPMB. Thông tin với PV, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó giám đốc Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội - người trực tiếp phụ trách dự án cho biết, tuyến đường dài 2,5km, được xây dựng với quy mô 6 làn xe, mặt cắt ngang 50-55m, tổng mức đầu tư 2.560 tỷ đồng.
“Riêng chi phí đền bù GPMB lên tới 2.022 tỷ đồng, còn lại phần xây lắp chỉ 311 tỷ đồng”, ông Tường nói.
Những tuyến đường trên chưa phải là con đường đắt đỏ nhất của Hà Nội. Cuối tháng 5/2015, tuyến đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài do UBND quận Cầu Giấy làm chủ đầu tư chính thức được khánh thành và đưa vào sử dụng. Dự án dù chỉ có chiều dài hơn 560m, mặt cắt ngang rộng 50m nhưng có tổng mức đầu tư hơn 969 tỷ đồng. Đáng nói, chi phí xây lắp để thi công chỉ vỏn vẹn 79 tỷ đồng; Còn lại GPMB hơn 680 tỷ đồng.
Theo thông tin của chủ đầu tư, trong quá trình triển khai, dự án tiến hành thu hồi 28.986m2 đất của 231 hộ gia đình, 14 tổ chức và 179 ngôi mộ thuộc hai phường Quan Hoa và Dịch Vọng. “Giá đền bù cao nhất ở dự án này là 75 triệu đồng/m2 với mặt đường Cầu Giấy, thấp nhất 20 triệu đồng/m2, trong đó có những gia đình được đền bù đến 20 tỷ đồng”, đại diện chủ đầu tư cho biết.
Gần hai năm trước đó, tuyến đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu cũng chỉ dài 550m được thông xe với tổng mức đầu tư lên tới 975 tỷ đồng, trung bình 1,72 tỷ đồng/m. Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Đình Tuấn, Phó giám đốc Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội (chủ đầu tư dự án) cho biết, tổng mức đầu tư dự án cao do kinh phí GPMB của công trình quá lớn.
“Trong số 950 tỷ đồng tổng mức đầu tư của dự án, kinh phí GPMB chiếm tới hơn 800 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần phần chi phí xây lắp chỉ chưa đầy 75 tỷ đồng”, ông Tuấn nói và cho biết, dự án bắt đầu triển khai từ năm 2010, nhưng đến cuối năm 2013 mới hoàn thành do công tác GPMB bị chậm hơn 1 năm.
Trước đó nhiều năm, hàng loạt dự án giao thông khác nằm trong nội đô của Hà Nội từng được người dân Thủ đô mệnh danh là “đắt nhất hành tinh” cũng do chi phí GPMB lớn như: Đường Trần Phú kéo dài (225 tỷ đồng/450m), Kim Liên - Ô Chợ Dừa (733 tỷ đồng/1,5km)…
Theo tính toán, số tiền Nhà nước bỏ ra để GPMB cho các tuyến đường trong đô thị trên có thể làm được được hàng chục km đường cao tốc. Cụ thể, phần kinh phí GPMB 2,5km dự án đường Vành đai 2 đoạn ngã tư Sở - ngã tư Vọng (2.022 tỷ đồng), hay đường Vành đai 3 Mai Dịch - Nam Thăng Long (1.800 tỷ đồng) có thể làm được khoảng 15km đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (suất đầu tư bình quân mỗi dự án khoảng 6,2 triệu USD/km), 10km đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (9,66 triệu USD/km)…
Dù mất hơn 900 tỷ đồng nhưng không chỉnh trang được đô thị (Trong ảnh: Đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài (quận Cầu Giấy, Hà Nội) sau khi hoàn thiện xuất hiện nhiều nhà “siêu mỏng”) - Ảnh: Đặng Ngân
Chi phí GPMB gấp nhiều lần chi phí xây lắp
Không riêng Hà Nội, rất nhiều tuyến đường tại TP.HCM diễn ra tình trạng tương tự, tổng mức đầu tư các dự án giao thông đô thị rất cao do chi phí đền bù GPMB đắt đỏ. Điển hình, dự án mở rộng đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa dài 3,8km, nhưng tổng mức đầu tư được phê duyệt lên tới 852 tỷ đồng, trong đó kinh phí GPMB hơn 778 tỷ, còn lại hơn 70 tỷ đồng là chi phí xây dựng và chi phí khác.
Được khởi công tháng 12/2005, tuy nhiên phải mất gần 5 năm (đến tháng 2/2010) tuyến đường dài chưa đến 4km này mới hoàn thành và thông xe. Theo Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (chủ đầu tư), dự án chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân, trong đó, do tiến độ GPMB và di dời hạ tầng kỹ thuật là chủ yếu. “GPMB phải chỉnh duyệt lại nhiều lần về mức giá đền bù, nhiều hộ dân đã nhận tiền bồi thường nhưng chưa chịu trả mặt bằng. Để giải tỏa sớm, cơ quan chức năng phải dùng đến giải pháp cưỡng chế”, đại diện chủ đầu tư cho biết.
Tương tự, dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, tổng chiều dài hơn 13,6km gồm xây dựng đường Hồng Hà, Bạch Đằng, Phạm Văn Đồng theo hình thức BT (đầu tư - chuyển giao) được khởi công tháng 6/2008. Trong khi tổng vốn đầu tư xây dựng của dự án chỉ hơn 4.200 tỷ đồng (vốn nhà đầu tư), chi phí GPMB ngân sách TP Hồ Chí Minh phải bỏ ra để đền bù GPMB lên tới hơn 6.700 tỷ đồng. Sau 8 năm xây dựng, tuyến đường đã thông xe vào cuối tháng 8/2016 vừa qua.
Dự án mở rộng QL1 đoạn từ An Lạc đến giáp Long An cũng có chi phí GPMB rất lớn. Ông Nguyễn Hồng Ninh, Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng - chủ đầu tư cho biết, tổng mức đầu tư dự án là 1.989 tỷ đồng, trong đó chi phí GPMB là 1.321 tỷ đồng, còn lại chi phí xây lắp chỉ 396 tỷ đồng. “GPMB quá khó khăn và tốn kém, gấp hơn ba lần chi phí xây lắp. Khoản chi phí này do chủ đầu tư phải chi trả, không phải do ngân sách TP”, ông Ninh nói.
Báo Giao thông