Nhà nuôi yến: Mạnh ai nấy làm, quy định vẫn... chờ
Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Phát triển bền vững nghề nuôi chim yến - Nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chế biến từ tổ yến tại Bạc Liêu”, diễn ra vào ngày 14.10.
- 13-11-2018Nuôi yến tràn lan, không dễ sắp xếp
- 28-09-2018Kiên Giang "dẹp loạn" việc nuôi chim yến
- 10-08-2018Bất chấp rủi ro, người dân ở Đồng Nai vẫn đua nhau nuôi yến
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, việc quản lý điều kiện nuôi với đối tượng này còn thiếu, không kiểm soát được số lượng chim yến gây nuôi và sản lượng sản phẩm. Chưa có quy định về điều kiện chuồng trại phù hợp với tập tính. Việc mua, bán, thương mại sản phẩm tổ yến còn chưa có thị trường ổn định, nhiều khi bị ép giá; nhiều sản phẩm chủ yếu xuất khẩu dưới dạng sản phẩm thô nên giá trị chưa cao.
Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Hiện nay nghề nuôi chim yến đang phát triển một cách tự phát, địa phương chưa có quy định cụ thể, do đó có thể dẫn tới rủi ro cho người dân và ảnh hưởng đến quy hoạch, phát triển đô thị. Chính vì vậy, cần định hướng phát triển ngành nghề nuôi chim yến, trên cơ sở quy định vùng nuôi chim yến.
Ông Ly cho rằng, cần tăng cường công tác quản lý giám sát việc thực hiện đăng ký nuôi chim yến theo Thông tư 35/2013/TT-BNNPTNT của Bộ NNPTNT; tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước về chất lượng tổ yến, truy xuất nguồn gốc; thực hiện và kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường trong các vùng nuôi chim yến; thực hiện phân cấp và phối hợp của chính quyền các cấp trong quản lý nhà nước thống nhất theo hệ thống; kiểm tra giám sát theo đúng chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước và xử phạt nghiêm theo thẩm quyền được quy định.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nhật Hồ
Chia sẻ tại hội thảo, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam, cho rằng “Để phát triển nghề nuôi chim yến cần có những giải pháp đồng bộ về quản lý, sự phối hợp và thống nhất để có thể phát triển bền vững nghề nuôi chim yến chim yến là động vật hoang dã được quản lý theo quy định. Tuy nhiên, việc quản lý động vật hoang dã có nhiều văn bản pháp luật khác nhau, do nhiều cơ quan quản lý nên gây khó khăn trong việc thực hiện.
“Cần có các văn bản hướng dẫn kỹ thuật về xây dựng nhà nuôi yến đúng, có các tiêu chuẩn nuôi chim yến bảo đảm an toàn sinh học. Xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam về nhà yến và tổ yến. Đồng thời, quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính cụ thể đối với hành vi phát âm thanh dẫn dụ chim yến làm ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của người dân xung quanh” - luật sư Hậu nêu ý kiến.
Báo cáo sơ bộ của các tỉnh, hiện nay, cả nước có 42/63 tỉnh có nuôi chim yến với tổng số 8.304 nhà yến; nhiều nhất là tại vùng ĐBSCL. Thống kê sơ bộ của ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu, chỉ riêng trên địa bàn tỉnh này đã có trên 1.000 nhà nuôi yến và dẫn dụ gây nuôi chim yến. Nghề này được cho là đã góp phần không nhỏ cho thu nhập, phát triển kinh tế của các hộ dân cũng như đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Lao động