MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà ở công nhân và sản xuất ‘ba tại chỗ’ - Bài cuối: Cách nào phát triển nhà ở công nhân trong các KCN?

18-08-2021 - 07:25 AM | Doanh nghiệp

Khu ký túc xá của Công ty TNHH Giấy Lee&Man Việt Nam phát huy tác dụng giúp doanh nghiệp duy trì được 100% công suất sản xuất. Ảnh: An Hòa

Khu ký túc xá của Công ty TNHH Giấy Lee&Man Việt Nam phát huy tác dụng giúp doanh nghiệp duy trì được 100% công suất sản xuất. Ảnh: An Hòa

Để giải quyết nhu cầu bức xúc nhà ở cho người lao động, tại Hậu Giang đã có một doanh nghiệp FDI đầu tư gần 400 tỷ đồng xây hơn 400 căn hộ cho công nhân ở miễn phí nhằm để an tâm làm việc.

Mô hình "ký túc xá công nhân"

Trong “sóng gió” của đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát, các doanh nghiệp quá lo lắng trước việc phải lo chỗ ăn, chỗ nghỉ cho hàng trăm công nhân theo phương án sản xuất “ba tại chỗ”. Nhiều doanh nghiệp đã phải dừng sản xuất, hoặc giảm công suất đến mức thấp nhất vì không thể bố trí chỗ ăn, nghỉ cho công nhân tại nhà máy. Một số doanh nghiệp vì không để đứt gãy nguồn cung đã cắn răng “bao” cả khách sạn cho công nhân ở với chi phí rất tốn kém.

Trong khó khăn đó, Công ty TNHH Giấy Lee&Man Việt Nam (doanh nghiệp FDI - HongKong) tại Cụm công nghiệp Phú Hữu A, huyện Châu Thành (Hậu Giang) vẫn đảm bảo duy trì 100% công nhân, đảm bảo hoạt động 100% công suất sản xuất, đây là điều “trên cả tuyệt vời” mà rất ít doanh nghiệp trên phạm vi cả nước làm được.

Chia sẻ với Nhadautu.vn, bà Nguyễn Thị Kim Anh – Đại diện Truyền thông của Công ty TNHH Giấy Lee&Man Việt Nam cho biết, dự án khu nhà ở cho chuyên gia và cán bộ nhân viên công ty còn gọi là “khu ký túc xá” có tổng mức đầu tư hơn 380 tỷ đồng bao gồm 4 tòa nhà với 419 căn hộ, mỗi căn được thiết kế theo nhu cầu, cấp bậc, chức vụ hoặc là vợ chồng làm việc tại công ty sẽ được bố trí ở các phòng riêng biệt 1 người, 2 người hoặc 4 người. Sức chứa Khu ký tuc xá 1.500 nhân viên, vượt xa số lượng nhân viên hiện tại của công ty. Vì vậy, trong điều kiện dịch bệnh công ty có đủ khả năng, cơ sở vật chật để bố trí chỗ ở cho nhân viên khi thực hiện mô hình "ba tại chỗ".

Trong các căn hộ đều được bố trí đầy đủ tiện nghi như máy lạnh, máy nước nóng, giường, tủ quần áo, bàn ghế... phục vụ đầy đủ cho nhu cầu sinh hoạt của nhân viên. Bên cạnh đó, trong khuôn viên khu nhà ở còn có các hạng mục khác như nhà ăn, hội trường, phòng đào tạo, sân bóng đá, cầu lồng, phòng tập thể gym, bóng bàn, bi da... Tất cả đều đảm bảo điều kiện tốt nhất cho nhân viên sống và làm việc, và đặc biệt là đều miễn phí.

Trong điều kiện bình thường, khu nhà ở là nơi sống và sinh hoạt cho tất cả cán bộ, công nhân viên ở xa có nhu cầu vào ở ký túc xá để thuận lợi cho công việc. “Điều kiện để được vào ở ký túc xá cũng không cứng nhắc, công ty không bắt buộc nhân viên phải ký cam kết gắn bó làm việc lâu dài mà chỉ cần làm việc tại công ty, có gia đình ở xa và có nhu cầu về nhà ở để thuận tiện cho công việc. Trường hợp là vợ chồng làm cùng trong công ty, sẽ được cấp 1 căn hộ riêng trong khu nhà ở và có thể đón con nhỏ hoặc người thân vào ở cùng để thuận tiện việc chăm sóc”, bà Kim Anh cho biết.

Doanh nghiệp thừa sức xây nhà cho công nhân ở

Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú là đơn vị xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam, được mệnh danh là “vua tôm” với số lượng công nhân đang làm việc tại 2 địa phương có nhà máy là Cà Mau và Hậu Giang lên đến trên 15.000 lao động. Việc giải quyết chỗ ở cho người lao động luôn là nỗi lo và trách nhiệm của lãnh đạo Tập đoàn.

 Nhà ở công nhân và sản xuất ‘ba tại chỗ’ - Bài cuối: Cách nào phát triển nhà ở công nhân trong các KCN? - Ảnh 1.

Công ty thủy sản Minh Phú Hậu Giang tổ chức sản xuất “ba tại chỗ” để không đút gãy chuỗi cung ứng. Ảnh: An Hòa

Phát biểu tại các diễn đàn về phát triển chuỗi giá trị ngành tôm, ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú đã từng kiến nghị các địa phương bố trí quỹ đất dành cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân. Theo ông Quang, chỉ cần nhà nước giao đất nhanh cho doanh nghiệp và Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay vốn lãi suất thấp là doanh nghiệp sẵn sàng bỏ thêm tiền để xây dựng các khu nhà ở cho công nhân ngay.

Trao đổi với Nhadautu.vn xung quanh về vấn đề này, ông Lê Văn Quang cho biết, Minh Phú vẫn kiên trì với đề xuất này và đang triển khai mô hình nhà máy sản xuất gắn với khu nhà ở công nhân cùng các tiện ích xã hội khác, đó là "Khu công nghiệp đô thị".

“Ở Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia họ đều quy hoạch KCN gắn liền với nhà ở công nhân và chỉ mở cổng hàng rào là công nhân đi từ nhà ở sang nhà máy nên giảm giá thành rất nhiều và chi phí cuộc sống của công nhân cũng được tiết giảm, tích lũy được nhiều hơn. Còn ở Việt Nam hiện lại xây dựng KCN giữa cánh đồng sao cho được nhiều đất nhất để cho thuê xây nhà máy. Trong khi đó, doanh nghiệp phải đưa đón công nhân từ nơi rất xa với chi phí hơn 1 triệu đồng/người/tháng và thời gian đi lại mất nhiều giờ làm khiến công nhân mệt mỏi, năng suất lao động thấp”, ông Quang nói.

Nhiều vướng mắc đã được “cởi trói”

Thấy được những bất cập, hạn chế trong phát triển nhà ở, khu vui chơi giải trí cho công nhân, nơi học hành cho con em công nhân tại các KCN trong thời gian qua, ngày 1/4/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 49/2021/NÐ-CP về việc “sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 100/2015/NÐ-CP". Trong đó có nội dung sửa đổi về phát triển và quản lý nhà ở xã hội tại các KCN, Nghị định này có hiệu lực tức thì.

Nghị định 49 nêu rõ, khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng KCN, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phải xác định rõ diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà ở xã hội, thiết chế công đoàn đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại KCN đó.

Trường hợp KCN đang trong giai đoạn hình thành, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở cho công nhân, người lao động làm việc tại KCN. Chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở xã hội được phân bổ một phần hoặc toàn bộ vào giá thành kinh doanh hạ tầng KCN đó.

Trường hợp KCN đã hình thành mà chưa có hoặc chưa đáp ứng đủ nhà ở cho công nhân, người lao động làm việc tại KCN đó, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch (hoặc điều chỉnh quy hoạch) để bổ sung quỹ đất phù hợp phát triển nhà ở xã hội; thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu hồi đất để giao cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội.

Ðối với các KCN chưa sử dụng hết diện tích đất công nghiệp thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền được điều chỉnh quy hoạch dành phần diện tích đất phát triển nhà ở xã hội, thiết chế của công đoàn cho công nhân, người lao động làm việc tại KCN theo quy định tại khoản 3 Ðiều 77 Luật Ðầu tư số 61/2020/QH14, ngày 17/6/2020.

Song Song đó, Nghị định 49 cũng đã “cởi trói” thủ tục mua nhà, nới lỏng điều kiện vay vốn cho người mua nhà, đây được xem là “cú hích” cho dự án nhà ở xã hội phát triển trong thời gian tới.

Phát biểu tại diễn đàn Quốc hội khi thảo luận về tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, đại biểu Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (ĐBQH đơn vị tỉnh Ninh Thuận) cho biết, một trong những vấn đề bức xúc hàng đầu hiện nay của công nhân lao động cả nước là vấn đề nhà ở.

Trong thực tế triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 bức xúc nhà ở công nhân càng lộ rõ. Hàng triệu công nhân từ Bắc chí Nam khi bị cách ly, phong tỏa nhiều ngày trong thời tiết nắng nóng gay gắt nhưng phải sống trong các phòng trọ do người dân xây dựng tự phát, chật chội, ẩm thấp, thiếu tiện nghi tối thiểu, giá thuê cao.

Có những địa phương tại một thôn ở gần các KCN chỉ có hơn 1.000 dân nhưng có đến 10.000 công nhân lưu trú. Điều này tạo nên sức ép rất lớn về mật độ dân số, gây áp lực về hạ tầng xã hội và dễ phát sinh các vấn đề về an ninh, trật tự. Theo một báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng, cả nước hiện chỉ có 214 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600 ha (trong đó đã hoàn thành 116 dự án với diện tích đất hơn 250 ha). Như vậy, mới chỉ có khoảng 41% diện tích đất được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng. Đến nay cả nước mới có 2.580.000 m2 nhà ở cho công nhân KCN, đủ bố trí cho khoảng hơn 330.000 người lao động, con số này quá ít so với thực tế nhu cầu về nhà ở của hàng chục triệu công nhân.

Theo ông Khang, mặc dù những năm qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở dành cho công nhân. Điển hình là việc Chính phủ ban hành các Nghị định số 99 và 100 vào năm 2015 và đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 49 ngày 1/4/2021 nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội. "Nhưng để các chính sách thu hút đầu tư nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân đủ mạnh, hấp dẫn nhà đầu tư thì rất cần thiết phải bố trí một phần vốn ngân sách nhà nước để làm vốn mồi cho chương trình phát triển nhà ở cho công nhân chứ không thể khoán trắng cho các nhà đầu tư thuộc thành phần kinh tế ngoài nhà nước", ông Khang nói.

Từ thực tế cấp bách về vấn đề nhà ở cho công nhân, ông Khang đã đề nghị Quốc hội xem xét đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; đồng thời xem xét, bổ sung trong kế hoạch vốn “một gói” để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, chăm lo cho công nhân - lực lượng đang trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội nhưng rất dễ bị tổn thương, để hướng đến xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh.

Theo An Hòa

Nhà đầu tư

Trở lên trên