MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà nước vẫn nắm hơn 90% vốn tại 15 tập đoàn, tổng công ty lớn

Hiện nay Nhà nước vẫn nắm giữ trên 90% vốn điều lệ tại 70 doanh nghiệp, bao gồm 15 tập đoàn, tổng công ty lớn. Vốn Nhà nước còn lại tại Tổng công ty Lilama hiện lớn nhất, chiếm đến 98%, tiếp đó là Tổng công ty Hàng không Việt Nam với tỷ lệ giữ vốn 95,5%.

Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, trong giai đoạn từ 2011 – 2015 đã có 508 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hoá, trong 9 tháng năm 2016 đã có thêm 49 doanh nghiệp nữa. Luỹ kế từ 2011 đến hết quý 3/2016, có 557 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hoá.

Trong số đó, 426 doanh nghiệp đã triển khai IPO (254 doanh nghiệp bán cổ phần theo phương án được duyệt, đạt tỷ lệ 60%; 172 doanh nghiệp không bán được toàn bộ số cổ phần theo phương án cổ phần hoá, tỷ lệ 40%) thu về 43.475 tỷ đồng, chênh lệch tăng 8.563 tỷ đồng. Các doanh nghiệp còn lại đang tiến hành các bước để IPO.

Dù vậy, Nhà nước vẫn giữ trên 90% vốn điều lệ tại 70 doanh nghiệp, bao gồm 15 tập đoàn, tổng công ty lớn.

Cụ thể, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam có tỷ lệ là 94,99%, Tổng công ty Thép Việt Nam là 93,6%; Tổng công ty Hàng không Việt Nam là 95,5%; Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam là 92,5%; Tổng công ty Lilama là 98% và Tổng công ty Viglacera là 93% vốn điều lệ.

Ngoài ra, Nhà nước còn nắm giữ 65% vốn tại 82 doanh nghiệp; giữ 50% vốn tại 96 doanh nghiệp; có 156 doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ và 22 doanh nghiệp cổ phần hóa cùng công ty mẹ.

Theo báo cáo, nguyên nhân khiến cho tỷ lệ vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp vẫn còn cao là bởi lượng cổ phần chào bán ra công chúng đạt thấp so với phương án cổ phần hoá doanh nghiệp. Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối khi cổ phẩn hoá còn lớn đã làm giảm mức độ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư lớn.

Nam Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên